Tình hình dịch bệnh mới nhất tại TP.HCM ngày 7.2

Duy Tính
Duy Tính
07/02/2024 15:38 GMT+7

Hoạt động tiêm chủng phòng chống dịch bệnh tại TP.HCM sẽ tạm ngưng từ ngày 8.2 (29 tết) và sẽ triển khai lại từ ngày 14.2 (mùng 5 tết).

Ngày 7.2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã báo cáo tình hình dịch bệnh mới nhất trên địa bàn TP.HCM.

Theo HCDC, trong tuần thứ 5 (từ 29.1 – 4.2), TP.HCM ghi nhận 106 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 51,1% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 5 là 973 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Q.6, Q.8 và H.Nhà Bè.

Trong tuần 5, TP.HCM cũng ghi nhận 179 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 31,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 5 là 1.221 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Q.1, Tân Phú và Q.12.

Để phòng dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết, HCDC khuyến cáo người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế.

Tình hình dịch bệnh mới nhất tại TP.HCM ngày 7.1- Ảnh 1.

Mặc dù, các loại dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng người dân cần chú ý các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay, đặc biệt đến nơi đông người, bệnh viện...

DUY TÍNH

Trong diễn biến liên quan, theo thông báo của Sở Y tế TP.HCM thì hoạt động tiêm vắc xin Covid-19 và tiêm chủng mở rộng tại 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức sẽ tạm ngưng từ ngày 8.2 (tức 29 tết) đến hết ngày 14.2 (mùng 5 tết).

Ngay sau kỳ nghỉ tết, hoạt động tiêm vắc xin phòng dịch bệnh sẽ được lập tức triển khai trở lại. Lịch và địa điểm tiêm cụ thể của từng nơi được cập nhật trên trang thông tin điện tử của HCDC.

Các loại vắc xin phòng dịch bệnh hiện đang có tại các cơ sở tiêm chủng mở rộng trên địa bàn TP.HCM gồm vắc xin Pfizer phòng Covid-19; các loại vắc xin cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng như viêm gan vi rút B, lao, bạch hầu, ho gà, bại liệt, Haemophilus influenzae tuýp B, sởi, viêm não Nhật Bản B, Rubella và vắc xin uốn ván dành cho phụ nữ mang thai.

Theo Sở Y tế TP.HCM, sự xuất hiện biến thể phụ của Omicron là JN.1 tại TP.HCM từ tháng 12.2023 với những đặc điểm kháng nguyên mới cho phép vi rút dễ dàng thoát khỏi sự tấn công của hệ miễn dịch, nên vi rút dễ lây truyền hơn và đã nhanh chóng chiếm ưu thế trong các biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh hiện nay. Điều may mắn là cho đến hiện nay chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này gây bệnh nặng hơn các biến thể phụ khác của Omicron.

"Tất cả các biến chủng SARS-CoV-2 hiện nay đều gây ra các triệu chứng bệnh Covid-19 tương tự và mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào tình trạng của hệ miễn dịch và trạng thái sức khỏe của từng người (có các bệnh nền hay không). Trước những biến đổi không ngừng của SARS-CoV-2, việc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ là giải pháp quan trọng chủ yếu để có thể "sống chung" với Covid-19", Sở Y tế TP.HCM thông tin.

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo những biện pháp cần làm để bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trước các dịch bệnh, gồm:

Kiểm soát tốt, ổn định các bệnh lý mạn tính đang mắc phải.

Tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế gồm 2 mũi cơ bản, 1 mũi nhắc lại lần 1 và 1 mũi nhắc lại lần 2.

Rửa tay thường xuyên.

Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.