Tình hình Covid-19 hôm nay 9.3: TP.HCM, Long An đặt điều kiện để F0 không triệu chứng đi làm

09/03/2022 19:12 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Các cơ quan, đơn vị ở TP.HCM được gợi mở tính toán duy trì khối lượng, thời gian làm việc phù hợp cho F0 không triệu chứng; Long An cho phép F0 không triệu chứng đi làm kèm điều kiện.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 164.576 ca mắc Covid-19 trong nước. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 8.3 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 164.596 ca nhiễm mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 164.576 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.161 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 3.000 ca bệnh: Hà Nội 31.365 ca, Nghệ An 10.296 ca, Bắc Ninh 9.068 ca, Phú Thọ 5.594 ca, Sơn La 4.924 ca, Hưng Yên 4.102 ca, Hòa Bình 3.997 ca, Bình Dương 3.993 ca, Nam Định 3.980 ca, Lạng Sơn 3.905 ca, Hải Dương 3.636 ca, Tuyên Quang 3.498 ca, Cà Mau 3.294 ca, Đắk Lắk 3.119 ca, Hải Phòng 3.027 ca.

Hôm nay Sở Y tế Nghệ An đăng ký bổ sung 45.896 ca, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 30.353 ca và Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 24.318 ca sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai giảm 2.363 ca, TP.HCM giảm 620 ca, Bình Dương giảm 513 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nghệ An 5.139 ca, Hải Phòng tăng 2.924 ca, Bắc Ninh tăng 2.858 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 65.872 bệnh nhân khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua ghi nhận 109 ca tử vong tại các tỉnh, thành, trong đó, Thái Nguyên 10 ca trong 2 ngày, Đồng Nai 8 ca trong 2 ngày, Hà Nội 8 ca, Nam Định 7 ca trong 2 ngày, Hà Nam 6 ca trong 2 ngày, Phú Thọ 5 ca trong 2 ngày...

Công nhân Công ty CP in số 7, KCN Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM trong ca làm việc ngày 8.2

ngọc dương

Chủng Omicron dòng BA.2 có khả năng “tàng hình” đang chiếm ưu thế tại TP.HCM. Tại cuộc họp giao ban định kỳ của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM sáng 9.3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thông tin dự báo thành phố sẽ có thêm 1 làn sóng dịch nữa từ các chuyên gia đăng tải trên các phương tiện truyền thông được người dân quan tâm. Do đó, Sở Y tế phân tích, đánh giá để nhận định đúng tình hình dịch bệnh và đưa ra giải pháp phù hợp.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết việc các chuyên gia đặt vấn đề có làn sóng mới hay không là câu hỏi thiết thực, vì mỗi làn sóng đều gắn với 1 biến chủng mới. Hiện trên thế giới đang đối mặt với làn sóng thứ 3 gắn với biến chủng Omicron, cùng 2 dòng phụ là BA.1 và BA.2. Đối với TP.HCM, ông Thượng dẫn chứng kết quả tầm soát ngẫu nhiên 119 trường hợp, ghi nhận 103 ca dương tính Omicron, trong đó có 43 ca dòng BA.2 và 24 ca dòng BA.1. Như vậy, biến chủng Omicron dòng BA.2 có khả năng “tàng hình” đang chiếm ưu thế. “TP.HCM vừa có BA.1 và BA.2, điều đó giải thích vì sao tốc độ lây lan ở thành phố nhanh như vậy. Chúng ta cũng không nên quá lo lắng chủng mới xuất hiện ở thành phố, vì thực tế nó đã diễn ra rồi”, ông Thượng nhìn nhận.

TP.HCM giám sát biến chủng Omicron dòng “tàng hình”; bố trí F0 không triệu chứng làm việc phù hợp. Sáng 9.3, tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết số ca nhiễm mới tuần gần đây giảm dần, ca nặng ở mức thấp, ca tử vong ở mức thấp nhất ổn định suốt nhiều tuần qua, cho thấy các biện pháp kiềm chế đã phát huy hiệu quả, trong đó có sự chung tay của người dân. Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị ngành y tế tiếp tục tập trung chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Theo khảo sát của Sở Y tế, kết quả giải trình tự gen bước đầu nhận thấy chủng Omicron trên địa bàn có 64% là biến thể BA.2 và 24% BA.1. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở Y tế tiếp tục giám sát biến chủng Omicron dòng BA.2 có khả năng tàng hình để cảnh báo và có biện pháp phù hợp dựa trên ý kiến cơ quan chức năng là Bộ Y tế, WHO. Ông Phan Văn Mãi nói thêm, đối với các cơ quan, đơn vị có F0 không triệu chứng, không có vấn đề sức khỏe và tự nguyện thì vẫn duy trì cách làm việc phù hợp. Bởi trên thực tế, nhiều cơ quan có 30 - 50 F0, cách ly 7 - 10 ngày, thậm chí 2 tuần thì rất bị động công việc. “Trường hợp không có triệu chứng gì, vẫn duy trì làm việc trong thời gian cách ly với khối lượng, thời gian phù hợp thì cần tính toán để đảm bảo hoạt động của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và kể cả trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Mãi gợi mở.

Long An cho phép người nhiễm Covid-19 đi làm với các điều kiện kèm theo. Theo đó, tổ chức, cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh Long An có các trường hợp nhiễm Covid-19 (không triệu chứng), F1 là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động được đến cơ quan làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trên tinh thần tự nguyện và phải có sự đồng ý của thủ trưởng hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, doanh nghiệp đang trong tình trạng đang thiếu hụt nguồn lao động, nếu không bổ sung kịp thời sẽ không thể hoàn thành các hợp đồng giao hàng... hoặc các trường hợp cấp thiết mà không tuyển dụng kịp thời, được phép sử dụng lao động của công ty đang nhiễm Covid-19 (không triệu chứng), F1 đang trong thời gian cách ly để làm việc.

Người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với Covid-19 và chưa có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính) tự nguyện tham gia làm việc và được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc lãnh đạo của công ty, doanh nghiệp và theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương (cấp huyện hoặc cấp xã). Các trường hợp F0, F1 được bố trí làm việc được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển, không được tiếp xúc với người xung quanh, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc.

Bộ Công an điều tra việc chi tiền hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19 tại TP.HCM. Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM yêu cầu phối hợp cung cấp tài liệu liên quan việc hỗ trợ người dân nghèo, khó khăn trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Theo đó, C03 đang điều tra xác minh việc chi tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại TP.HCM theo nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 25.6.2021 và Nghị quyết 97/NQ-HĐND ngày 22.9.2021 của HĐND TP.HCM. Để phục vụ công tác điều tra, C03 đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp và cung cấp hồ sơ tài liệu.

C03 yêu cầu TP.HCM cung cấp nội dung, kết quả thực hiện đến nay đối với việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn; kết quả thanh tra đối với việc thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các sai phạm đã phát hiện, kết quả xử lý. Các tài liệu mà TP.HCM cung cấp cho C03 để phục công tác điều tra, xác minh phải được đóng dấu treo và sao y.

Nhà trường và phụ huynh ở Vĩnh Long phối hợp ngăn chặn số ca F0 xâm nhập trường học. Chiều 8.3, bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cho biết qua 1 tháng (từ ngày 7.2 - 8.3), hơn 200.000 học sinh các cấp đến trường học trực tiếp, tỉnh đã ghi nhận 439 giáo viên và 2.072 học sinh mắc Covid-19. Trong đó, chỉ có 97 giáo viên và 394 học sinh là F0 phát hiện tại trường. Riêng trong ngày 8.3, 42 giáo viên và 34 học sinh được ghi nhận là F0 tại trường, 65 giáo viên và 398 học sinh là F0 được phát hiện tại nhà. Hiện có 71 giáo viên và 360 học sinh được điều trị khỏi bệnh.

Theo bà Nhuận, ngay sau khi phát hiện F0, nhà trường đã phối hợp với ngành y tế xử lý theo quy định, không làm ảnh hưởng đến các giáo viên và học sinh khác. Các trường vẫn tiếp tục phối hợp với ngành y tế và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh để giảm thiểu số ca mắc Covid-19 trong trường học. Đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp, quy định về phòng chống dịch tại gia đình, trường học để bảo vệ sức khỏe học sinh, đảm bảo an toàn cho các em khi đến trường.

Người mắc Covid-19 được hưởng chế độ ốm đau và chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau. Ngày 9.3, BHXH TP.HCM cho biết, người lao động mắc Covid-19 được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHXH nếu đủ điều kiện và đảm bảo hồ sơ theo quy định. Theo đó, có 2 chế độ BHXH mà người lao động được thụ hưởng, gồm: chế độ ốm đau và chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau. Chế độ ốm đau hiện được áp dụng để chi trả cho người lao động mắc Covid-19 và nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị mắc Covid-19. Người lao động được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Theo cơ quan BHXH, sau khi điều trị các bệnh khác hoặc Covid-19, nếu người lao động đã nghỉ việc, hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong 1 năm theo quy định mà trong vòng 30 ngày trở lại làm việc, sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Thời gian nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong trường hợp này sẽ do người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, từ khoảng 5-10 ngày tùy trường hợp. Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở (447.000 đồng/ngày).

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Mũi Né (Bình Thuận) bắt đầu nhận khách quốc tế. Ngày 9.3, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết vừa ban hành kế hoạch, cho phép các resort 3-5 sao đón khách quốc tế thông qua các công ty kinh doanh du lịch lữ hành kể từ ngày 5.3. Sau ngày 15.3, UBND tỉnh Bình Thuận đồng ý cho mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế theo hướng dẫn của Bộ VH-TT-DL. Ông Nguyễn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, với mục đích từng bước phục hồi ngành du lịch, du lịch Mũi Né nói riêng và các cơ sở du lịch nói chung, Bình Thuận mở cửa đón khách quốc tế. Khách quốc tế đến Mũi Né, Bình Thuận phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận, hoặc đã được chữa khỏi bệnh Covid-19. Khách du lịch dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh nền chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ số mũi được đi cùng bố mẹ, người giám hộ phải thực hiện nghiêm việc xét nghiệm bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ, trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền ở nước xét nghiệm cấp giấy chứng nhận (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi). Phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 20.000 USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.