Tình hình Covid-19 hôm nay 8.4: 36 tỉnh thành có ca mắc mới dưới 500

08/04/2022 19:15 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Chỉ có 11 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh; có đến 36 địa phương có số mắc mới dưới 500; Hà Nội, TP.HCM không có ca tử vong.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 39.333 ca mắc Covid-19 trong nước. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 7.4 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 39.334 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 39.333 ca ghi nhận trong nước (giảm 6.551 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố.

Chỉ có 11 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh: Hà Nội 2.897 ca, Yên Bái 2.115 ca, Bắc Giang 2.052 ca, Phú Thọ 1.992 ca, Nghệ An 1.891 ca, Lào Cai 1.687 ca, Bắc Kạn 1.408 ca, Đắk Lắk 1.381 ca, Vĩnh Phúc 1.326 ca, Quảng Ninh 1.187 ca, Quảng Bình 1.045 ca. Có đến 36 địa phương có số mắc mới dưới 500: Hà Nam 498 ca, Nam Định 496 ca, Quảng Trị 494 ca, Hà Tĩnh 490 ca, Tây Ninh 482 ca, Ninh Bình 470 ca, Gia Lai 467 ca, Đà Nẵng 453 ca, TP.HCM 443 ca, Quảng Ngãi 436 ca, Cà Mau 432 ca, Điện Biên 427 ca, Bình Phước 392 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 326 ca, Bình Dương 302 ca, Thừa Thiên - Huế 252 ca, Quảng Nam 249 ca, Đắk Nông 243 ca, Phú Yên 227 ca, Thanh Hóa 189 ca, Hải Phòng 177 ca, Khánh Hòa 135 ca, Kiên Giang 128 ca, Trà Vinh 112 ca, Bình Thuận 105 ca, An Giang 100 ca, Long An 97 ca, Bạc Liêu 86 ca, Kon Tum 37 ca, Sóc Trăng 31 ca, Đồng Tháp 29 ca, Cần Thơ 28 ca, Đồng Nai 24 ca, Ninh Thuận 9 ca, Hậu Giang 5 ca, Tiền Giang 2 ca.

Hôm nay Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 25.763 ca sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk giảm 445 ca, Bắc Ninh giảm 440 ca, Hà Nội giảm 402 ca. Các tỉnh có số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai tăng 846 ca, Quảng Ngãi tăng 499, Bình Dương tăng 186 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 60.609 bệnh nhân khỏi bệnh.

Hiện, 1.797 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó 206 ca thở máy xâm lấn và 2 ca điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 35 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Đắk Lắk 4 ca, Lào Cai 4 ca trong 2 ngày, Hậu Giang 3 ca trong 2 ngày, Thái Nguyên 3 ca trong 2 ngày, Trà Vinh 3 ca, An Giang, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cao Bằng, Đồng Tháp, Hà Nội, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Trị, Sóc Trăng và Tây Ninh mỗi nơi ghi nhận 1 ca.

Sau khi học sinh lớp 1 đến trường từ 6.4, Hà Nội cho trẻ mầm non đi học trở lại từ 13.4

ngọc thắng

UBND TP.Hà Nội cho phép trẻ mầm non được đi học trở lại từ 13.4, đồng thời yêu cầu Sở GD-ĐT và UBND các quận chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cũng như đảm bảo phòng chống dịch khi trẻ em trở lại trường. Trước đó, ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 12 tuổi. Khi được phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế sẽ tiến hành tiêm ngay cho trẻ.

Ngày 4.4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết 62/63 tỉnh, thành đã cho trẻ mầm non tới trường, chỉ còn thủ đô Hà Nội vẫn đóng cửa trường mầm non từ đầu năm học đến nay. Trước thông tin từ phía Bộ GD-ĐT và thắc mắc của người dân, sáng 5.4, tại cuộc họp với lãnh đạo các phòng GD-ĐT trên địa bàn thành phố, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay sau khi học sinh khối tiểu học, lớp 6 đi học, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ lấy ý kiến cha mẹ học sinh bậc mầm non để đảm bảo đồng thuận, nhất trí về chủ trương.

Ngày 8.4, theo thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh này, vừa ký công văn về việc tổ chức dạy học trực tiếp cho trẻ mầm non và học sinh tại các cơ sở giáo dục. Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay số ca nhiễm Covid-19 có chiều hướng giảm và tình hình phòng, chống dịch bệnh trong trường học được thực hiện tốt. Do đó, UBND tỉnh Cà Mau giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện công việc nhằm bảo đảm cho trẻ mầm non và học sinh lớp 1 - 7 trở lại trường học trực tiếp từ ngày 12.4. Đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và an toàn trường học...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng, trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn và phòng, chống bạo lực học đường khi tổ chức dạy học trực tiếp. Song song đó, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh tăng cường nắm bắt diễn biến tâm lý, tư vấn tâm lý kịp thời, hỗ trợ học sinh về thái độ, kỹ năng để sớm thích nghi, ổn định việc học tập và rèn luyện.

Ngày 8.4, Sở Y tế TP.HCM tổ chức sơ kết hoạt động quý 1/2022 và phương hướng hoạt động quý 2/2022. Sở Y tế TP.HCM nêu 8 vấn đề nóng trong quý 1/2022 mà báo chí phản ánh. Đó là số F0 tăng cao, quá tải thủ tục hành chính khai báo F0 tại các trạm y tế; số ca nặng, tử vong có những lúc tăng cao trở lại; học sinh đi học trở lại, số ca mắc ở trẻ em tăng cao; giảm thu của các bệnh viện công lập, số nhân viên y tế nghỉ việc tăng; sự than phiền chưa nhận được tiền hỗ trợ chống dịch theo Nghị quyết 12 của HĐND TP.HCM; công tác thanh tra, điều tra, kiểm toán liên quan đến mua sắm chống dịch; thông tin trên mạng xã hội liên quan dịch bệnh Covid-19 như quảng cáo mua bán Molnupiravir, hậu Covid-19; tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, có 10 hoạt động nổi bật trong quý liên quan tiêm vắc xin Covid-19; quản lý F0 qua mạng; đối thoại với nhân viên ngành y tế và người bệnh; đổi mới khám, chữa bệnh trong tình hình mới; đẩy nhanh xây dựng các công trình bệnh viện; thí điểm bác sĩ về y tế cơ sở và tham mưu thông qua các chính sách hỗ trợ cho y tế cơ sở… Về hoạt động khám, chữa bệnh, trong quý, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận gần 3,4 triệu lượt khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú, giảm hơn 25% so với quý 1/2021. Số chi phí khám, chữa bệnh là 3.763 tỉ đồng, giảm hơn 16% so với quý 1/2021. Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phòng chống dịch, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, cải cách hành chính… trong quý 2/2022, Sở Y tế TP.HCM tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý hành nghề y, dược tư nhân.

Ngày 8.4, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết vừa ban hành kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em trên địa bàn. Đối tượng tiêm là toàn bộ trẻ trong độ tuổi từ 5 - 11, với số lượng dự kiến hơn 400.000 trẻ. Đối với trẻ đang đi học, tổ chức tiêm tại trường; đối với trẻ không đi học, tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động do UBND các huyện, thành phố lựa chọn. Riêng đối với trẻ không tiêm được tại các điểm tiêm trên, phải có giấy giới thiệu/giấy chuyển tuyến lên trung tâm y tế có giường bệnh hoặc bệnh viện đa khoa khu vực.

Trường hợp vượt khả năng tiêm chủng của y tế tuyến huyện, phải có giấy giới thiệu/giấy chuyển tuyến lên cơ sở tiêm chủng của tỉnh (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai). Thời gian tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em được tiến hành ngay khi Bộ Y tế phân bổ vắc xin. Mũi 1 dự kiến sẽ tiêm trong tháng 4.2022, mũi 2 dự kiến tiêm trong tháng 5.2022.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân - Trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, những trẻ thuộc nhóm trì hoãn tiêm vắc xin Covid-19 gồm: Trẻ có bệnh cấp tính tiến triển như đang có sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư… Trẻ nghi dị ứng với một trong các thành phần trong vắc xin (ví dụ: polyethylene glycol hoặc PEG), trẻ cần khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng trước khi có quyết định tiêm chủng.

Đối với trẻ em có tiền sử bệnh Hemophilia (hoặc rối loạn chảy máu nghiêm trọng khác) cần hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn trước khi tiêm chủng. Nếu bác sĩ đồng ý rằng lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn những rủi ro có thể xảy ra, nên thực hiện các bước tại thời điểm tiêm chủng: • Nếu trẻ được truyền các yếu tố đông máu, việc chủng ngừa nên được thực hiện càng sớm càng tốt sau khi bổ sung đủ liều yếu tố đông máu. • Nên chườm một túi đá lên vị trí trước khi tiêm. • Sau khi tiêm chủng, nên ấn mạnh lên vị trí tiêm trong 5 phút. Trẻ em và thanh niên đã bị hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) nếu quyết định chủng ngừa, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật Mỹ khuyến cáo nên cân nhắc trì hoãn việc tiêm phòng Covid-19 cho đến khi khỏi bệnh và trong 90 ngày sau ngày chẩn đoán viêm đa hệ thống.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, cách chức giám đốc CDC Bình Phước Nguyễn Văn Sáu. Chiều 8.4, Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước (CDC Bình Phước) bằng hình thức cách chức do có vi phạm nghiêm trọng trong mua sắm vật tư y tế phòng, chống Covid-19. Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, trong năm 2021, CDC Bình Phước mua từ Công ty Việt Á 87.392 kit test Covid-19 và 47.900 kit test tách chiết với tổng số tiền hơn 41,5 tỉ đồng. Trao đổi với báo chí cũng như thông tin công khai trên đài truyền hình địa phương, ông Nguyễn Văn Sáu thừa nhận có việc nhận quà của Công ty Việt Á. Bộ Công an sau đó đã làm việc tại CDC Bình Phước và niêm phong, thu giữ các tài liệu, giấy tờ có liên quan, đồng thời làm việc với 6 cán bộ thuộc CDC Bình Phước để làm rõ việc mua kit test của Công ty Việt Á cũng như việc ông Sáu thừa nhận việc nhận quà của công ty này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.