Tình hình Covid-19 hôm nay 25.2: TP.HCM lên kế hoạch tiêm vắc xin cho 970.000 trẻ 5-11 tuổi

25/02/2022 19:57 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: TP.HCM chuẩn bị kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 970.000 trẻ từ 5 - 11 tuổi; Bình Phước tiếp tục điều chỉnh việc dạy và học trực tiếp…

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Có 78.774 ca mắc Covid-19 trên cả nước. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 24.2 đến 16 giờ hôm nay, cả nước ghi nhận 78.795 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 78.774 ca ghi nhận trong nước (tăng 9.655 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành. Các tỉnh, thành ghi nhận số ca bệnh cao: Hà Nội 9.836 ca, Quảng Ninh 4.615 ca trong 2 ngày, Bắc Giang 3.563 ca, Tuyên Quang 2.797 ca, Phú Thọ 2.696 ca, Nam Định 2.581 ca, Hải Dương 2.441 ca, Nghệ An 2.424 ca, Hưng Yên 2.403 ca, Hòa Bình 2.385 ca, Vĩnh Phúc 2.367 ca, TP.HCM 2.206 ca, Bắc Ninh 2.139 ca, Lạng Sơn 2.046 ca, Sơn La 2.001 ca…

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng nhiều nhất so với ngày trước đó: Tuyên Quang tăng 1.679 ca, Hà Nội tăng 972 ca, Nghệ An tăng 795 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang giảm 608 ca, Hải Dương giảm 507 ca, TP.HCM giảm 260 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 15.835 bệnh nhân khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua ghi nhận 78 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Hà Nội 20 ca; Đà Nẵng 7 ca; Hải Phòng, Hòa Bình, Nghệ An, Phú Thọ và Thanh Hóa mỗi nơi 3 ca; Bạc Liêu, Bình Định, Bình Phước, Cao Bằng, Đắk Lắk, Hải Dương, Kiên Giang, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Bình và Thái Bình mỗi nơi 2 ca…

Tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh ở TP.HCM

duy tính

TP.HCM chuẩn bị kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Ngày 25.2, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai chuẩn bị công tác tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em và học sinh từ 5 - 11 tuổi đến các quận, huyện và các cơ sở giáo dục. Theo đó, dự kiến TP.HCM sẽ thành lập tại mỗi trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS, trường nhiều cấp có cấp tiểu học hoặc lớp 6 có 1 điểm tiêm. Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu nhà trường lập danh sách học sinh có ngày sinh từ 1.4.2017 trở về trước và nhập vào nền tảng quản lý tiêm vắc xin Covid-19. Đồng thời, cử nhân sự tham dự lớp tập huấn về sử dụng, quản lý dữ liệu tiêm chủng và tổ chức tiêm an toàn.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT, cho biết đây là bước phối hợp chuẩn bị của Sở GD-ĐT với Sở Y tế để trong thời gian tới, ngay khi Bộ Y tế và UBND TP.HCM công bố kế hoạch chính thức, 2 sở sẽ phối hợp tổ chức triển khai thực hiện. Được biết, hiện Sở Y tế đã tham mưu UBND TP.HCM về kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ, học sinh từ 5-11 tuổi. TP.HCM dự kiến tiêm cho 970.000 trẻ từ 5- 11 tuổi đang sinh sống trên địa bàn, trong đó có 950.000 trẻ đi học và 20.000 trẻ không đi học.

Rất ít tiệm thuốc ở Đắk Nông bán thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 made in Việt Nam. Theo ghi nhận của Thanh Niên tối 24.2, tại các cửa hàng thuốc trên địa bàn TP.Gia Nghĩa hầu hết không bán thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19, ngoại trừ 2 cửa hàng thuộc hệ thống Long Châu. Theo đó, loại thuốc điều trị Covid-19 mà 2 cửa hàng Long Châu bán là Molnupiravir 400 mg do Công ty cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất.

Muốn mua được thuốc, người dân phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế đang trong giai đoạn điều trị Covid-19. Nếu có giấy xác nhận, mỗi trường hợp chỉ mua được 1 hộp/1 liệu trình điều trị với giá 250.000 đồng, tương ứng giá 12.500 đồng/viên. Theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, đến nay đơn vị vẫn chưa có thuốc điều trị Covid-19, vì số lượng thuốc ít nên phải đợi thêm một thời gian nữa.

Số ca mắc Covid-19 trong các cơ quan nhà nước ở Đắk Lắk ngày càng nhiều. Ngày 25.2, thông tin từ UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã có công điện về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn. Theo công điện, từ sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh bùng phát mạnh, số ca nhiễm liên tục tăng cao. Đáng chú ý, số ca mắc trong cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan nhà nước ngày càng nhiều, ảnh hưởng không tốt đến công tác và hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đề cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại cơ quan, đơn vị, địa phương; áp dụng linh hoạt các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tăng cường hình thức họp trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, chỉ đạo, điều hành hoạt động, nhằm hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị.

Hải quan Quảng Ninh thu giữ 400 hộp thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 của Trung Quốc. Ngày 25.2, thông tin từ Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, vào 12 giờ hôm qua (24.2), tại khu vực đường Hùng Vương (P.Hòa Lạc, TP.Móng Cái), Tổ kiểm soát cơ động thuộc Đội kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) chủ trì, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh) bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển 400 hộp thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 nhập lậu từ Trung Quốc.

Cụ thể, lực lượng kiểm soát đã kiểm tra xe ô tô BS 14D-011.00 do ông Vy Hoàng Sơn (36 tuổi, trú tại P.Hòa Lạc, TP.Móng Cái) điều khiển, trên xe có 2 thùng đựng 400 hộp thuốc viên nang, loại 12 viên/vỉ, 2 vỉ/hộp; bên ngoài vỉ thuốc và bao bì hộp thuốc ghi chữ Trung Quốc, có in dòng chữ Lianhua Qingwen Jiaonang; tổng trị giá số hàng khoảng 30 triệu đồng. Ông Vy Hoàng Sơn không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Thực tế loại thuốc này của Trung Quốc chỉ trị cảm cúm thông thường. Tại Quảng Ninh, loại thuốc trên đang bị nhóm đầu cơ đẩy giá từ 85.000 - 160.000 đồng/hộp.

Trên 1.700 giáo viên, học sinh ở Gia Lai nhiễm Covid-19. Sở GD-ĐT Gia Lai ngày 25.2 cho biết, sau khi tổ chức cho học sinh trở lại trường từ 7.2, tỉnh này đã có nhiều cán bộ, giáo viên và học sinh nhiễm Covid-19. Theo đó, tỉnh này đã có 260/268 trường mầm non, 274/284 trường tiểu học, 229/235 trường THCS và toàn bộ 51 trường THPT tổ chức dạy học trực tiếp.

Theo thống kê, hiện Gia Lai có 179 cán bộ, giáo viên và 1.557 học sinh dương tính với Covid-19, trong đó có 297 trường hợp đã điều trị khỏi. Số ca dương tính hầu hết bị nhiễm từ người thân, cộng đồng. Đến nay, ngành chức năng của Gia Lai chưa phát hiện ổ dịch nào từ các trường học. Ngành y tế cũng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 cho 87,15% số trẻ trong độ tuổi từ 12-15. Những ngày qua, số ca dương tính ở Gia Lai tăng cao. Hai ngày gần đây nhất có trên 800 ca dương tính/ngày.

Hiệu trưởng ở Cà Mau chịu trách nhiệm nếu để dịch Covid-19 lây lan trong trường học. Ngày 25.2, theo thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, vừa ký văn bản về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, TP.Cà Mau và các đơn vị có liên quan chỉ đạo các đơn vị trường học rà soát các học sinh đang thuê nhà trọ để học, không ở gần gia đình, nếu bị nhiễm Covid-19 thì nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phải chủ động phối hợp với ngành y tế, chính quyền địa phương, hỗ trợ kịp thời cho học sinh trong quá trình điều trị.

Chủ động theo dõi, phát hiện các trường hợp giáo viên, học sinh có những biểu hiện của bệnh Covid-19 phải kịp thời thực hiện nhanh các biện pháp giãn cách, không để tiếp xúc gần với các giáo viên, học sinh khác; báo ngay cho trạm y tế kịp thời hỗ trợ thực hiện xét nghiệm sàng lọc theo quy định. UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo trường hợp phát hiện có biểu hiện của bệnh Covid-19 nhưng không báo cáo và không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nếu để dịch bệnh lây lan trong trường học thì hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm.

Bình Phước tiếp tục điều chỉnh việc dạy và học trực tiếp từ ngày 28.2. Ngày 25.2, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước có công văn khẩn về việc điều chỉnh việc dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 28.2, tất cả trẻ mầm non trong độ tuổi đến trường ở các địa phương có cấp độ 1 đi học trực tiếp, việc tổ chức cho trẻ ăn bán trú tại trường trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Đối với các địa phương cấp độ 2, 3, 4, trẻ không tham gia học trực tiếp tại trường, giáo viên tiếp tục phối hợp cha mẹ trẻ để hỗ trợ chăm sóc giáo dục trẻ tại nhà.

Đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, thực hiện dạy và học trực tiếp đối với các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn cấp độ 1 của dịch Covid-19; đối với các địa bàn thuộc cấp độ 2 thực hiện dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến qua truyền hình. Các địa phương cấp độ 3, 4 thực hiện dạy trực tuyến qua truyền hình. Đối với các khối lớp còn lại tiếp tục thực hiện dạy và học trực tiếp ở các địa phương cấp độ 1, 2. Đối với các địa phương cấp độ 3 sẽ phối hợp giữa trực tiếp và trực tuyến; cấp độ 4 thì học trực tuyến hoàn toàn.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động là F0 thế nào? Ngày 25.2, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM thông tin, việc giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với người lao động là F0 trên địa bàn hiện nay được thực hiện dựa trên cơ sở Công văn 1492/2021 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và Công văn 9000/2021 của Sở Y tế TP.HCM. Theo đó, đối với trường hợp người lao động là F0 điều trị nội trú hoặc cách ly tập trung tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 thuộc phường, xã, quận, huyện (cơ sở cách ly tập trung F0) thì cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, bệnh viện điều trị Covid-19 chịu trách nhiệm cấp giấy ra viện đúng quy định tại phụ lục 3 kèm theo Thông tư 56/2017 của Bộ Y tế. Đối với trường hợp người lao động là F0 cách ly, điều trị Covid-19 tại nhà thì Trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức; trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý F0 tại nhà sẽ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định tại phụ lục 7 kèm theo Thông tư 56. Trong trường hợp Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng thực hiện hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà thì bác sĩ được phân công trực tiếp chăm sóc F0 sẽ ký xác nhận vào vị trí "người hành nghề KB, CB" (khám bệnh, chữa bệnh). Đơn vị chủ quản là Trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức chịu trách nhiệm ký đóng dấu vào giấy chứng nhận hoặc ủy quyền bằng văn bản cho Trạm y tế phường, xã, thị trấn ký đóng dấu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.