Tình hình Covid-19 hôm nay 23.2: TP.HCM chuẩn bị ô xy, kiểm soát dịch trong trường học

23/02/2022 20:17 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Ca nhiễm gia tăng, UBND TP.HCM ra công văn khẩn về kiểm soát dịch Covid-19 trong trường học; Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các đơn vị y tế đảm bảo cung cấp ô xy cho người bệnh Covid-19.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Có 60.338 ca mắc Covid-19 tại 62 tỉnh, thành. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 22.2 đến 16 giờ hôm nay, cả nước ghi nhận 60.355 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 60.338 ca trong nước (tăng 4.467 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Có tới 25 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh: Hà Nội 7.419 ca, Bắc Giang 2.998 ca, Hải Dương 2.944 ca, Hòa Bình 2.595 ca, Bắc Ninh 2.505 ca, Phú Thọ 2.499 ca, Nam Định 2.203 ca, Vĩnh Phúc 2.013 ca, Quảng Ninh 1.868 ca, Hải Phòng 1.816 ca, Ninh Bình 1.739 ca, Hưng Yên 1.617 ca, Yên Bái 1.556 ca, Nghệ An 1.525 ca, Thái Nguyên 1.499 ca, TP.HCM 1.451 ca, Lào Cai 1.406 ca, Thái Bình 1.385 ca, Lạng Sơn 1.322 ca, Khánh Hòa 1.296 ca, Tuyên Quang 1.277 ca, Đắk Lắk 1.262 ca, Quảng Nam 1.097 ca, Bình Định 1.059 ca, Hà Giang 1.057 ca.

Ngày 23.2: Công bố 82.126 ca Covid-19, 15.641 ca khỏi | Hà Nội 7.419 ca | TP.HCM 1.451 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sơn La giảm 1.494 ca, Lào Cai giảm 650 ca, Bắc Ninh giảm 337 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Giang tăng 876 ca, Hà Nội tăng 559 ca, Lạng Sơn tăng 557 ca. Hôm nay có 15.641 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua ghi nhận 91 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, TP.HCM ghi nhận 3 ca (2 ca tỉnh chuyển đến từ Đồng Tháp và Tiền Giang), Hà Nội 11 ca, Bình Định 7 ca, Hải Dương và Quảng Nam mỗi nơi ghi nhận 6 ca…

TP.HCM yêu cầu các cơ sở y tế sẵn sàng ô xy

ngọc dương

Đồng thời rà soát các hợp đồng với nhà cung cấp ô xy để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho người bệnh và có cơ số dự trữ ít nhất 1 tuần cho nhu cầu sử dụng. Mặt khác, kiểm tra các bồn lỏng, đường dẫn ô xy, các chai ô xy… đảm bảo tính an toàn tuyệt đối khi vận hành. TP.HCM có 15.630 ca mắc Covid-19 đang cách ly, chăm sóc và điều trị. Trong đó, số ca nằm ở tầng 2, tầng 3 là 1.484 ca; 257 ca cách ly tập trung và 13.889 ca cách ly tại nhà. Số ca mắc Covid-19 tăng nhiều lần so với đầu tháng 2.

Số ca Covid-19 gia tăng, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu bệnh viện sẵn sàng ô xy

UBND TP.HCM ra công văn khẩn về kiểm soát dịch Covid-19 trong trường học. Ngày 23.2, UBND TP.HCM gửi công văn khẩn đến Sở GD-ĐT, Sở Y tế và các quận, huyện về việc kiểm soát dịch Covid-19 trong trường học khi học sinh học trực tiếp. Theo đó, không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0. Đối với việc tổ chức học bán trú, nhà trường lưu ý bảo đảm theo nguyên tắc: Hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp; ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân; tăng cường vệ sinh, khử khuẩn theo quy định.

Về kịch bản xử trí trường hợp phát hiện nhiều F0 trong trường, UBND TP.HCM quy định rõ, nếu trong cùng một ngày, lớp học phát hiện từ 2 F0 trở lên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của các học sinh còn lại trong lớp. Nếu trong cùng một ngày, cơ sở giáo dục phát hiện từ 2 lớp có F0 trở lên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo đối với học sinh của trường.

Tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh ở TP.HCM

duy tính

Đáng chú ý, kết quả giải trình tự gene các ca bệnh ở Hà Nội hiện nay đã có 4 trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai nhiễm chủng Omicron. Điều này được thành phố dự báo từ trước và đã triển khai các kế hoạch ứng phó cụ thể. Đặc biệt, trước việc P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai vừa qua quá tải trong xét nghiệm, khi có hơn 90.000 dân mà chỉ có 10 nhân viên y tế, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải chủ động có phương án tăng cường lực lượng cho các địa bàn nóng.

Hà Nội nối dài “kỷ lục” với gần 7.500 ca Covid-19 mới

Số ca mắc Covid-19 tăng cao ở Quảng Ninh, các mặt hàng thuốc, thiết bị y tế, kit test nhanh khan hiếm, loạn giá. Theo ghi nhận của Thanh Niên, tại các hiệu thuốc, kit xét nghiệm nhanh Covid-19 được bày bán với nhiều chủng loại khác nhau, với giá dao động từ 70.000 - 120.000 đồng tùy loại; tăng nhẹ khoảng 30.000 - 50.000 đồng ở các nhà thuốc so với thời điểm cách đây vài tuần. Trên mạng, các mặt hàng thuốc kháng virus được cho là của Nga, Trung Quốc được bày bán công khai. Các loại thuốc không rõ nguồn gốc tăng giá từng ngày. Liên Hoa Thanh Ôn có giá dao động 80.000 - 160.000 đồng/hộp; Favipiravir trước đó giá 2,5 triệu đồng hộp, nay một số người ở Hạ Long bán 3,5 triệu đồng/hộp.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh, cho biết qua kiểm tra của đơn vị hiện chưa phát hiện nhà thuốc, cửa hàng y tế nào bán các mặt hàng biệt dược trị Covid-19 nhập lậu. Hiện nay trên mạng xã hội có tình trạng cá nhân tự bán, trao đổi với nhau nhưng khó kiểm soát, bắt quả tang. Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết có tình trạng người dân tự ý tìm một số loại thuốc để tự điều trị Covid-19 tại nhà. Trong đó, có 2 loại thuốc Favipiravir và Liên Hoa Thanh Ôn chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên thị trường cũng như đưa vào phác đồ điều trị Covid-19. “Thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm có thể gây ra tình trạng giả triệu chứng bệnh hoặc sử dụng thuốc không đúng giai đoạn, bệnh có thể gây rủi ro, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người bệnh”, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh khẳng định.

Tạm dừng các hoạt động giáo dục đối với bậc mầm non và triển khai hoạt động giáo dục trực tuyến đối với bậc tiểu học, lớp 6, 7, 8 và lớp 10, 11. Riêng lớp 9, lớp 12 và các cơ sở giáo dục và đào tạo khác trên địa bàn thành phố tổ chức dạy học trực tiếp nhưng có điều kiện: đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19; giảng viên, sinh viên, học sinh tham gia dạy và học phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng…

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

nguyễn long

Ông Đào Mỹ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: “Dựa theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT, các trường học đang tăng cường phòng dịch Covid-19. Một số trang điện tử đưa tin tỉnh Phú Yên tạm dừng cho học sinh đến trường học trực tiếp vì Covid-19 nhưng đây là thông tin sai sự thật khiến phụ huynh hoang mang. UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu Sở Y tế phải triển khai các phương án để hỗ trợ học sinh điều trị, xử lý những tình huống khi phát hiện mắc Covid-19 trong trường học. Đối với học sinh từ 5 - 12 tuổi, tỉnh Phú Yên đã có kế hoạch chuẩn bị tiêm vắc xin phòng Covid-19 và đang chờ Bộ Y tế phân bổ".

Với cấp độ dịch như hiện nay, ngoại trừ xã Trạm Hành (dịch cấp độ 2 – màu vàng) học trực tiếp, còn lại học sinh lớp 1 đến lớp 6 ở 15/16 phường, xã thuộc TP.Đà Lạt học trực tuyến, trẻ mầm non tạm dừng đến trường. Cũng theo Phòng GD-ĐT TP.Đà Lạt, hiện diễn biến dịch trên địa bàn thành phố hết sức phức tạp, số lượng học sinh và giáo viên là F0, F1 đang tăng nhanh từng ngày; ở các trường trực thuộc đã có hơn 1.000 học sinh cùng 140 giáo viên là F0 và 100 giáo viên cùng hơn 5.443 học sinh khác là F1.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.