Tình hình Covid-19 hôm nay 22.4: Không có ca nhập cảnh; đề nghị dừng khai báo y tế tại cửa khẩu

22/04/2022 19:23 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 11.160 ca bệnh trong nước, không có ca nhập cảnh; Việc khai báo y tế tại cửa khẩu sẽ được điều chỉnh; TP.HCM đề nghị dừng khai báo y tế đối người nhập cảnh.

Sẽ điều chỉnh việc khai báo y tế tại cửa khẩu. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 21.4 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.160 ca bệnh trong nước (giảm 869 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 200 ca bệnh: Hà Nội 980, Phú Thọ 761, Bắc Giang 539, Quảng Ninh 510, Nghệ An 489, Vĩnh Phúc 458, Yên Bái 452, Lào Cai 389, Hải Dương 373, Bắc Kạn 357, Tuyên Quang 352, Đắk Lắk 346, Thái Nguyên 309, Gia Lai 304, Sơn La 273, Thái Bình 255, Nam Định 225, Quảng Bình 222, Hưng Yên 220, Cao Bằng 210.

Các tỉnh, thành có số mắc mới dưới 100 ca: TP.HCM 93, Vĩnh Long 90, Phú Yên 81, Quảng Trị 80, Bến Tre 75, Quảng Nam 70, Đắk Nông 69, Cà Mau 64, Quảng Ngãi 63, Thanh Hóa 57, Bình Dương 33, Khánh Hòa 32, Bình Thuận 29, Long An 27, Thừa Thiên - Huế 23, Bạc Liêu 13, An Giang 9, Trà Vinh 6, Kiên Giang 5, Cần Thơ 5, Kon Tum 4, Đồng Nai 4, Đồng Tháp 2, Hậu Giang 2.

Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 2.338 bệnh nhân khỏi bệnh. Có 822 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó 84 ca thở máy xâm lấn và 2 ca điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua ghi nhận 7 ca tử vong tại 5 địa phương. Trong đó, Đồng Nai và Phú Thọ mỗi nơi 2 ca; Bến Tre, Hà Tĩnh, Kon Tum mỗi tỉnh 1 ca.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và tạo điều kiện cho người nhập cảnh Việt Nam, Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị, địa phương cho ý kiến về phương án điều chỉnh việc khai báo y tế tại cửa khẩu theo hướng thuận lợi hơn nữa cho người nhập cảnh.

Đà Nẵng bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ hôm nay 22.4

hoàng sơn

TP.HCM đề nghị dừng khai báo y tế đối người nhập cảnh. Ngày 22.4, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Bộ Y tế tạm ngưng khai báo y tế đối với người nhập cảnh tại cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Hồi giữa tháng 3.2022, Bộ Y tế quy định người nhập cảnh vào Việt Nam theo đường hàng không phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gồm có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) và thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh. Tuy nhiên, khi áp dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất, vẫn còn một số trường hợp người nhập cảnh chưa khai báo y tế theo quy định trước khi nhập cảnh. Điều này dẫn đến tình trạng ùn ứ tại sân bay vào thời gian cao điểm do số lượng người nhập cảnh đông và một số trường hợp người nhập cảnh khai báo chưa đúng.

Lãnh đạo UBND TP.HCM đánh giá dịch Covid-19 trên địa bàn cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc mới có xu hướng ngày càng giảm. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, khách du lịch đến hoặc về Việt Nam, hạn chế tình trạng ùn ứ tại sân bay, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế xem xét tạm ngưng thực hiện khai báo y tế đối với người nhập cảnh vào Việt Nam, chỉ yêu cầu người nhập cảnh tự theo dõi sức khỏe, sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-Covid) trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo quy định.

TP.HCM chỉ còn 1 người cách ly tập trung phòng Covid-19. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 21.4, TP.HCM có 94 ca mắc Covid-19, gồm 81 ca phát hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh, 13 ca phát hiện tại cộng đồng. Có 300 ca nghi ngờ do người dân tự test nhanh dương tính, chưa đủ điều kiện khẳng định là ca bệnh.

Như vậy, hiện tại, số ca mắc mới trong ngày bằng với đầu tháng 2.2022 là dưới 100 ca/ngày. Tổng số ca đang nằm bệnh viện tầng 2, tầng 3 là 544 ca (trong đó có 468 ca điều trị ở tầng 2, 76 ca điều trị ở tầng 3). Số ca có hỗ trợ hô hấp là 141 ca. Số ca đang thở máy xâm lấn là 25 ca.

Hiện TP.HCM chỉ còn 36 trẻ em dưới 16 tuổi và 2 phụ nữ mang thai mắc Covid-19 nằm viện. Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện trên địa bàn TP.HCM chỉ còn 1 ca cách ly tập trung, 6.929 ca đang cách ly tại nhà. 14 ngày liên tục, TP.HCM không có ca mắc Covid-19 tử vong. Tổng số ca tử vong trên địa bàn TP.HCM đến hiện tại là 20.488 ca. Ngày 22.4, TP.HCM triển khai tiêm vắc xin Covid-19 trong buổi sáng với 138 điểm, 336 bàn tiêm tại 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức với khoảng 33.075 trẻ được tiêm.

Hàng triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19 chưa được xác thực. Bộ Y tế cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ về triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Công an khẩn trương thực hiện các giải pháp “làm sạch” dữ liệu 41 triệu mũi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Đây là các trường hợp đã có thông tin về số định danh cá nhân nhưng chưa thể xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tổng số 80 triệu dữ liệu mũi tiêm chưa thể xác thực do sai sót các thông tin cá nhân về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh...

Để kịp thời phục vụ cho việc đi lại, giao thương quốc tế của người dân, Bộ tế đề UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19, phục vụ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành trước ngày 5.5.

Các địa phương thực hiện ký số toàn bộ đối tượng tiêm chủng đã được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn tại Công văn số 1908/BYT-CNTT ngày 15.4.2022 của Bộ Y tế, hoàn thành trước ngày 30.4. Theo thống kê mới nhất của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) hơn 1,3 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vắc xin Covid-19. Con số này tăng hơn 2 lần so với thống kê cuối tuần trước. Hộ chiếu vắc xin được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-COVID.

Đà Nẵng tiêm vắc xin mũi 1 cho trẻ 5-12 tuổi từ ngày 22 đến 27.4. Sáng 22.4, ngành y tế TP.Đà Nẵng mở đầu chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Bệnh viện Ung bướu và Cung thể thao Tiên Sơn. Đợt tiêm chủng mũi 1 với vắc xin Moderna diễn ra từ 22 - 27.4, trong đó ưu tiên tiêm nhóm trẻ 11 tuổi đang học lớp 6. Tại Cung thể thao Tiên Sơn, trong đợt này, ngành y tế Q.Hải Châu tiêm cho 2.100 trẻ em, với 6 bàn tiêm. Để bảo đảm số lượng học sinh đến tiêm cùng lúc không đông, đơn vị tiêm theo từng trường, từng giờ.

Các em học sinh được tiêm theo hình thức cuốn chiếu theo khối, theo trường. Trước khi vào bàn cuối để tiêm, học sinh đi qua 2 bàn khai báo thông tin, kiểm tra sức khỏe. Trong đợt này, ngành y tế sẽ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi với 10.300 liều 0,25 ml. Trước khi tiêm, phụ huynh hoặc người giám hộ ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng. Để theo dõi sát các phản ứng sau tiêm, trong ngày đầu triển khai, số lượng học sinh được tiêm không quá 50 trẻ/buổi/bàn tiêm. Sau đợt 1, ngành y tế sẽ họp rút kinh nghiệm để triển khai tiêm ở các địa bàn khác.

Trà Vinh bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ngày 22.4, ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh, cho biết hôm nay tỉnh bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. "Số trẻ trong diện tiêm là 113.356 trẻ. Hiện tại, tỉnh mới được Bộ Y tế phân bổ 21.100 liều vắc xin. Đợt này sẽ tiêm hết số vắc xin được phân bổ", ông Kha nói. Theo kế hoạch, Trà Vinh sẽ triển khai tiêm cho học sinh từ 11 tuổi trước và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch của tỉnh.

Dự kiến, trong đợt này, tỉnh Trà Vinh sẽ tiêm toàn bộ trẻ em lớp 5 và lớp 4 (khoảng 35.000 em) có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, Bộ Y tế và đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng.

Hiện tại, số người ở Trà Vinh đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19, đạt 98,8% dân số từ 18 tuổi trở lên và có 566.397 người được tiêm mũi 3, đạt 81,12%. Riêng, trẻ em từ 12 - 17 tuổi, đến nay có 94.348 trẻ được tiêm mũi 2, đạt 98%.

8 triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài đến 1 năm. Một nghiên cứu gần đây tiết lộ 8 triệu chứng phổ biến "tồn tại ít nhất 12 tháng" ở nhiều bệnh nhân Covid-19 sau khi khỏi bệnh, theo nhật báo Anh Express. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí về mầm bệnh Pathogens đã tìm cách xác định các triệu chứng phổ biến nhất của Covid-19 kéo dài.

18 bài báo báo cáo dữ liệu theo dõi 1 năm từ 8.591 người chữa khỏi Covid-19 đã được đưa vào phân tích tổng hợp. Kết quả, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra 8 triệu chứng phổ biến nhất sau khi theo dõi một năm: 1: mệt mỏi, suy nhược; 2: khó thở; 3: đau cơ khớp; 4: trầm cảm; 5: lo âu; 6: mất trí nhớ; 7: khó tập trung; 8: mất ngủ.

Các nhà nghiên cứu viết: “Các bằng chứng hiện có cho thấy bệnh nhân nữ và những người nhiễm Covid-19 nặng hơn có nhiều khả năng bị di chứng kéo dài hơn 1 năm”. Họ kết luận: “Nghiên cứu này đã chứng minh rằng lượng lớn những người chữa khỏi Covid-19 vẫn gặp phải các triệu chứng đến 1 năm sau”. Dịch vụ y tế quốc gia Anh khuyên, hãy đi khám nếu lo lắng về các triệu chứng từ 4 tuần trở lên sau khi nhiễm Covid-19.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, TP.HCM vận động học sinh còn đang ở tỉnh, thành phố khác trở lại trường để học trực tiếp trước ngày 30.4. Ngày 22.4, trong chỉ đạo về công tác tổ chức học trực tiếp và kiểm tra đánh giá từ nay đến cuối năm học, Sở GD- ĐT TP.HCM giao cho các trường tiểu học chủ động xây dựng kế hoạch kết thúc năm học tùy theo tình hình thực tế, năng lực học sinh mỗi trường. Tuy nhiên kế hoạch của các trường phải được phòng GD-ĐT phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện, thời gian kết thúc năm học trước ngày 30.6.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các nhà trường tiểu học tiếp tục vận động tất cả học sinh tham gia học tập trực tiếp. Chỉ tổ chức các giải pháp dạy học linh hoạt trong trường hợp học sinh phải thực hiện cách ly y tế. Đối với các học sinh có tên trong danh sách nhà trường nhưng còn đang ở tỉnh, thành phố khác, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM đề nghị các giáo viên chủ nhiệm vận động học sinh trở lại trường để tham gia học tập trực tiếp trước ngày 30.4 hoặc hướng dẫn học sinh đăng ký chuyển hồ sơ về học tập trực tiếp tại các trường ở tỉnh, thành phố nơi học sinh đang sinh sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.