Tình hình Covid-19 hôm nay 18.3: Khẩn trương hướng dẫn đăng ký lưu hành vắc xin Nanocovax

18/03/2022 19:14 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp để đăng ký lưu hành vắc xin Nanocovax.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 163.165 ca mắc trong nước. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 17.3 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 163.174 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 163.165 ca trong nước (giảm 10.157 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành ghi nhận trên 3.000 ca bệnh: Hà Nội 23.578 ca, Nghệ An 9.968 ca, Phú Thọ 8.042 ca, Bắc Ninh 6.488 ca, Lạng Sơn 5.011 ca, Lào Cai 4.671 ca, Đắk Lắk 4.460 ca, Hải Dương 4.407 ca, Tuyên Quang 4.389 ca, Sơn La 4.198 ca, Vĩnh Phúc 3.995 ca, Hòa Bình 3.960 ca, Hưng Yên 3.849 ca, Quảng Bình 3.590 ca, Cà Mau 3.160 ca, Điện Biên 3.097 ca, Thái Bình 3.074 ca, Yên Bái 3.062 ca, Bình Dương 3.060 ca.

Bản tin Covid-19 ngày 18.3: Cả nước 197.476 ca | Việt Nam nghiên cứu tiêm vắc xin mũi 4

Hôm nay, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 34.302 ca sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai giảm 3.620 ca, Thái Nguyên giảm 1.936 ca, Hà Nội giảm 1.733 ca. Các tỉnh có số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh tăng 1.468 ca, Trà Vinh tăng 730 ca, Sơn La tăng 499 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 175.971 bệnh nhân khỏi bệnh. 4.144 bệnh nhân nặng đang điều trị. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 57 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Quảng Ninh 6 ca, Hà Nội 5 ca, Bến Tre 4 ca, Đồng Nai, Kiên Giang, Nghệ An và Phú Thọ mỗi nơi 3 ca, Cà Mau, Cao Bằng, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Nam, Khánh Hòa, Lạng Sơn và Quảng Trị mỗi tỉnh 2 ca, An Giang, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Lào Cai, Nam Định, Thái Nguyên và TP.HCM mỗi nơi 1 ca.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp về việc cấp giấy đăng ký lưu hành vắc xin Nanocovax. Văn phòng Chính phủ ngày 18.3 đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về kết quả xem xét việc cấp giấy đăng ký lưu hành vắc xin Nanocovax. Theo đó, trên cơ sở xem xét báo cáo của Bộ Y tế về kết quả xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành vắc xin Nanocovax phòng Covid-19 do Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen đăng ký và sản xuất, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 1027/VPCP-KGVX ngày 17.2.2022 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản khác có liên quan; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong mọi trường hợp theo quy định của pháp luật.

Vắc xin phòng Covid-19 Nanocovax được Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển từ tháng 5.2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Trước khi thử nghiệm giai đoạn 3, vắc xin này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18.12.2020, giai đoạn 2 từ ngày 26.2.2021 và giai đoạn 3 chính thức từ ngày 11.6.2021. Theo đề cương đã được phê duyệt, giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax nhằm đánh giá yếu tố hiệu lực bảo vệ của vắc xin đối với cộng đồng và được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước với 13.000 người; chỉ thực hiện tiêm nhóm liều duy nhất 25 mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng.

Cà Mau chính thức cho phép F0 không triệu chứng đi làm. Ngày 18.3, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh này, vừa ký ban hành quyết định cho phép F0 không triệu chứng và F1 có nguy cơ cao đi làm. Theo đó, đối với các trường hợp F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 có nguy cơ, nguy cơ cao là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở sản xuất kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... tạm thời được phép tham gia một số hoạt động có điều kiện. Những trường hợp này được sắp xếp làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp.

Trường hợp làm việc trực tiếp phải trên tinh thần tự nguyện, thỏa thuận, không được ép buộc; phòng, khu vực làm việc phải được cách ly; không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân, đi thẳng từ nhà, nơi cách ly đến nơi làm việc được bố trí sẵn và ngược lại; trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm quy định 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Ngày 18.3: Công bố 197.476 ca Covid-19, 175.971 ca khỏi | Hà Nội 23.578 ca | TP.HCM 2.246 ca

Hà Nội chỉ đạo mới nhất về "dạy học trực tiếp trong tình hình mới". Hôm nay 18.3, Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản về việc triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 trong việc tổ chức dạy học trực tiếp của học sinh lớp 7 đến lớp 12 trong tình hình mới. Sở GD-ĐT đề nghị các trường học, cơ sở giáo dục thực hiện việc tổ chức dạy và học trực tiếp tại các trường học gần với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, kiểm soát và xử lý kịp thời các ca nhiễm, giữ an toàn cao nhất cho học sinh, giáo viên. Thường xuyên cập nhật thông tin, quy định về công tác phòng, chống dịch trong nhà trường của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và các văn bản hướng dẫn của thành phố; bám sát diễn biến của dịch bệnh tại địa phương, kịp thời, chủ động xây dựng phương án tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường cho các khối từ lớp 7 đến lớp 12, đặc biệt quan tâm đến học sinh khối lớp 9 và lớp 12...

Sở GD-ĐT Hà Nội giao phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã là đầu mối tổng hợp, tham mưu với UBND trong việc xem xét, phê duyệt phương án dạy học trực tiếp của các nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Trước đó, từ ngày 7.3, với 326 xã, phường, thị trấn có cấp độ dịch ở mức độ 3, phần lớn trường học ở Hà Nội phải đóng cửa, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 quay trở lại học trực tuyến.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, khấu trừ chi phí phòng chống dịch Covid-19 trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Nội dung này được Cục Thuế TP.HCM nhắc lại nhiều lần trong buổi giao lưu giải đáp các thắc mắc liên quan đến quyết toán thuế năm 2021 tổ chức sáng 18.3. Ông Võ Tiến Dũng - Trưởng phòng Tuyên truyền Cục Thuế TP.HCM cho biết trong năm 2021, toàn bộ nền kinh tế ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và gây ra tác hại kéo dài cho đến nay. Nhiều chính sách được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong đó, một số điểm chính liên quan trực tiếp đến quyết toán thuế năm 2021, đặc biệt là những chi phí liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Nghị định 44/2021 của Chính phủ quy định doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong kỳ tính thuế TNDN năm 2021 đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống Covid-19 thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ. Việc thông qua các đơn vị được quy định tại Nghị định 44 là rất quan trọng nhằm xem các khoản chi có đúng hay không. Các đơn vị nhận ủng hộ tài trợ được quy định tại Nghị định 44 và những đơn vị này có trách nhiệm tài trợ, sử dụng số tiền ủng hộ đúng mục đích đối với các khoản đã tiếp nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.