Tình hình Covid-19 hôm nay 13.11: Hai phương án cho hàng quán TP.HCM được bán rượu bia

13/11/2021 18:39 GMT+7

Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Sở Công thương TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM xem xét 2 phương án cho phép nhà hàng, quán nhậu trên toàn thành phố được kinh doanh đồ uống có cồn.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Thống nhất sử dụng PC-Covid trong phòng chống dịch. Chiều 13.11, Bộ TT-TT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Bộ TT-TT, Bộ Công an đã thống nhất ứng dụng PC-Covid do Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo xây dựng, là ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, ứng dụng VN-EID do Bộ Công an quản lý, là ứng dụng phục vụ định danh người dân, xác thực người dân, là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội. VN-EID cũng được tích hợp một số chức năng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. VN-EID và PC-Covid hoạt động liên thông, chia sẻ dữ liệu thông suốt.

Thực khách tại một quán vỉa hè ở TP.HCM

khả hòa

Đề xuất nhà hàng, quán nhậu toàn TP.HCM được phục vụ rượu, bia. Tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM sáng 13.11, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương đề xuất UBND TP xem xét 2 phương án kinh doanh đồ uống có cồn. Phương án 1, cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống trên toàn thành phố được phục vụ thức uống có cồn trong điều kiện có kiểm soát cụ thể. Trong đó, khách hàng phải tiêm đủ liều vắc xin; cơ sở kinh doanh hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày, mật độ phục vụ bàn ăn cách nhau 2m. Ưu điểm của phương án này là đảm bảo tính thực thi thống nhất trên toàn thành phố, còn nhược điểm là chưa linh hoạt theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Phương án 2, căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch Covid-19 ở từng địa bàn, UBND TP.HCM giao UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức được giao xem xét, đánh giá, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép hoạt động kinh doanh sử dụng đồ uống có cồn trên địa bàn. Ưu điểm của phương án này là linh hoạt, khai thác hoạt động kinh doanh ăn uống phù hợp với tình hình dịch bệnh, còn nhược điểm là tính thực thi có thể không nghiêm giữa các địa phương.

Đề xuất nhà hàng, quán nhậu toàn TP.HCM được phục vụ rượu, bia

Lâm Đồng vượt mốc 1.000 ca nhiễm Covid-19, phát hiện thêm các ổ dịch mới. Đến sáng 13.11 toàn tỉnh này ghi nhận thêm 84 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca lên 1.029 từ đầu dịch Covid-19 đến nay; đồng thời xuất hiện thêm các ổ dịch mới. Trong số 15 ca nhiễm Covid-19 mới ghi nhận ở TP.Đà Lạt có 8 bệnh nhân có yếu tố dịch tễ về từ TP.HCM, 3 bệnh nhân liên quan ổ dịch tại Tú Art Wedding, đường Bùi Thị Xuân.

Trong 15 ca mới ở H.Đơn Dương, có 4 bệnh nhân là F1 liên quan ổ dịch tại công ty DaLat Harsfarm, Đạ Ròn, đang cách ly tập trung; 7 bệnh nhân liên quan đến ổ dịch tại D’ran, 3 bệnh nhân liên quan đến ổ dịch mới tại TT.Thạnh Mỹ. H.Đức Trọng có 27 ca dương tính với Covid-19, trong đó có 7 bệnh nhân liên quan ổ dịch mới tại xã Ninh Loan; 2 bệnh nhân liên quan ổ dịch mới tại thôn Hiệp Thuận, xã Ninh Gia. Ngoài ra, có 1 bệnh nhân ở Hiệp An liên quan ổ dịch Tú Art Wedding (P.2, TP.Đà Lạt).

Ca mắc Covid-19 ở Vĩnh Long tăng cao liên tục, 10 đơn vị cấp xã thành vùng đỏ. Từ 7 giờ ngày 12.11 đến 7 giờ ngày 13.11, tỉnh này ghi nhận 442 ca mắc Covid-19. Tính từ 1.1 đến 13.11, Vĩnh Long đã ghi nhận 4.387 ca dương tính với Covid-19.

10 đơn vị cấp xã ở Vĩnh Long chuyển sang cấp độ 4 (vùng đỏ), gồm các phường 1, 4, 5, 9 (TP.Vĩnh Long); xã An Bình (H.Long Hồ); TT.Cái Nhum (H.Mang Thít); xã Song Phú, xã Tân Phú (H.Tam Bình); xã Thiện Mỹ (H.Trà Ôn) và P.Cái Vồn (TX.Bình Minh); 40 xã phường ở cấp độ 3. Các địa phương còn lại ở cấp độ 1 và 2. Trước đó, tỉnh Vĩnh Long chỉ có 4 đơn vị cấp xã là vùng đỏ.

Quảng Bình có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trở lại do F0 di chuyển nhiều. Từ 6 giờ ngày 12.11 đến 6 giờ ngày 13.11, tỉnh này phát hiện 25 ca dương tính Covid-19; trong đó có 14 ca về từ vùng dịch. Tổng số người từ vùng dịch về Quảng Bình phát hiện dương tính với Covid-19 tính từ ngày 7.10 đến ngày 13.11 là 211.

Nhiều F0 về từ vùng có dịch đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người gây nguy cơ bùng phát dịch trở lại tại Quảng Bình, gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh. UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành công văn yêu cầu thực hiện bổ sung các biện pháp tăng cường rà soát, chủ động giám sát; xét nghiệm Covid-19 tất cả người về, đến từ các tỉnh, thành phố có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm.

Xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 phức tạp trong cộng đồng ở Nghệ An. Từ tối 11 đến sáng nay 13.11, tỉnh này ghi nhận 127 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, 24 ca nhiễm trong cộng đồng ở nhiều địa phương. Tại H.Nghi Lộc, dịch Covid-19 tái xuất hiện trong những ngày qua khiến 104 người bị lây nhiễm. Các ca nhiễm hầu hết có lịch trình đi lại, sinh hoạt, tiếp xúc với nhiều người. Ổ dịch tại Trung tâm Xạ trị và y học hạt nhân, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã có 31 ca là bệnh nhân và người nhà.

Tại cuộc họp khẩn với UBND H.Nghi Lộc ngày 12.11, ông Dương Đình Chỉnh, Phó chỉ huy Trung tâm Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An, nhận định tình hình dịch tại các xã Nghi Phương, Nghi Hoa và Nghi Diên của H.Nghi Lộc đang diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ dịch bùng phát lan rộng.

Ngày 13.11: Cả nước 8.497 ca Covid-19, 1.843 ca khỏi | TP.HCM 1.240 ca

Sóc Trăng ghi nhận thêm 186 ca dương tính Covid-19 trong cộng đồng. Ông Trần Văn Khải, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng tăng cao kỷ lục. Ngày 13.11, tỉnh này ghi nhận thêm 343 trường hợp dương tính Covid-19. Trong đó, có đến 186 ca cộng đồng; 119 ca trong các khu cách ly tập trung; 27 ca trong khu phong tỏa và 11 ca là người dân tự phát về quê từ vùng dịch.

Từ ngày 27.4 đến nay, tỉnh Sóc Trăng ghi nhận 8.812 trường hợp dương tính Covid-19. Các địa phương có ca nhiễm cao gồm: H.Trần Đề 2.615 ca, TX.Vĩnh Châu 1.250 ca, H.Kế Sách 1.171 ca… Đến nay, tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 của tỉnh này đạt 89,01%; người tiêm đủ 2 mũi, đạt 38,61%.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Đồng Nai hoàn thành đợt tiêm vắc xin Covid-19 cho hơn 97.000 trẻ 15 - 17 tuổi. Sáng 13.11, Sở Y tế Đồng Nai cho biết đã hoàn thành đợt tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên cho hơn 97.000 em tuổi từ 15 - 17. Trong số này chỉ 9 em có phản ứng nhẹ. Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 300.000 trẻ trong độ tuổi từ 12 - 17. Hiện Đồng Nai đang chờ Bộ Y tế phân bổ vắc xin Covid-19 để tổ chức những đợt tiêm cho trẻ tiếp theo, theo quy trình tiêm từ cao xuống thấp. Trong khi đó, tỉnh Bình Phước có kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 131.085 trẻ từ 12 - 17 tuổi. Về mức độ ưu tiên, sẽ triển khai tiêm cho học sinh có tuổi từ 16 - 17 tuổi (lớp 11 và lớp 12) sau đó hạ thấp dần độ tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thời gian tiêm dự kiến bắt đầu từ ngày 15.11.2021 đến ngày 30.4.2022 tại các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng trên địa bàn và lưu động tại các trường học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.