Tinh giản biên chế ở Quảng Ninh - Kỳ 2: Hiệu quả bất ngờ từ mô hình Cơ quan Khối

27/07/2018 09:53 GMT+7

Quảng Ninh áp dụng mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc chung cho Khối MTTQ và các tổ chức đoàn thể xã hội các cấp, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức này.

Thực hiện kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo rồi kế đến là hợp nhất các cơ quan tham mưu cấp ủy với cơ quan chuyên môn có tương đồng về chức năng nhiệm vụ là những bước đi bài bản, chặt chẽ và khoa học tại Quảng Ninh từ nhiều năm nay.
Nhưng, không chỉ dừng lại ở đây, tỉnh này còn áp dụng mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc chung cho Khối MTTQ và các tổ chức đoàn thể xã hội các cấp, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức này.
MTTQ và các đoàn thể CT-XH đều là các tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp, thành phần, lực lượng đa dạng trong xã hội, như: nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, công đoàn... và đều có chức năng tuyên truyền vận động hay tham gia giám sát phản biện. Các hội hoạt động độc lập theo tôn chỉ, điều lệ riêng của mình, nhưng tất cả đều hướng tới một mục tiêu chung là làm tất cả những gì có lợi cho dân, cho nước.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy: khi chung mục tiêu nhưng lại lựa chọn một mô hình giống nhau để triển khai và khi hội viên của tổ chức này lại cũng đồng thời là hội viên của một hay nhiều tổ chức khác, thì các tổ chức trên có thể sẽ tác động lên cùng một đối tượng nhiều lần, dẫn đến sự lãng phí trong hoạt động hội và thậm chí là gây phiền toái cho cả người dân.
Bối rối vì… tiếp quá nhiều kênh vận động
Trong quán tạp hóa nhỏ của gia đình, anh Nông Văn Quánh, 52 tuổi, thôn Nà Buống, xã Điền Xá, Tiên Yên đang ngồi thảnh thơi nghe radio. Với anh, buổi chiều như hôm nay chính là thời gian thư giãn nhất trong ngày khi mà việc ruộng vườn đã xong xuôi đâu đấy cả.
Nhưng trước đây, những khoảng thời gian thế này khá là hiếm hoi vì hầu như tuần nào dù rảnh hay không anh cũng phải tiếp ít nhất một đoàn cán bộ đến thăm và làm việc.
“Hôm thì chi hội nông dân, hôm chi hội phụ nữ, hôm lại là chi đoàn thanh niên…đến nhà để tuyên truyền chủ trương, chính sách mới hay vận động tham gia chương trình này, chương trình kia. Đó là của thôn. Còn trung bình hàng tháng lại có ít nhất một đoàn công tác của các cấp xã, huyện kết hợp đi xuống dân để kiểm tra việc thực hiện dự án này, công trình kia. Cứ mỗi lần như thế, chúng tôi phải bỏ dở công việc, dành thời gian để ở nhà tiếp đoàn”, anh Quánh nhớ lại.
Nhưng điều mà làm anh Quánh thấy bối rối hơn cả là sự trùng lặp về nội dung tuyên truyền vận động. Anh kể: “Chỉ một nội dung về làm kênh mương, nhưng có đến bốn nhóm là MTTQ, nông dân, phụ nữ, thanh niên đến vận động. Có hôm nhóm này vừa mới ra khỏi cửa thì nhóm khác đã vào đến sân rồi, và vẫn lặp lại gần như y chang nội dung của nhóm trước đó”.
Anh Nông Văn Quánh, 52 tuổi, thôn Nà Buống, xã Điền Xá, H. Tiên Yên trong một buổi chiều thảnh thơi vì không phải tiếp đoàn công tác nào Ảnh: Thiên Phú
Tình trạng trên được ví như “6 nhà đều cùng trồng 1 cây” và tất nhiên đến khi trái chín, ai cũng sẽ báo cáo và nhận đó là thành tích của nhà mình.
Cho rằng việc này là lãng phí, khi chỉ cùng là một mô hình, nhưng nhiều nhà cùng tác động sẽ làm người dân bị “quá tải” và “bội thực” thông tin, dẫn đến hiện tượng “trái chín nhưng quả chưa ngọt”, và vẫn còn nặng về tính hình thức, ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Trưởng đài Truyền thanh- Truyền hình huyện Tiên Yên cho rằng: nên có “một ngôi nhà chung, một địa chỉ chung” để khi cần được bảo vệ, hội viên chỉ cần tìm đến “ngôi nhà chung” đó một lần thôi là đã có thể nhận được sự hỗ trợ của tất cả các tổ chức có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ rồi.
“Và ngược lại, cũng từ “ngôi nhà chung” này, các tổ chức sẽ có thêm sự gắn kết trong việc triển khai hoạt động chung, tập trung được sức mạnh, từ đó lan tỏa và len lỏi vào đến mọi ngóc ngách của cuộc sống. Tránh được tình trạng một việc mà quá nhiều nhà cùng làm, cùng nhận thành tích, trong khi những việc khó khăn hơn thì vẫn tồn tại, không có người làm hay không ai nhận làm”, ông Sơn nói.
Tập trung sức mạnh của 6 “nhà” trong 1 khối…
Sớm nắm bắt được nhu cầu và nguyện vọng trên của người dân, từ năm 2015, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã triển khai thí điểm việc sử dụng cơ quan tham mưu giúp việc chung trong Khối MTTQ, các đoàn thể CT-XH ở cấp huyện. Theo đó, một cơ quan tham mưu, giúp việc chung Khối MTTQ và các đoàn thể CT-XH (gọi tắt là Cơ quan Khối) đã được thành lập ở tất các huyện thị của Quảng Ninh.
Thủ trưởng Cơ quan Khối là người giữ chức danh Trưởng Ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp tương ứng; các Phó Trưởng khối là những thủ trưởng của các tổ chức đoàn thể xã hội còn lại trong cùng cấp.
Cơ quan Khối được bố trí tập trung trong cùng một trụ sở, có chung bộ phận văn thư, tài vụ, kế toán, thủ quỹ, lái xe và sử dụng chung một tài khoản tạo nên sự gọn nhẹ về bộ máy. Không những thế, trong “ngôi nhà chung” này, cơ sở vật chất cũng được tối ưu hóa hơn, dẫn đến tiết kiệm được rất nhiều lần chi phí đầu tư cho trụ sở, phòng làm việc hay các trang thiết bị văn phòng phẩm…
Cơ quan Khối còn có quy chế phối hợp hoạt động theo nguyên tắc “9 chung, 14 chia”. Theo đó, “chung” là ngoài chung trụ sở, chung nhân sự, chung tài chính thì khi triển khai nhiệm vụ, chỉ cần một văn bản gửi chung cho tất cả rồi kiểm tra, giám sát chung; thi đua khen thưởng chung. Còn “chia” là chia theo đặc thù, đặc điểm vấn đề cần triển khai, xem đối tượng chủ thể liên quan nhiều nhất đến lĩnh vực nào, sẽ căn cứ vào đó giao cho một tổ chức đoàn thể làm chủ trì và giải quyết đến cùng.
Đến ngày 4.4 vừa qua, Quảng Ninh một lần nữa lại trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước khi tiếp tục triển khai thí điểm mô hình Cơ quan Khối này ở cấp tỉnh.
Cơ quan Khối cấp tỉnh gồm Văn phòng và 5 Ban chuyên môn: Ban Tuyên truyền – Vận động; Ban Tổ chức; Ban Kiểm tra – Giám sát; Ban Chính sách – Pháp luật và Ban Kinh tế - Xã hội. Với việc thành lập Cơ quan Khối cấp tỉnh Quảng Ninh đã giảm được 27 đầu mối trực thuộc MTTQ và các đoàn thể CT-XH và qua đó, giảm 69 vị trí trưởng, phó Ban của các đơn vị này .
…và hiệu quả bất ngờ!
Ông Dương Trọng Kháng, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND phường Thanh Sơn, TP. Uông Bí cho biết: “Từ khi có cơ quan Khối cấp trên, cấp cơ sở như chúng tôi bớt hẳn được lịch làm việc dày đặc với các tổ chức đoàn thể CT-XH như trước đây. Từ đó có thêm thời gian để chỉ đạo, điều hành công việc khác của phường”.
Kể lại một cuộc làm việc mới đây nhất hồi cuối tháng 6 vừa rồi với đại diện của Cơ quan Khối tỉnh, ông Kháng tâm đắc. “Đó là hôm chúng tôi làm việc với Ban Chính sách - Pháp luật của Cơ quan Khối cấp tỉnh. Xuất phát từ một đơn thư kiến nghị của một hộ dân trong phường, gửi cho hết thảy các cơ quan và các tổ chức CT-XH cấp tỉnh. Nếu là trước đây, sẽ liên tiếp có nhiều đoàn công tác khác nhau từ trên tỉnh về phường để xác minh một nội dung đơn thư. Nhưng nay, tất cả đơn thư như thế, Cơ quan Khối sẽ tiếp nhận, bàn bạc công khai trong cuộc họp rồi giao cho Ban Chính sách - Pháp luật trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra.”
Việc Cơ quan Khối cấp tỉnh trực tiếp đi xuống thẳng phường để xác minh đơn thư như trên, theo ông Kháng là một hành động rất nhanh gọn, quyết liệt và sâu sát.
“Việc đó khiến chúng tôi tự nhủ bản thân phải luôn cố gắng chủ động giải quyết những vấn đề từ cơ sở một cách thật tỉ mỉ và thấu đáo”, ông Kháng chia sẻ.
Bà Vũ Thị Dung, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: không chỉ giảm hẳn số lượng đoàn công tác đi xuống cơ sở, mà ngay trong nội bộ Cơ quan Khối cấp tỉnh, số lượng các cuộc họp triển khai nghị quyết, nhiệm vụ công tác cũng giảm đi đáng kể, khi mà chỉ cần một cuộc họp chung của Khối là tất cả các phòng, ban, tổ chức CT-XH khác đều nắm rõ hết nội dung công việc. Cũng từ đó, lãnh đạo khối sẽ có thể kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ đã giao một cách rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, kiểm đếm được kết quả công việc và tránh việc một kết quả nhưng đoàn thể nào cũng báo cáo.
Nhận xét về mô hình mới này, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Quảng Ninh, bà Đỗ Thị Hoàng cho biết: “Việc thành lập Cơ quan Khối được chúng tôi coi là bước thứ ba của lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy sau khi đã cơ bản triển khai hai bước trước đó, là kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo và hợp nhất các cơ quan tham mưu cấp ủy với cơ quan chuyên môn có chức năng tương đồng”.
Sau một thời gian thí điểm triển khai Cơ quan Khối ở tất cả các huyện, thị, Quảng Ninh đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của các cán bộ hiện đang công tác trong Cơ quan Khối và của cả người dân, đối tượng chịu sự tác động và cũng là đối tượng phục vụ của các chủ trương, chính sách. Kết quả cho thấy: 79% cán bộ và trên 80% số người dân được lấy ý kiến ủng hộ mô hình mới này.
“Họ khuyến khích, thậm chí đề nghị chúng tôi tiếp tục triển khai mô hình này ở cấp tỉnh và cấp xã để tạo ra sự liên thông của cả 3 cấp. Và đó chính là nguồn cổ vũ lớn lao để chúng tôi quyết định thành lập Cơ quan Khối cấp ở tỉnh và gần đây nhất là ở cấp xã, tạo nên sự liên thông đồng bộ cho Cơ quan Khối ở cả 3 cấp”, bà Hoàng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.