Tinh giảm bộ máy: Cái cá biệt đang trở nên phổ biến khiến bộ máy cồng kềnh

30/10/2017 10:07 GMT+7

Dẫn câu chuyện có đến 20 bộ tổ chức phòng trong vụ dù quy định không cho phép, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhận xét "chúng ta đang biến cái cá biệt thành cái phổ biến", khiến bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc

Hôm nay (30.10), Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) dẫn ra nhiều câu chuyện cho thấy việc thực hiện chính sách pháp luật trong vấn đề này còn hời hợt, không đúng quy định, khiến tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan này còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, số đầu mối đơn vị hành chính tăng, nhưng hoạt động hiệu lực, hiệu quả không cao.
Đã có tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung chuyên môn lấn sân sang các văn bản quy định về tổ chức bộ máy. Ví dụ Nghị định 55 của Chính phủ quy định về việc thành lập tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương, theo đó tất cả các bộ, ngành đều thành lập vụ pháp chế, ở UBND tỉnh thành lập 291 phòng pháp chế với tổng số biên chế chuyên trách và kiêm nhiệm là 5.177 người.
Một ví dụ khác là việc Thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh đã dẫn đến việc tổ chức một loạt Văn phòng điều phối nông thôn mới ở các cấp hoạt động chuyên trách", bà Mai nói, và nhấn mạnh: "Chúng tôi không nói việc thành lập hệ thống các cơ quan nêu trên là sai, nhưng rõ ràng là với cách thức thành lập như trên sẽ không kiểm soát được về mặt tổng thể tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đã gián tiếp làm tăng đầu mối, tăng biên chế".
Là thành viên tham gia đoàn giám sát về cải cách bộ máy, đại biểu Phương Hoa nhận thấy cơ cấu tổ chức vẫn phổ biến theo mô hình truyền thống gồm tổng cục, cục, vụ; trong tổng cục cũng có cục, vụ; trong cục, vụ có các chi cục, phòng, ban…
Đáng nói là, theo đại biểu này, dù Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị chỉ đạo cơ bản không tổ chức phòng trong vụ. Rồi Nghị định 123 của Chính phủ đã quán triệt rất rõ chủ trương nêu trên và đã quy định không tổ chức phòng trong vụ. Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, hiện nay, chỉ có 2/22 bộ không tổ chức phòng trong vụ.
"Ở các bộ còn lại, đều tổ chức phòng trong hầu hết các vụ tham mưu. Số phòng trong vụ tuy đã có giảm trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn 681 phòng và như vậy, cứ trung bình 1 vụ có 4 phòng, cá biệt có vụ có 7 phòng. Rõ ràng, chúng ta đang biến cái cá biệt, cái đặc thù thành cái phổ biến", bà Hoa lo ngại.
Bên cạnh đó, một số vụ thuộc tổng cục lại được nâng lên cấp cục và khi đó lại được tổ chức phòng trong cục thậm chí với số lượng nhiều hơn. "Phải chăng đây là hiện tượng “lách” quy định của pháp luật?", đại biểu Hoa đặt nghi vấn và nhấn mạnh: "Việc thành lập phòng trong vụ cũng góp phần gây nên tình trạng số lượng lãnh đạo nhiều hơn công chức".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.