Tin tưởng vào đoán đề thi THPT trên mạng, coi chừng 'xôi hỏng bỏng không'

Thanh Nam
Thanh Nam
13/05/2023 15:46 GMT+7

Còn khá lâu mới tới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Thế nhưng trên Facebook, dân mạng đã rục rịch đoán đề thi văn.

Đề thi môn văn năm nay sẽ là...

Một khảo sát trên nhóm K.K.V.O.S.T. (hơn 149.500 thành viên) đã thu hút nhanh chóng hàng ngàn lượt yêu thích, hàng trăm lượt chia sẻ, gần cả ngàn bình luận. Và nhất là, khảo sát này có đến hơn 23.510 lượt bình chọn.

Tại đây, những tác phẩm văn học ở cấp THPT được liệt kê như: Sóng, Đất nước, Việt Bắc, Tây Tiến, Chiếc thuyền ngoài xa, Ai đặt tên cho dòng sông, Vợ nhặt... và ngay lập tức được dân mạng đổ xô bình chọn.

Dân mạng rục rịch... đoán đề thi, nhưng coi chừng 'xôi hỏng bỏng không' - Ảnh 1.

Một khảo sát đoán đề thu hút hơn 23.500 lượt bình chọn

CHỤP MÀN HÌNH

Lê Minh Hiền, học sinh Trường THPT Sông Ray (tỉnh Đồng Nai) cho rằng năm nay đề thi văn sẽ "gọi tên" tác phẩm Rừng xà nu. Trong khi đó, Nguyễn Thị Hải Hậu, học sinh Trường THPT Trần Văn Quan (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để lại bình luận: "Năm nay phải có tác phẩm Vợ nhặt trong đề thi".

Trong gần cả ngàn bình luận, dân mạng đang là học sinh lớp 12 khắp các tỉnh, thành liên tục đưa ra những dự đoán. Bên cạnh đó, họ cũng thăm dò xem đâu là tác phẩm được bình chọn nhiều nhất nhằm... "học tủ".

"Em thì đoán đề thi văn sẽ có tác phẩm Ai đặt tên cho dòng sông. Nhưng không hiểu sao ít người có sự lựa chọn giống em. Trong khi mọi người đổ dồn vào việc cho rằng sẽ ra những câu hỏi liên quan đến tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Có lẽ là em sẽ "học tủ" cả hai tác phẩm ấy", một nữ sinh Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết.

Không riêng gì nhóm K.K.V.O.S.T. thực hiện khảo sát thăm dò ý kiến thành viên. Hiện tại, khi còn hơn một tháng rưỡi nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra (từ ngày 28.6 - 30.6, trong đó môn văn thi vào sáng 28.6 - PV) thì trên Facebook, có nhiều hội, nhóm, fanpage cũng thu hút tương tác bằng cách đăng tải những bài viết... đoán đề.

"Theo mọi người thì năm nay đề thi văn sẽ ra tác phẩm nào? Riêng ad (admin - người quản trị) thì nghiêng về phương án tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông", một bài viết của nhóm gen Z.

Phía dưới là hàng trăm bình luận của học sinh. Nhiều học sinh cho rằng: "Cũng có lý nhỉ! Phải "học tủ" Ai đã đặt tên cho dòng sông". Có học sinh khác đồng tình: "Sẽ dành sự quan tâm hơn cho tác phẩm này. Hy vọng không bị "tủ đè"...

Một nhóm khác là C.Đ.T.N.T. có đến hơn 80.000 thành viên cũng có bài viết đoán đề và thu hút cả ngàn lượt tương tác của dân mạng. Nhiều học sinh cũng "tag" (đính kèm) tên bạn bè cùng lớp, cùng trường để cùng nhau theo dõi đâu là tác phẩm "có nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong đề thi văn năm nay".

Có thể nói, hoạt động đoán đề đã và đang trở nên rầm rộ thu hút những học sinh cuối cấp sắp sửa bước vào kỳ thi quan trọng.

Có nên tin vào dự đoán?

Theo dõi câu chuyện đoán đề thi văn tốt nghiệp THPT 2023 đang sôi động trên mạng xã hội như hiện nay, ông Đỗ Đức Anh, giáo viên môn văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1 (TP.HCM) cho rằng: "Đó là chuyện hết sức bình thường và diễn ra rất phổ biến từ trước đến nay. Việc đoán đề đã có cả hàng chục năm trước. Chỉ là khi ấy không có những hội, nhóm hay mạng xã hội như bây giờ. Khi đó những tin đồn đoán đề râm ran theo đường truyền miệng".

"Tuy nhiên, cần lưu ý với các em học sinh là việc thành viên các fanpage, hội, nhóm cùng nhau đoán đề đó là sự phỏng đoán cho vui, hoàn toàn vô căn cứ, không dựa vào bất kỳ thông tin khoa học hay sự logic nào cả. Có thể họ đã từng tiên đoán đúng, thậm chí đúng 2, 3 năm liên tục, thì cũng chỉ là sự trùng hợp vô tình, ngẫu nhiên. Học sinh không được tin một cách mù quáng vào việc đoán đề trên mạng xã hội. Coi chừng vì quá tin tưởng rồi... xôi hỏng bỏng không", thầy Đức Anh chia sẻ.  

Theo thầy giáo dạy văn nổi tiếng này nói: "Việc người khác đoán đề thì đó là chuyện của họ. Nhưng việc mình có tin hay không thì dựa vào lương tri của chính mình. Lương tri ở đây chính là lương tâm và tri thức. Không thể tin vào những lời đồn đoán đề ấy rồi phó mặc tương lai, phó mặc cả kết quả của một kỳ thi hết sức quan trọng. Thật ra, những admin các hội, nhóm tổ chức đoán đề cũng là người bình thường chứ không hề có năng lực siêu nhiên, đặc biệt. Học sinh phải tỉnh táo đừng quá tin tưởng".

Dân mạng rục rịch... đoán đề thi, nhưng coi chừng 'xôi hỏng bỏng không' - Ảnh 2.

Thầy giáo Đỗ Đức Anh

NVCC

Để thi tốt môn văn...

Để thi tốt môn văn, thầy Đức Anh có lời khuyên: "Học sinh phải chủ động sắp xếp thời gian ôn tập. Mỗi học sinh cần biết học cái gì, phải tiếp nhận lượng kiến thức như thế nào, nên trau dồi những kỹ năng gì để phục vụ cho bài thi của mình... chứ không nên dựa vào việc học tủ, đoán đề hoặc tin vào sự may rủi".

Thầy Đức Anh lưu ý thêm: "Học sinh nên xem lại cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT trong những năm gần đây. Tập trung ôn luyện và giải những đề thi sát với đề thi minh họa, đề thi tham khảo của năm nay và các năm trước. Hãy luyện tập viết bài nhiều, tập canh giờ và chủ động nhờ giáo viên có chuyên môn chấm bài, sửa bài, góp ý cho bài làm để nhận ra những điểm yếu cần khắc phục. Ngoài ra, môn văn đòi hỏi khả năng cảm thụ, đòi hỏi khả năng học bài. Dù có sáng tạo đến đâu thì barem điểm cũng dựa vào những ý cơ bản, quan trọng. Để ghi nhớ kiến thức một cách kỹ càng, để kiến thức không bị lạc trôi thì phải có học và ôn theo kiểu "mưa dầm thấm lâu" không để "nước đến chân mới nhảy". Bên cạnh đó, hãy dành thời gian học nhập tâm thay vì học thuộc lòng như một chú vẹt. Học nhập tâm nghĩa là học hiểu những vấn đề và tự diễn đạt lại bằng văn phong của mình. Hãy thi văn bằng bản năng, kỹ năng, trí tuệ và tình cảm vì văn là môn đầy tính cảm xúc". 

"Cần nhắc lại thêm một lần nữa, đó là học sinh hãy ôn thật kỹ, tuyệt đối không tin vào những dự đoán đề trên mạng xã hội. Khi đó sẽ bước vào kỳ thi một cách tự tin, kỳ vọng đạt điểm số cao", thầy Đức Anh nói. 

Thi văn, không cần phải "học tủ" hay "ôn tủ"

Cô Triệu Vẽ, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (TP.HCM) cho biết môn văn có đặc thù riêng. Một tác phẩm văn học có rất nhiều vấn đề để bàn luận, có rất nhiều tầng ý nghĩa. Nên không có việc rằng hễ cứ đoán đúng tác phẩm, hay chỉ chăm chăm học bài mẫu và vài dạng đề đã quen biết là bạn có thể “trúng tủ”. Chưa kể, đề văn bây giờ rất khác. Cấu trúc đề có phần đọc hiểu một ngữ liệu. Gần như không ai có thể đoán được ngữ liệu này cũng như những câu hỏi đọc hiểu cho phần này. Nếu không có kỹ năng đọc hiểu và các kiến thức cơ bản thì không bao giờ "học tủ" được.

Dân mạng rục rịch... đoán đề thi, nhưng coi chừng 'xôi hỏng bỏng không' - Ảnh 3.

Cô Triệu Vẽ và học sinh

NVCC

"Thực tế, trong hơn 20 tác phẩm văn học trong chương trình lớp 12, thì việc ra bài nào, ra vấn đề gì, sẽ ra đoạn nào, đề bài yêu cầu gì… là điều ngay cả những giáo viên kinh nghiệm dạy nhiều năm cũng không thể đoán đúng. Năm nào tới mùa thi, tôi cũng thấy một số trang, một số người (không phải trong nghề) có vẻ tự đắc rằng mình đoán "trúng tủ". Nhưng chuyện đoán trúng một tác phẩm và chuyện thể hiện tốt trong bài làm là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Ví dụ, bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm dài gần 100 câu. Đề thi ra đoạn nào, yêu cầu gì... thì không ai có thể đoán được. Và nếu đoán được mà kỹ năng diễn đạt hay kỹ năng làm bài không có thì phần nội dung được "tủ" ấy liệu có thể giúp học sinh làm bài đạt điểm cao?

Vậy nên, học là một quá trình. Cần hiểu đúng hiểu sâu tác phẩm, nắm vững trọng tâm và cần trang bị kỹ năng làm bài. Thi văn, không cần phải "học tủ" hay "ôn tủ", cô Triệu Vẽ chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.