quận 11

5 kiểu ăn mì độc đáo ở Sài Gòn (phần 02)
Ẩm thực

5 kiểu ăn mì độc đáo ở Sài Gòn (phần 02)

Cùng tiếp tục khám phá 5 món mì độc đáo mà bạn có thể tìm thấy ở Sài Gòn nhé! 1. Mì sủi cảo Hà Tôn Quyền Con đường nhỏ Hà Tôn Quyền trong Chợ Lớn có lẽ đã định danh với món mì sủi cảo tôm được xem là ngon nhất ở Sài Gòn. Từ đầu giờ chiều trở đi, con đường này trở nên tấp nập lạ thường bởi đông đảo thực khách ra vào chỉ để tìm ăn món sủi cảo này. Nếu bạn gọi "thập cẩm" thì sẽ nhận ngay một tô tuy nhỏ nhưng thành phần rất phong phú bao gồm mì, nhiều viên sủi cảo nhân tôm, cá viên, mực, da heo và rau cải. Nước dùng trong vắt, loáng một lớp mỡ mỏng, vị ngọt lịm. Món sủi cảo có thể ăn khô hoặc ăn nước, hoặc chiên giòn lên chấm với tương và sa tế rất thú vị. Sủi cảo có vỏ là bột mì, trong là nhân thịt với tôm. Theo nhiều tài liệu thì sủi cảo là món biến thể của vằn thắn. Vằn thắn thường có nhân thịt, rau bắp cải, hành lá nhưng vằn thắn có nhân tôm gọi là sủi cảo. Sủi cảo luộc tới đâu bán tới đó vì sẽ không bị dính lại với nhau. Sủi cảo cùng 1 họ với vằn thánh mà trong Nam hay gọi trại đi là "hoành thánh". Tên gọi này xuất phát từ âm Quảng Châu của chữ "vân thốn", cũng có nghĩa là "nuốt mây" (do hình dáng của miếng hoành thánh chăng?). Còn tên gọi "sủi cảo" chỉ loại hoành thánh nhân tôm thì xuất phát từ phát âm "thủy giáo".
Mì 'cải chua' tuyệt ngon trong Chợ Lớn
Ẩm thực

Mì 'cải chua' tuyệt ngon trong Chợ Lớn

Tiệm đã có thâm niên hơn 50 năm, lúc trước bán ở đường Lacaze trong Chợ Lớn (đường Nguyễn Tri Phương ngày nay), rồi hơn 20 năm nay mới chuyển về đầu con hẻm 311 Minh Phụng này, được người dân địa phương quen thuộc gọi là "mì cải chua" do ăn chung với tô cải chua dưa giá rất đặc biệt. Dù được nấu bởi 1 gia đình người Hoa gốc Triều Châu, tuy nhiên hương vị đã có thay đổi đôi chút so với cách nấu thường thấy của cộng đồng người Tiều. Cọng mì Tiều chính hiệu vẫn được giữ nguyên, cọng tròn và nhỏ hơn so với cọng mì vàng Phúc Kiến. Còn hủ tiếu là loại cọng lớn tương tự như cọng phở, thường thấy trong món hủ tiếu sa tế. Món thú vị nhất bạn có thể gọi là mì thập cẩm, khô hay nước đều rất ngon. Riêng với tô khô, phần nhân bao gồm tôm, mực, thịt heo, phèo, gan, cật... được cho vào một cái chén riêng để giữ được độ nóng. Cái khác so với các tiệm mì Tiều mà tôi được ăn như Đỗ Khôn - Huy Đạt bên quận 08 hay tiệm Triều Châu cũng trong quận 11 chính là sự thiếu vắng của phần nhân thịt bằm. Ngoài ra, phần cải chua cũng được "cải biên", từ nồi nước lèo hầm cải chua để hãm béo trong cách ăn truyền thống của người Tiều thành cách ăn khô như kiểu ăn dưa giá thường thấy trong miền Nam.
Đi ăn mì sườn 'chảnh' trên đường Lò Siêu
Ẩm thực

Đi ăn mì sườn 'chảnh' trên đường Lò Siêu

Có rất nhiều quán mì của người Hoa quanh khu vực đường Lò Siêu (quận 11), nhưng không hiểu sao quán hủ tíu mì số 105 lúc nào cũng tấp nập thực khách sẵn sàng chờ đợi hai ba chục phút cho một tô mì. Thực khách chờ trong im lặng, chỉ có tiếng nhắc món cho đầu bếp bằng tiếng Hoa lanh lảnh khắp quán. Nhiều người ăn xong, mồ hôi nhễ nhại, nhưng cũng chẳng "xi nhê" gì! Người bạn gốc Hoa đi cùng tôi lý giải rằng: "Người Hoa có truyền thống buôn bán rất giỏi, những người thành công bao giờ cũng chọn một thế mạnh cho quán của mình. Mì sườn thì nhiều quán cũng có, nhưng ở đây người ta chặt miếng sườn dài hơn bình thường, không cắt nhỏ ra, cũng là một cách để tạo sự khác biệt". Sườn được hầm nhừ tới mức đầu bếp chỉ gần dùng đũa là tách đôi được miếng sườn dài, nhưng cũng không quá nhừ để mất hết vị ngọt. Quan sát kỹ miếng sườn ở đây, có thể dễ dàng nhận thấy đó là miếng sườn non ở chỗ ngon nhất với một tí sụn ở phía đầu. Miếng sườn được chọn từ những con heo nhỏ, mềm và ngon hơn loại heo lớn. Thịt gà cũng rất giòn và ngọt. Đặc biệt quán có một loại nước chấm gừng mà khi ăn với sườn heo hay thịt gà làm bật lên vị thơm của thịt.
Top