Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in ngày mai 15.4.2021

14/04/2021 21:10 GMT+7

Học phí đại học tăng mạnh theo xu hướng chung với những ngành học một năm cả trăm triệu đồng là một trong những nội dung quan trọng trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai 15.4.2021.

Trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (15.4) phản ảnh một vấn đề đặt ra nhiều lần trong thời gian vừa qua: Trường học không có phòng tư vấn tâm lý với giáo viên đúng chuyên môn đáp ứng nhu cầu cho học sinh. Thực tế này dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý trong học sinh thời gian gần đây, thậm chí có trường hợp tự tử.

Ngành nào học phí trên trăm triệu đồng/năm ?

Thời điểm này, các trường đại học đang xây dựng và hoàn tất việc công bố học phí cho khoá tuyển sinh 2021. Năm nay, có nhiều trường ĐH công lập bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ tài chính vì vậy học phí tăng mạnh so với năm trước đó. Trong số này có một số trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM.
Chẳng hạn tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, khoá tuyển sinh năm 2021 chương trình chính quy đại trà có học phí trung bình dự kiến 2,5 triệu đồng/tháng (tương đương 25 triệu đồng/năm học 10 tháng). Mức thu này sẽ tăng lên 27,5 triệu đồng ở năm thứ 2, lên 30 triệu đồng năm thứ 3 và giữ nguyên mức này trong 2 năm cuối. Mức thu trung bình dự kiến với chương trình tiên tiến và chất lượng cao 66 triệu đồng/năm học, tương tự tăng lên 72 triệu đồng năm thứ 2, 80 triệu đồng năm thứ 3 và giữ nguyên trong 2 năm cuối. Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật dự kiến 50 triệu đồng/năm và giữ ổn định trong 4 năm. Như vậy, so với năm 2020, học phí đại trà tăng gấp đôi so với năm trước đó.
Tăng học phí học đại học đang là xu hướng của các trường những năm gần đây. Trong năm học 2021-2022, các trường có mức thu khác nhau, trong đó có ngành thu trên 200 triệu đồng/năm học/sinh viên.
Bài tổng hợp trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (15.4) sẽ nêu mức học phí của nhiều trường trong năm học tới và những năm tiếp theo. Đồng thời lý giải vì sao đây sẽ là xu hướng trong giáo dục đại học.

Rối ren tâm lý học đường

Không phải trường học nào cũng có phòng tư vấn tâm lý với lực lượng tư vấn được đào tạo đúng chuyên môn

Phạm Hữu

“Đến lúc này em chỉ nghĩ đến cái chết là giải thoát hết. Đi học lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, vừa bị áp lực tinh thần từ gia đình, em còn bị áp lực từ bạn bè. Em không có nơi nào để giải tỏa, tâm sự cả. Em đã dồn nén áp lực đến 2 năm trời. Có lúc bạn đến chọc ghẹo, em nghĩ sẵn sàng đánh lại bạn vì em bị dồn ép quá lâu. Mỗi ngày vào lớp là một cực hình với em. Em nghĩ, học xong em sẽ bỏ đi bụi luôn”, H. một học sinh lớp 12 tại TP.HCM chia sẻ với phóng viên Thanh Niên.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp học sinh có những suy nghĩ tiêu cực khi một mình đối diện với những áp lực, vấn đề của tuổi mới lớn mà không có người chia sẻ, định hướng… Điều này cho thấy, hơn bao giờ hết, trong xã hội mà công nghệ phát triển, học sinh đôi khi tiếp xúc với máy móc nhiều hơn cả người thân thì hệ thống tâm lý học đường là vô cùng cần thiết.
Những câu chuyện đau lòng khác khiến người lớn giật mình vì nó có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ gia đình nào sẽ được thể hiện trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai. Đồng thời cũng đi tìm câu hỏi vì sao các phòng tham vấn tâm lý học đường hoặc không tồn tại hoặc có nhưng hoạt động không hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.