Tin tức giáo dục đặc biệt 14.9: Sẽ điều chỉnh mức học phí đại học dự kiến?

13/09/2022 22:54 GMT+7

Học phí đại học công lập ở nhiều trường sẽ được tính toán thế nào khi Bộ GD-ĐT cho biết sẽ giữ ổn như năm 2021? Đây là nội dung đáng quan tâm trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (14.9).

Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (14.9) tiếp tục đặt vấn đề các trường đại học liệu đã được tự chủ trong tuyển sinh, nhất là trong tình hình tuyển sinh năm nay, khi các trường không hoàn toàn chủ động trong hoạt động này.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khuyến nghị các trường ĐH công lập chuẩn bị tinh thần thực hiện yêu cầu của Chính phủ không tăng học phí năm nay

đào ngọc thạch

Nhiều trường dừng ban hành kế hoạch khung học phí

Năm học 2022-2023 các trường ĐH thu học phí theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Học phí theo đó sẽ tăng vọt với tất cả các loại hình trường khác nhau. Trong đó, trường công lập chưa tự chủ dao động từ 12-24,5 triệu đồng/năm học. Các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên được thu 24-49 triệu đồng/năm, trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thu 30-hơn 61 triệu đồng/năm. Dựa trên khung trần này, các trường ĐH đã công bố lộ trình tăng học phí dự kiến của năm học 2022-2023 theo nhiều mức khác nhau.

Tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã kiến nghị Chính phủ lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 với giáo dục ĐH công lập thêm một năm. Hôm 12.9, một lần nữa, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khuyến nghị các trường ĐH công lập chuẩn bị tinh thần thực hiện yêu cầu của Chính phủ về không tăng học phí năm nay để phù hợp với điều kiện đất nước vừa trải qua 2 năm dịch bệnh, tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn.

Trước tình hình này, có trường dù kế hoạch năm học mới đã có khung học phí nhưng phải dừng lại chưa được ban hành.

Những trường đã công bố mức học phí dự kiến tăng cao so với năm học trước sẽ điều chỉnh thế nào? Thông tin đáng quan tâm này sẽ có trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (14.9).

Thí sinh thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022

n.t

Tranh luận về tự chủ trong tuyển sinh

Tự chủ về tuyển sinh là một nội dung trong tự chủ học thuật. Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật Giáo dục ĐH sửa đổi (luật 34) đã quy định khá rõ về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình về học thuật chuyên môn của cơ sở giáo dục. Theo đó, trường ĐH được quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh; xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT (trừ lĩnh vực quốc phòng, an ninh). Hàng năm, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh hoặc ban hành quy chế tuyển sinh, cập nhật về mặt kỹ thuật để việc thực hiện tuyển sinh của các trường ngày càng thuận lợi hơn.

Với những quy định mà Bộ GD-ĐT đặt ra trong kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều trường cho rằng không thể chủ động trong công tác tuyển sinh. Thậm chí có ý kiến cho rằng quy định tuyển sinh của Bộ đi ngược với quyền tự chủ của ĐH trong tuyển sinh.

Trong khi đó, cũng có ý kiến ngược lại cho rằng sự can thiệp của Bộ giai đoạn hiện nay trong tuyển sinh là cần thiết.

Vấn đề này sẽ được phản ảnh trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (14.9).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.