Tin giả về đại dịch Covid-19: tìm đâu 'vắc xin' tự bảo vệ?

14/12/2020 20:00 GMT+7

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhắc đến cụm từ “infodemic” bày tỏ quan ngại khi có quá nhiều thông tin về dịch bệnh được lan truyền, đặc biệt trên mạng xã hội . Trong đó, thông tin sai lệch như "thêm dầu vào lửa" gây khó khăn hơn nữa cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19, và vì thế cũng cần vắc xin cho tin giả về đại dịch.

Mỗi sáng, việc làm đầu tiên của Yannik Anuar (31 tuổi, tại Sabah, Malaysia) là xem kênh truyền hình Sky News của Anh để cập nhật tin tức về Covid-19. Dù cách xứ sở sương mù 10.000 cây số, Yannik vẫn thường xuyên nắm bắt thông tin Covid-19 từ truyền thông Anh do anh có thời gian học tại đây. Song song đó, trong lúc xem đài Sky News, Yannik đọc báo địa phương Daily Express để có nhiều góc nhìn tin tức về đại dịch.
Gần như cả ngày, Yannik liên tục cập nhật thông tin báo chí. Với tin mới nhất về dịch bệnh, anh chọn The Star Online và Malay Mail, 2 trang báo chính thống và uy tín của Malaysia. Còn với tin nóng, anh mở những kênh truyền hình như Astro Awani và Bernama TV. Ngoài ra, Whatsapp cũng là một nguồn thông tin Yannik sử dụng, dù khá thận trọng vì anh đã kiểm chứng được 2.5/10 tin là sai sự thật trên ứng dụng tin nhắn này. Ví dụ, một video của một “chuyên gia” vô danh đã tung tin giả rằng công nghệ 5G là nguyên nhân lây lan nhanh chóng của Covid-19.

Yannik Anuar bên trang báo Daily Express

P Golingai

Thông qua các mục “tin giả” trên cổng thông tin Sebenarnya.my theo dõi từ 2017, cơ quan Truyền thông và Ủy ban đa phương tiện Malaysia (MCMC) cho biết 14% tin tức sai lệch liên quan đến các vấn đề sức khỏe. Trong đó, có những thông tin sai về đại dịch Covid-19. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhắc đến cụm từ “infodemic” (đại dịch thông tin) khi quan ngại vì quá nhiều thông tin về dịch bệnh được lan truyền, đặc biệt trên mạng xã hội, có cả tin chính xác và tin sai. Trong đó, thông tin sai lệch như châm dầu vào lửa, gây hại trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19, và vì thế cũng cần vắc xin cho infodemic.
“Kiêng” mạng xã hội
Hai năm trước, Yannik đã quyết định bỏ Facebook, Instagram và Twitter sau khi đọc cuốn sách bán chạy Digital Minimalism: Choosing a Focused Life in a Noisy World (tạm dịch Chủ nghĩa tối giản Kỹ thuật số: Chọn cuộc sống tập trung giữa thế giới ồn ào) của giáo sư Cal Newport, Đại học Georgetown, Mỹ. “Tôi muốn tối giản tâm trí mình, tránh xa sự quá tải tin tức và tràn lan của tin sai lệch trên mạng xã hội”, Yannik chia sẻ và từ đó nói không với tin tức về Covid-19 từ mạng xã hội. Vì thế mà anh trở thành ngoại lệ tại Malaysia, là người không bị ảnh hưởng của tin giả về dịch Covid-19.
Theo giảng viên Teh Boon Teck (Khoa Báo chí, Đại học Tunku Abdul Rahman), nhiều người dân Malaysia không biết cách nhận diện đâu là tin giả. Báo cáo của The Edelman Trust Barometer 2018 cho thấy 63% người Malaysia không phân biệt được tin đồn và tin tức báo chí chính thống. Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2018 của Ipsos, một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Pháp, chỉ ra 50% người tham gia khảo sát ở Malaysia thừa nhận họ từng tin vào những thông tin sai lệch.
Với giảng viên Teh, người đọc tin tức mắc phải “tin giả” đều thiếu khả năng thông hiểu thông tin và truyền thông. Nhà báo kỳ cựu cho rằng việc thiếu hụt các kỹ năng giải thích lí do vì sao thông tin sai lệch lan truyền rộng rãi. Tương tự, bà Lucinda Joseph, giảng viên lâu năm trong báo trực tuyến và phim tại Inti College, cũng đồng tình rằng nhiều người Malaysia không thể phân biệt giữa tin tức và tin sai lệch. “Họ không dựa vào các nguồn tin đáng tin cậy mà chủ yếu họ sử dụng mạng xã hội để có được thông tin”, bà lí giải.
Đặc biệt là giới trẻ, sinh ra đã tiếp xúc với mạng xã hội, họ thường không xem tin tức truyền thống. Dù biết rằng tin sai lệch thường lan truyền trên mạng xã hội và các ứng dụng tin nhắn, nhưng họ không thể thay đổi quá nhanh để xem báo chí truyền thống là nguồn tin tức chủ yếu.

Hình ảnh chiến dịch kêu gọi chống tin sai lệch tại khu vực tàu điện MRT ở Malaysia năm 2017

Diệp Uyên

Vào những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, một số thông tin sai lệch tràn ngập ở Malaysia cho rằng nước nóng có thể bảo vệ con người trước virus gây bệnh. Là một phát thanh viên truyền hình kỳ cựu, Joseph kể: “Trong diễn đàn trực tuyến tôi tổ chức cho sinh viên của mình, một nhà báo đã chia sẻ rằng bố của cô ấy đã chuyển tiếp tin nhắn đến tất cả thành viên trong gia đình thông tin chưa kiểm chứng”.
Trớ trêu thay, đó lại đến từ một kênh báo chí chính thống. Vào tháng 3, Bộ trưởng Y tế Malaysia, ông Adham Baba, đã khẳng định trên đài RMT rằng virus không thể chịu nhiệt và nước ấm thậm chí sẽ giúp chúng trôi xuống dạ dày, nơi axit tiêu hóa sẽ giết chúng. Tuy nhiên, kênh truyền thông này cũng cải chính thông tin từ Bộ trưởng Y tế. Đài RMT sau đó đã phát sóng báo cáo trích dẫn từ các chuyên gia y tế, cho biết không có bằng chứng nào ủng hộ tuyên bố mơ hồ trên của vị bộ trưởng.
Vai trò của báo chí
Mặt khác, MCMC đã chỉ ra một điểm phát triển đáng khích lệ khi nhiều cơ quan tin tức tại Malaysia đạt mức tăng đáng kể về số lượng độc giả và người xem trong vài năm qua. Người phát ngôn MCMC khuyến khích: “Ngành truyền thông nên tiếp tục tập trung vào xây dựng một nền báo chí chất lượng cao dựa trên niềm tin và thu hút một lượng lớn độc giả”.
So với 5 năm về trước, người dân Malaysia đang dần tin tưởng vào truyền thông truyền thống, theo báo cáo của Ipsos năm 2019. Báo cáo về “Niềm tin Truyền thông: Góc nhìn người Malaysia” cũng nhấn mạnh “79% người dân nghĩ báo chí và tạp chí có hướng đi tốt, tin tưởng vào hướng phát triển của TV và radio.” Chỉ số này với báo trực tuyến là 70%. Đây là tin tốt cho cánh báo chí.
 

Thông hiểu thông tin giữa hỗn loạn tin tức

Trong việc kiểm chứng tin giả, ông Teh cho biết truyền thông đóng vai trò giáo dục thông hiểu thông tin và ngưng phát tán các thông tin sai lệch. “Phương tiện truyền thông được xem là một nguồn cần thiết để kiểm tra tính xác thực của thông tin vì các nhà báo sẽ kiểm chứng thông tin trước khi xuất bản”, ông nói.
Như Yannik đang thực hiện phương pháp tự kiểm chứng. Nếu phát hiện thông tin đáng ngờ, Yannik sẽ kiểm tra nhiều lần với các tổ chức truyền thông uy tín. Yannik chia sẻ: “Có thể là do việc học ở trường khiến tôi luôn phải chắc chắn nguồn thông tin của mình đáng tin cậy trước khi tin. Tại sao tôi phải tin vào thông tin do một cá nhân bất kỳ gửi trên Whatsapp?”.
Thế nên, báo chí đúng nghĩa có thể sẽ là liều vắc xin cho những thông tin trước đại dịch Covid-19.
Bài viết được lược dịch, nằm trong dự án Reporting ASEAN được nhà báo Johanna Son thành lập nhằm nâng cao năng lực phóng viên trong khu vực Đông Nam Á và khai thác các tuyến bài về khu vực. Tác giả Philip Golingai là biên tập viên của Tập đoàn truyền thông Star Media, Malaysia; và chịu trách nhiệm hai mảng nội dung xã luận của tờ The Star là 'It's Just Politics' và One Man's Meat. Anh còn là biên tập viên của Mạng lưới báo chí châu Á, gồm 24 cơ quan báo chí trong khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.