Tín dụng đen hoành hành cuối năm

17/12/2021 05:52 GMT+7

Gần đây, lực lượng công an liên tục triệt phá nhiều đường dây tín dụng đen, trong khi các dịch vụ cho vay nặng lãi đang nở rộ, nhất là vào thời điểm cuối năm giữa lúc đại dịch Covid-19 khiến nhiều người gặp khó khăn.

Đường dây ngàn tỉ

Ngày 16.12, Công an TP.Vinh (Nghệ An) cho biết đơn vị này đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Nghệ An và công an các tỉnh để điều tra, xử lý đường dây cho vay nặng lãi quy mô lớn, có chân rết ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Công an khám xét văn phòng Công ty TNHH Tân Tín Đạt tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận)

QUẾ HÀ

Liên quan đường dây này, chiều 15.12, Cơ quan CSĐT Công an TP.Vinh (Nghệ An) đã phối hợp Công an TP.Phan Thiết (Bình Thuận) bắt giữ Nguyễn Sỹ Dũng (39 tuổi, ngụ P.Hà Huy Tập, TP.Vinh, Nghệ An), Giám đốc Công ty TNHH Tân Tín Đạt. Đây là “ông trùm” cho vay nặng lãi và đang ở Bình Thuận vào thời điểm bị bắt. Ngoài ra, lực lượng công an cũng đã bắt giữ Trần Văn Tấn (35 tuổi, ngụ P.Phú Trinh, TP.Phan Thiết), người quản lý Công ty TNHH Tân Tín Đạt, chi nhánh tại Phan Thiết (P.Đức Nghĩa, TP.Phan Thiết); đồng thời tổ chức khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty TNHH Tân Tín Đạt.

Nhóm của Đào Xuân Thắng tại cơ quan công an

THANH TUYỀN

Ngoài việc bắt giữ Nguyễn Sỹ Dũng tại Bình Thuận, sau nhiều tháng theo dõi, ngày 15.12, Công an tỉnh Nghệ An đã huy động gần 500 cảnh sát bắt giữ, khám xét đồng loạt hàng chục điểm là văn phòng đại diện Công ty tài chính Tân Tín Đạt ở 28 tỉnh, TP trên cả nước. Tại các văn phòng này, lực lượng công an đã bắt giữ 52 nghi can; phong tỏa 56 tài khoản ngân hàng. Bước đầu, CQĐT xác định số tiền sử dụng để đường dây này cho vay lên tới hơn 1.000 tỉ đồng, với hơn 10.000 “khách hàng”.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra giấy tờ thu được từ các chi nhánh của Tân Tín Đạt

CÔNG AN CUNG CẤP

Theo hồ sơ, Công ty TNHH DV tổng hợp Tân Tín Đạt được thành lập năm 2016, có địa chỉ tại TP.Vinh, do Nguyễn Sỹ Dũng làm giám đốc. Với vỏ bọc là công ty tư vấn tài chính, nhưng thực chất đây là một đường dây hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Đường dây này đến nay đã vươn vòi bạch tuộc, mở chi nhánh ở 30 tỉnh, thành trong cả nước với 57 văn phòng giao dịch.

Theo lời khai ban đầu của Trần Vinh (39 tuổi, quản lý điều hành văn phòng của Công ty Tân Tín Đạt tại TP.Vinh), công ty này có khoảng hơn 100 nhân viên. Việc vận hành và quản lý công ty được thực hiện trên phần mềm do công ty thuê của một đơn vị khác. Các giao dịch vay nợ, quản lý được thực hiện qua app (ứng dụng).

Để thu hút người vay, công ty này quảng cáo các hình thức cho vay trên mạng xã hội. Tại nhiều văn phòng giao dịch của công ty này, phía trước được treo các biển quảng cáo “Có cà vẹt xe là có tiền, phí 1.000 đồng/triệu/ngày, không cần người bảo lãnh, nhận tiền sau 10 phút”.

Tuy nhiên, bằng các thủ đoạn tính thêm một số khoản chi phí, đường dây này cho vay với lãi suất thực tế ở nhiều mức cao, có khi lên đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (tương đương gần 200%/năm).

Lãi vay “cắt cổ”

Trước đó, vào trung tuần tháng 7 vừa qua, Công an tỉnh Nghệ An cũng đồng loạt triệt phá 4 nhóm cho vay nặng lãi khác trên địa bàn tỉnh này và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Khám xét 35 cơ sở là các công ty tài chính, dịch vụ cầm đồ của 4 nhóm nói trên, bắt giữ 44 nghi phạm. Trong số 4 nhóm này, có 2 nhóm được tổ chức rất quy mô với việc thành lập công ty cho vay tài chính để cho vay lãi nặng, gồm: Vũ Khắc Thành (30 tuổi, ngụ P.Vinh Tân, TP.Vinh), chủ Công ty TNHH Đức Trí; Phan Trọng Hưng (43 tuổi, ngụ P.Trung Đô, TP.Vinh) và 3 nghi phạm khác lập Công ty TNHH Nhất Tín. Các nhóm này có hàng chục cơ sở, chi nhánh ở nhiều nơi trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh: Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Bình, Khánh Hòa… Trong đó, riêng tại tỉnh Nghệ An, nhóm này lập chi nhánh tại 11 huyện, thị.

Các nhóm trên hoạt động tín dụng đen bằng hình thức cho cá nhân, doanh nghiệp vay với lãi suất từ 3.000 - 8.000 đồng/1 triệu/ngày, cho người vay cầm cố tài sản (xe máy, ô tô…) để vay với lãi suất 2.000 - 4.000 đồng/1 triệu/ngày. Đến thời điểm bị triệt phá, có hàng ngàn người trên khắp cả nước đã vay của các cơ sở trên với số tiền hơn 500 tỉ đồng. Trường hợp người vay không trả lãi theo đúng yêu cầu hoặc thanh toán không đúng hẹn, các nhóm này dùng nhiều thủ đoạn để đe dọa, uy hiếp.

Cũng trong tháng 12, Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an triệt phá đường dây cho vay nặng lãi trên địa bàn TP.HCM do Đào Xuân Thắng (31 tuổi, trú H.Nhà Bè, TP.HCM) cầm đầu. Thắng có 2 tiền án về tội “cố ý gây thương tích” và “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Theo điều tra, đường dây này hoạt động từ hồi tháng 5.2020 do Thắng cùng một số chân rết có gốc Hải Phòng vào Nam “lập nghiệp” bằng hình thức cho vay nặng lãi, mở các đường dây tín dụng đen. Qua điều tra, đường dây tín dụng đen của Thắng lấy lãi khủng từ 300% đến hơn 1.000%/năm.

Đầu tháng 12.2021, Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Đỗ Đường Minh Tâm (biệt danh Tâm Ken, 50 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) liên quan đến băng nhóm cho vay nặng lãi chuyên nghiệp trên địa bàn để điều tra về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Trước đó, cơ quan công an đã khởi tố 13 người khác liên quan đến đường dây này. Theo điều tra, Tâm có quan hệ tình cảm với chị Đ.T.T.L (ngụ Q.Bình Thạnh) từ năm 2019. Khi biết chị L. làm dịch vụ “đáo hạn ngân hàng”, Tâm gợi ý cho người tình vay lấy lãi. Để mở rộng làm ăn, Tâm móc nối thêm nhiều nhóm cho vay nặng lãi khác để bơm tiền cho người tình đáo hạn ngân hàng với nhiều gói khác nhau. Với kiểu vay đáo hạn, Tâm cho L. vay lãi suất từ 0,5 - 2,5%/ngày và 18%/tháng, mức lãi suất được thỏa thuận theo từng gói vay và thời điểm vay. Đến đầu năm 2020, do công việc không thuận lợi, L. không còn khả năng chi trả gốc lẫn lãi nên Tâm chấm dứt quan hệ tình cảm và thúc ép L. trả nợ. Thậm chí, Tâm cùng đồng bọn còn kéo đến nhà của cha mẹ L. tại Q.Bình Thạnh uy hiếp, buộc trả nợ thay bằng cách bán nhà với tổng số tiền 169 tỉ đồng, trong đó 34 tỉ đồng là tiền lãi.

Tại Tây Ninh, ngày 16.12, Cơ quan CSĐT Công an H.Tân Châu cho biết đang củng cố hồ sơ điều tra làm rõ hành vi cho vay lãi nặng của Trương Văn Tùng (55 tuổi, ngụ xã Tân Hội, H.Tân Châu). Khai nhận với cơ quan công an, Tùng khai từ tháng 10.2020, cùng với Thạch (chưa xác định lai lịch) tổ chức cho vay tiền trả góp với lãi suất cao. Đối tượng mà Tùng nhắm đến cho vay, chủ yếu là công nhân trong cụm khu công nghiệp Tân Hội (H.Tân Châu). Khi người có nhu cầu đến gặp Tùng vay tiền (lãi suất từ 8 - 10%/tháng), phải thế chấp thẻ ATM, CCCD và sổ bảo hiểm xã hội. Đến ngày công ty trả lương, Tùng trực tiếp cầm thẻ đến các trụ ATM để rút tiền. Tính đến thời điểm bị phát hiện, Tùng đã cho nhiều công nhân vay trên 500 triệu đồng.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an cho biết thực trạng cho vay nặng lãi đang xảy ra phổ biến trên cả nước. Nhiều tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân, thậm chí đến cả doanh nghiệp khó khăn về vốn cũng là nạn nhân của tội phạm cho vay nặng lãi. Thiếu tướng Hà đánh giá năm 2021 tính chất, mức độ hoạt động tín dụng đen đã giảm đáng kể nhưng diễn biến thực trạng vẫn phức tạp. Riêng với hoạt động cho vay nặng lãi, lực lượng cảnh sát hình sự đã truy quét hơn 300 vụ án và xử lý hơn 600 đối tượng.

Ngày 16.12, thiếu tướng Trần Ngọc Hà cho biết thông qua các vụ án đã triệt phá cho thấy tín dụng đen diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là trong và sau dịch Covid-19. Hai hình thức phổ biến là cho vay thông qua ứng dụng (app) và trá hình bằng việc mua bán, cầm cố tài sản.

Ông Trần Ngọc Hà cũng cho biết trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm dịp Tết Nhâm Dần 2022 (từ ngày 15.12), Bộ Công an cũng quán triệt công an các đơn vị, địa phương tiếp tục đấu tranh quyết liệt với tội phạm, đặc biệt là tín dụng đen.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.