Tín dụng chính sách - điểm tựa nâng cao vị thế người phụ nữ Việt Nam

10/03/2020 10:00 GMT+7

Phụ nữ thường phải gánh chịu hậu quả của nghèo đói nặng nề hơn nam giới. Chính vì vậy các nhà phân tích cho rằng giảm nghèo cũng đồng nghĩa với việc giải phóng phụ nữ và bảo vệ quyền bình đẳng giữa nam và nữ.

Khi phụ nữ trở thành trụ cột gia đình

Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đồng Tháp Lại Văn Bé Chín cho biết, trong những năm qua, bên cạnh việc tuyên truyền vận động đưa chính sách tín dụng đến các chủ hộ vay vốn là nữ, NHCSXH còn ưu tiên đưa vốn vào các mô hình sản xuất Tổ hợp tác, Hợp tác xã (HTX), làng nghề có tính lan tỏa rộng đối với khu vực lao động nữ, ví như HTX thủ công mỹ nghệ 20-10 ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh. Sau 10 năm hoạt động với số vốn ít ỏi vài triệu đồng và 12 thành viên ban đầu, việc phát triển HTX rất khó khăn, vì vậy, nguồn vốn 100 triệu đồng cho 5 hộ nghèo vay trở thành nguồn vốn quan trọng giúp HTX đầu tư 2 máy dệt chiếu và mua nguyên vật liệu dệt chiếu và đan lác.
Đến nay HTX đã có 8 máy dệt, nguồn vốn hình thành tài sản cũng với phương thức từ nguồn vay hộ nghèo của các thành viên góp vốn vào HTX. Mới đây, cụ thể là cuối năm 2017, HTX có thêm sự góp vốn 70 triệu đồng của 4 thành viên cùng nguồn vốn vay chương trình hộ nghèo của NHCSXH đầu tư thêm máy dệt. 50% vốn đầu tư máy móc của HTX là từ nguồn vốn ưu đãi giúp HTX có đủ máy mới có đủ hàng để giao cho khách, nhu cầu của khách hàng theo hợp đồng nâng cao năng lực cạnh tranh”, Phó giám đốc Nguyễn Công Nghiệp cho biết. HTX không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho 27 thành viên mà còn là nơi hội tụ của các mẹ các chị cùng nhau làm việc, tạo thu nhập thoát nghèo và phát triển kinh tế gia đình.
Qua nhiều năm hoạt động, HTX 20-10 thu hút chị em phụ nữ tham gia

Qua nhiều năm hoạt động, HTX 20-10 thu hút chị em phụ nữ tham gia

Gia đình chị Hán Thị Trung ở khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Sau khi thoát nghèo năm 2010, nhờ vay vốn 8 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư khung dệt đến nay gia đình đã thoát nghèo. Chị tiếp tục vay nguồn vốn dự án hỗ trợ người dân phát triển và mở rộng nghề dệt truyền thống mà Sở Công thương ủy thác qua NHCSXH thành lập xưởng dệt đã tạo việc làm ổn định cho 10 lao động nữ tại địa phương. Trên đây là những minh chứng tín dụng CSXH giúp phụ nữ tăng thêm thu nhập, tạo lập hoạt động kinh doanh bền vững và giảm khả năng tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài .

Điểm tựa thực hiện bình đẳng giới

Kết quả hoạt động tín dụng của NHCSXH đang cho thấy những hỗ trợ tín dụng cho phụ nữ ngày càng tăng cả về lượng và chất. Báo cáo kết quả hoạt động của NHCSXH đến cuối tháng 1.2020 cho thấy riêng hoạt động cho vay ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có trên 2,522 triệu thành viên tham gia với số dư hơn 80.435 tỉ đồng đứng đầu cả về số thành viên và dư nợ trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay của NHCSXH. Trong đó riêng tháng 1.2020 doanh số cho vay đạt 1.560 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn luôn đạt thấp nhất, chỉ chiếm 0,22% tổng dư nợ, cho thấy ý thức hoàn trả nợ và hiệu quả sử dụng vốn vay của phụ nữ luôn cao hơn, cũng như ý thức vượt khó vươn lên làm kinh tế của người phụ nữ. Số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 4.636 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ tiền gửi cao nhất trong 4 tổ chức chính trị - xã hội, điều đó cho thấy chị em đã có nguồn tích lũy phục vụ cho nhu cầu tài chính gia đình cũng như tái đầu tư phát triển kinh tế.
Tín dụng chính sách giúp phụ nữ thay đổi vị thế trong xã hội

Tín dụng chính sách giúp phụ nữ thay đổi vị thế trong xã hội

Lãnh đạo NHCSXH cho biết, trong năm 2020 cũng như những năm tới NHCSXH sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách, trong đó ưu tiên đến phụ nữ. NHCSXH sẽ tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng để tạo sự đồng thuận, thu hút đông đảo phụ nữ, hộ gia đình và các đối tượng chính sách tích cực hưởng ứng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.