Tín chỉ carbon: Tạo doanh thu, giảm phát thải

14/01/2024 06:43 GMT+7

VN hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được hàng ngàn tỉ đồng nhờ bán tín chỉ này. Thế nhưng, để vừa thu được 'tiền tươi thóc thật', vừa phát triển xanh, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Trên thế giới, thị trường carbon vận hành theo 3 hình thức, gồm: bắt buộc, tự nguyện, và tuân thủ thỏa thuận Paris. Ngoài ra, có một hình thức đơn giản là mang lên sàn mua bán, hiện chỉ có Singapore đang thực hiện...

Tại VN, Chính phủ đặt mục tiêu vào năm 2025 sẽ vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ carbon và đến năm 2028 thì vận hành chính thức. Hiện tại, chúng ta chưa ban hành quy định áp hạn ngạch phát thải khí nhà kính nhưng trong thực tế, hàng ngàn doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã thực hiện việc này do phải đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu tại châu Âu. Câu chuyện thiếu đơn hàng của ngành dệt may VN năm qua do chậm chuyển đổi sang sản xuất xanh trong khi "đối thủ" của chúng ta là Bangladesh làm không hết việc nhờ đón đầu xu thế này vẫn được nhắc đến nhiều lần như một lời cảnh báo. 

Có thể nhận thấy ngày càng nhiều địa phương, nhiều công ty dù chưa thuộc diện này nhưng cũng chủ động tham gia bởi ai cũng hiểu đây là xu thế không thể đứng ngoài và càng chậm trễ thì càng thiệt thòi. Tại một hội nghị cách đây 2 ngày, lãnh đạo Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho hay dù không tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Chính phủ nhưng với thế mạnh về nhiều loại cây trồng, tỉnh mong muốn chuyển đổi nền nông nghiệp trên địa bàn theo hướng xanh, bán tín chỉ carbon...

Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực hiện trên thực tế là khoảng cách không nhỏ. Ví dụ như Quảng Nam, một trong những địa phương đầu tiên được Chính phủ đồng ý lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng ra thị trường thế giới. Sau hơn 2 năm có chủ trương, đề án vẫn chưa thể chạy vì những khó khăn, vướng mắc về cả kinh nghiệm, kỹ thuật và tài chính dù các đơn vị liên quan đều nỗ lực và sốt ruột. Ở góc độ pháp lý cũng còn rất nhiều vấn đề cần hoàn thiện nếu muốn đưa thị trường tín chỉ carbon vào vận hành. Mà nếu chính sách không kịp thời, không đi trước thì các DN, các địa phương dù có chủ động, cũng không dễ thực hiện.

Thực tế, từ gần 15 năm trước, VN đã có DN bán tín chỉ carbon và đến nay, chúng ta cũng có hàng trăm dự án được cấp tín chỉ carbon để giao dịch trên sàn quốc tế. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã chi 51,5 triệu USD để mua hàng triệu tín chỉ carbon rừng tại các tỉnh Bắc Trung bộ... Có thể thấy, chúng ta đã bắt nhịp khá sớm với xu hướng này nhưng tín chỉ carbon hiện chủ yếu đến từ lâm nghiệp (rừng) nhờ đặc thù tự nhiên với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu ha, độ che phủ rừng 42%. Đối với nông nghiệp, lĩnh vực phát thải cao thứ hai, sau nghiên cứu của WB thì cuối năm 2023, Chính phủ chính thức công bố đề án xây dựng 1 triệu ha lúa chuyên canh phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL, trong đó có mục tiêu "đóng gói" thành tín chỉ carbon...

Trong khi đó, về cơ chế, dự án nào giúp cắt giảm khí thải nhà kính đều có thể chuyển thành tín chỉ carbon. VN cũng đã cam kết đến năm 2050 sẽ giảm phát thải ròng về 0. Có nghĩa là việc giảm phát thải ròng không chỉ là xu hướng toàn cầu, không chỉ là bắt buộc mà việc này cũng tạo "tiền tươi"... Điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn còn nhiều lĩnh vực có thể giúp mang đến doanh thu cho người bán và đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải chung cho nền kinh tế. Hy vọng rằng thời gian tới, thị trường tín chỉ carbon sẽ hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều người, nhiều DN, nhiều ngành nghề để hướng tới một VN tăng trưởng xanh theo đúng lộ trình đã cam kết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.