Tìm thấy phi công máy bay rơi: Khoảnh khắc nghẹn ngào của những ngư dân

19/06/2016 10:32 GMT+7

Hai phi công trên máy bay Su-30MK2 bị rơi trên biển khi đang luyện tập đều được các ngư dân tìm thấy. Họ được đánh giá như “mắt thần” trên biển trong việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi có tai nạn xảy ra.

Cứu người như cứu chính mình
Tiếp xúc với phóng viên Thanh Niên ngày hôm qua 18.6, ông Phạm Xuân Lệ (ở xã Thạch Bằng, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) nói đã 30 năm đi biển nhưng với ông, giây phút ông vui mừng nhất chính là khi đưa phi công Nguyễn Hữu Cường lên tàu cá của ông vào rạng sáng 15.6.
Sáng hôm đó, khi tàu cá cùng 7 ngư dân của ông đang neo trên biển thì nghe tiếng kêu cứu “thuyền ơi” của ai đó vọng lại. “Khi đó, trời còn mờ tối, gió mạnh. Tui lấy đèn pin quét trên biển để xem có phải có người đang kêu cứu hay không nhưng không thấy chi vì sóng cao. Một lúc sau, anh em tui phát hiện có đốm sáng nhỏ dập dềnh trên sóng, từ hướng đó phát ra tiếng “cứu tôi với” nên tui cho nhổ neo, chạy tàu đến gần”, ông Lệ kể.

Khi đưa lên tàu, anh ấy quỳ xuống cám ơn anh em tui và nói em là Cường, phi công của máy bay bị rơi. Lúc đó, anh em chúng tôi ôm lấy anh Cường và đều bật khóc vì xúc động và quá mừng”, 

Ngư dân Lệ kể

Khi tàu của ông Lệ đến gần thì phát hiện một người đàn ông đang ngồi trên phao cứu sinh to. “Tôi đây các anh ơi, cứu tôi”, người trên phao mừng rỡ nói.
“Khi đưa lên tàu, anh ấy quỳ xuống cám ơn anh em tui và nói em là Cường, phi công của máy bay bị rơi. Lúc đó, anh em chúng tôi ôm lấy anh Cường và đều bật khóc vì xúc động và quá mừng”, ông Lệ nói. Tin vui này ngay sau đó được anh Cường gọi về báo tin cho vợ con và đơn vị. Ông Lệ cũng gọi điện về nhà báo tin mừng này cho vợ mình biết.
48 tuổi, 30 năm bám biển mưu sinh, với ông Lệ đây cũng là lần đầu tiên ông cứu được người. “Ai cũng rứa thôi, thấy người gặp nạn thì phải cứu, cứu người cũng như cứu chính mình. Đó là trách nhiệm của con người mà”, ông Lệ nói. Chiều qua, ông Lệ cùng 6 bạn nghề của mình lại chuẩn bị ra khơi.
Phi công Nguyễn Hữu Cường được cứu sống và đưa về đất liền Ảnh: Phạm Đức
Phép màu hy vọng đã vụt tắt
Không có điều thần kỳ và vô cùng đau buồn, ông Đặng Thành Kính (ở xã Nghi Xuân, H.Nghi Lộc, Nghệ An) cùng 5 ngư dân khác lại rất buồn khi phát hiện, tìm thấy thượng tá, phi công Trần Quang Khải. Đã không còn phép màu nào xảy ra anh khi trên cái phao cứu sinh, ở thời điểm được phát hiện, anh Khải đã hy sinh.
Từ tàu cá mang số hiệu 90554TS đang lênh đênh trên biển, ông Kính cho biết, tàu ông ra khơi vào ngày sáng 17.6 cùng với 5 ngư dân khác để đánh bắt hải sản. “Trước khi ra khơi, chúng tôi đã biết 2 vụ tai nạn máy bay rơi trên biển và đang tìm kiếm phi công nên trên đường đi, chúng tôi cũng tham gia tìm kiếm và hy vọng sẽ tìm thấy họ còn sống”, ông Kính nói.
VIDEO: Thi thể phi công Trần Quang Khải được đưa về đất liền sáng qua - Thực hiện: Phạm Đức
Đến khoảng 16 giờ 45 phút, khi tàu của ông đang vị trí 19,12 độ vĩ Bắc, 106,28 độ Đông, nằm cách khu vực khoanh vùng máy bay Su-30MK2 bị rơi về hướng Đông Bắc khoảng 17-20 hải lý thì ông phát hiện một vật thể màu vàng nổi trên biển.
“Anh em chúng tôi rất hồi hộp và cầu mong đó là phi công đang bị mất tích và anh ấy còn sống. Nhưng, khi tàu đến gần thì ông và các ngư dân trên tàu rất buồn vì đó là một người đã chết trong trang phục màu vàng nổi trên biển. Chúng tôi xác định ngay là phi công đang bị mất tích nên tôi đã gọi điện về báo cho ông Đậu Hồng Nghi, xóm trưởng xóm Xuân Dương (nơi gia đình ông Kính sinh sống –PV) để ông Nghi báo tin cho cơ quan chức năng”, ông Kính kể.
Ngay sau đó, ông cho tàu cá bám sát phi công Khải để chờ tàu cứu hộ của lực lượng chức năng.
Ông Phạm Xuân Lệ kể lại giây phút cứu phi công Cường Ảnh: Nguyên Dũng
Thông tin quý giá như manh mối quan trọng để tìm phi công Trần Quang Khải được ông Đậu Hồng Nghi báo cho Bí thư huyện ủy Nghi Lộc. Thông tin này sau đó được chuyển đến cho Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn đặt tại thị xã Cửa Lò. Nhận được thông tin này, ban chỉ đạo tìm kiếm, cứu nạn đã yêu cầu tàu cứu hộ biên phòng Nghệ An đang tìm kiếm trên biển tiếp cận tàu cá của ông Kính để xác minh tin báo.
Sau gần 3 giờ đồng, tàu cứu hộ biên phòng đã đến được vị trí này. “Chúng tôi xác định việc tham gia tìm kiếm, cứu người là trách nhiệm của mình. Rất tiếc, khi chúng tôi tìm thấy thì anh Khải đã hy sinh”, ông Kính buồn bã nói.
Đại tá Dương Minh Hiền, Phó chỉ huy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đánh giá, việc tìm kiếm, cứu nạn trên biển là rất phức tạp, khó khăn do tầm nhìn bị hạn chế, phụ thuộc vào thời tiết trong khi các phương tiện tìm kiếm, cứu nạn của chúng ta còn hạn chế. Do đó, việc huy động sự tham gia cùng tìm kiếm của ngư dân là rất cần thiết vì lực lượng ngư dân trên biển nhiều và họ cũng rất có ý thức trong việc phát hiện, cứu nạn.
“Từ vụ việc này có thể thấy ý thức của ngư dân trong việc phối hợp tìm kiếm cứu nạn là rất tốt, họ rất có trách nhiệm. Nó còn thể hiện sự gắn bó tình cảm quân dân trong việc bảo vệ Tổ quốc”, ông Hiền nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.