Tìm thấy hành tinh khổng lồ, tưởng chừng không thể tồn tại

Khánh Như
Khánh Như
07/12/2023 15:13 GMT+7

Các nhà khoa học vào tuần trước đã tìm thấy một hành tinh rộng lớn, đến mức lẽ ra nó không thể tồn tại.

Xét về kích thước, hành tinh trên nặng gấp 13 lần Trái đất. Tuy nhiên, nó lại xoay quanh ngôi sao LHS 3154 có khối lượng nhỏ hơn Mặt trời 9 lần và kém sáng hơn 100 lần, tờ The Independent đưa tin.

Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ trên cho thấy LHS 3154 dường như quá lớn so với mặt trời của chính nó. Đây cũng là lần đầu tiên một hành tinh có khối lượng lớn như vậy được nhìn thấy quay quanh một ngôi sao có khối lượng thấp như vậy. 

Tìm thấy hành tinh khổng lồ, lớn đến mức đáng lẽ không thể tồn tại - Ảnh 1.

Ảnh mô phỏng hành tinh vừa được phát hiện

REUTERS

Sự khác biệt lớn đến mức các nhà khoa học cho rằng một hành tinh như vậy không thể tồn tại. Do đó, các câu hỏi về sự hiểu biết của con người về cách các hành tinh và hệ mặt trời hình thành đã một lần nữa được đặt ra.

Tờ The Sun dẫn lời giáo sư thiên văn Suvrath Mahadevan tại Đại học Pennsylvania State (Mỹ) cho biết: "Khám phá này thực sự chứng minh rằng chúng ta biết rất ít về vũ trụ. Chúng tôi không hề nghĩ rằng một hành tinh nặng như thế này tồn tại xung quanh một ngôi sao có khối lượng nhỏ như vậy".

Thông thường, việc tăng kích thước của các hành tinh phụ thuộc vào quá trình hình thành của ngôi sao mà nó xoay quanh. Theo đó, khi các ngôi sao được hình thành, các vật chất từ những đám mây khí và bụi lớn sẽ bám vào ngôi sao như một đĩa quay quanh nó. 

Các đám khói bụi này sau đó sẽ góp phần làm hành tinh "lớn lên".

Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng đĩa quay quanh ngôi sao LHS 3154 không có đủ vật chất để tạo nên một hành tinh lớn như vậy.

"Đĩa hình thành hành tinh xung quanh ngôi sao có khối lượng thấp LHS 3154 được cho là không có đủ khối lượng rắn để tạo nên hành tinh này. Nhưng nó ở ngoài kia, nên bây giờ chúng ta cần xem xét lại sự hiểu biết của mình về cách các hành tinh và các ngôi sao hình thành", chuyên gia Mahadevan nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.