Tìm thấy cheo cheo lưng bạc: Trưởng nhóm người Việt lo lắng về nhu cầu thịt rừng

Hoài Nhân
Hoài Nhân
14/11/2019 11:05 GMT+7

Thông tin tìm thấy cheo cheo lưng bạc ngỡ đã tuyệt chủng ở Việt Nam vừa mang lại niềm vui vừa khiến các nhà khoa học lo lắng chúng trở thành mục tiêu của nạn săn bắt, như chia sẻ của anh Nguyễn An - trưởng nhóm khảo sát.

Trao đổi với Thanh Niên, anh Nguyễn An - trưởng nhóm khảo sát phát hiện cheo cheo lưng bạc ở miền nam Việt Nam cho biết, loài này có tên khoa học là Tragulus versicolor. Đây là loài thú móng guốc đặc hữu duy nhất ở Việt Nam.
Anh An kể lại: “Với sự hỗ trợ từ Viện Sinh thái học miền Nam (SIE) ở TP.HCM, Viện Nghiên cứu Động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW) và Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã toàn cầu (GWC), mình cùng với nhóm khảo sát (toàn bộ là người Việt Nam) tiến hành phỏng vấn người dân ở các khu rừng quanh Nha Trang, trải dài trên ba tỉnh. Sau đó các bẫy ảnh được đặt ở nơi tiềm năng nhất và kết quả là những hình ảnh vừa được công bố”.

Kết quả thu được sau khi thiết lập "bẫy camera" là một phát hiện đáng mừng về loài cheo cheo lưng bạc tưởng đã "biến mất" cách đây 30 năm

QWC

Mối bận tâm lớn nhất của nhóm khảo sát là khi công bố phát hiện này, cheo cheo lưng bạc sẽ trở thành mục tiêu của hoạt động săn bắt.
Ngoài thông tin và hình ảnh chung về việc tìm thấy cheo cheo lưng bạc, những thông tin chính xác khác về nơi phát hiện loài vật này được các bên thống nhất sẽ không công bố, vì nguy cơ cheo cheo lưng bạc sẽ biến mất do áp lực săn bắn nhằm phục vụ nhu cầu thịt rừng của người Việt.
“Có thể nhiều người vẫn chưa biết, nhiều động vật hoang dã đang biến mất khỏi Việt Nam do tình trạng săn bắt bằng bẫy dây phanh/dây kim loại ở quy mô công nghiệp. Gần như chắc chắn người Việt Nam sẽ không còn thấy được hổ, báo, sao la trong tự nhiên nữa và chúng tôi không muốn điều này xảy ra cho cheo cheo lưng bạc”, anh quả quyết.
Việt Nam hiện tại đang kiểm soát tương đối tốt việc phá rừng trái phép, săn bắt bằng súng. Nếu cơ quan chức năng cũng kiểm soát được hiện trạng bẫy bắt bằng dây phanh ở mức độ tương tự thì loài cheo cheo lưng bạc và nhiều loài khác sẽ được cứu.
"Việc kiểm soát bẫy bắt bằng dây phanh cũng như buôn bán động vật hoang dã sẽ phụ thuộc nhiều vào nhà nước, cơ quan chức năng và các tổ chức bảo tồn", anh An chia sẻ.
Anh An hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ và là điều phối viên của Viện nghiên cứu Động vật hoang dã Leibniz, đồng thời là nhà khoa học liên kết (associate scientist) của GWC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.