Tìm mọi cách giúp đồng bào

11/08/2021 08:04 GMT+7

Nhìn hình ảnh dòng người từ phía nam lục tục trở về nhà do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều người ở Quảng Bình đã không thể ngồi yên, tìm mọi cách giúp đỡ đồng bào mình.

Những người mang tiếng là “bao đồng” hay “vác tù và” này ở đủ nơi, làm đủ công việc, cũng không liên quan gì nhau, nhưng cùng chung một tấm lòng rộng mở, một nghĩa khí hào hiệp.

Nhà báo đi phát sữa, bánh mì

Những ngày đầu tháng 8.2021, nhóm thiện nguyện của anh Trần Minh Văn, Trưởng phòng Bạn đọc Báo Quảng Bình, cùng một số phóng viên của báo miệt mài bốc xếp, trao phát nước lọc, sữa hộp, bánh mì cho bà con từ một số tỉnh phía nam về quê ngang qua địa phận Quảng Bình.
Quệt vội mồ hôi lấm tấm trên mặt, anh Minh Văn tâm sự mấy ngày qua thấy bà con các tỉnh bắc miền Trung, miền Bắc chạy xe máy về quê tránh dịch rất vất vả. Anh em, vợ chồng, cha mẹ dắt díu nhau về trên chiếc xe máy cà tàng chất đầy đồ đạc lỉnh kỉnh. Vậy mà vượt cả nghìn mấy cây số, lầm lũi trong mưa gió, đêm tối… Thực tế đó đã thôi thúc anh và các nhà báo khác cùng nhóm lên ý tưởng thực hiện chương trình “tiếp sức đồng bào từ vùng dịch về quê”, với thông điệp “Lan tỏa yêu thương cùng nhau vượt qua đại dịch này”.
Sau mấy ngày kêu gọi, nhóm quyên góp được gần 70 triệu đồng. Số tiền này dùng mua nước, sữa, bánh mì, tổng cộng khoảng 3.000 suất, trao cho bà con về từ miền Nam, còn lại tặng quà các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh.

Tấm lòng thơm thảo của chị chủ quán bình dân

Xã Sen Thủy (H.Lệ Thủy) là cửa ngõ phía nam trên QL1 của tỉnh Quảng Bình. Những ngày qua, nơi này trở thành điểm tiếp nhận, trung chuyển đông đúc. Cũng nơi này ghi dấu không ít câu chuyện lay động lòng người được viết lên từ những người “bao đồng”.
Ví như những suất cơm của nhóm chị Dương Thị Lệ dành cho bà con từ miền Nam trên hành trình thiên lý xa xôi về quê. Nhìn phần cơm trắng tinh tươm, thơm nức với cá kho, tôm rim, măng kho thịt, rau muống xào…, thì hẳn ai cũng muốn thưởng thức.
Thành viên nhóm chị Lệ nấu cơm hỗ trợ đoàn người về quê tránh dịch

Thành viên nhóm chị Lệ nấu cơm hỗ trợ đoàn người về quê tránh dịch

Chị Lệ là chủ một quán nhậu bình dân ở xã Phong Thủy. “Tất cả xuất phát từ những tấm hình trên mạng xã hội, mấy chị em xem và cảm thấy chạnh lòng nên tự nguyện kêu gọi bạn bè đóng góp. Ban đầu, nhóm trao bánh chưng, sữa, nước suối, khẩu trang để người đi đường dễ cầm, sử dụng và đã trao được 700 suất như vậy. Nhưng một hôm, khi cả nhóm đang phát quà thì có người gọi: “O có cơm không cho tui hộp với. Tui đói quá, 3 ngày ni chưa được ăn cơm nơi”. Chừng đó thôi, bỗng nghẹn tâm can. Thế là nhóm chuyển sang nấu cơm”, chị Lệ kể lại.
Với lợi thế làm quán, có sẵn dụng cụ chế biến nên mọi thứ được triển khai rất nhanh. Các chị em phụ nữ trong vùng mỗi người phụ một tay. Tổng cộng hơn 600 hộp cơm đã đến tay bà con ở xa về ngang qua Lệ Thủy. Không những thế, nhóm chị Lệ còn thường xuyên tiếp tế cơm, nước uống hỗ trợ các thành viên trực chiến tại chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đóng tại xã Sen Thủy.

Đội xe SUV phản ứng nhanh

Những ngày tất bật bà con các tỉnh về từ miền Nam ngang qua Quảng Bình, nhiều người ấn tượng với đội xe SUV rất chuyên nghiệp mang biển đầu số 73 tổ chức trao phát cơm, sữa, nước. Đó là đội xe “Phản Ứng Nhanh” của câu lạc bộ PICKUP&SUV Quảng Bình.
“Nhìn thấy hoàn cảnh của bà con trong đoàn xe máy, người lớn, trẻ em vất vả nhiều ngày dưới mưa nắng nên anh em chúng tôi rất đồng cảm và chia sẻ. Vì vậy, nhóm quyết định vào cuộc tương trợ”, anh Trần Cường, Đội trưởng đội “Phản Ứng Nhanh”, chia sẻ.
Nhóm nhà báo Minh Văn trao quà cho người về quê ngang qua Quảng Bình

Nhóm nhà báo Minh Văn trao quà cho người về quê ngang qua Quảng Bình

Anh Trần Cường thông báo số điện thoại của mình trên Facebook cá nhân kèm lời nhắn: “Bà con hồi hương đi qua Quảng Bình cần giúp gì cứ gọi, chúng em sẽ làm hết sức mình để chia sẻ phần nào khó khăn với bà con”.
Nhóm anh Trần Cường đúng nghĩa phản ứng nhanh. Phụ nữ, trẻ em, người già hay ai đuối sức đều được nhóm chở qua hết đất Quảng Bình. Hay khi thấy trời mưa, anh liền nhắn gửi tiếp trên Facebook: “Em cần xin khoảng 100 cái áo mưa loại dày để cho bà con đi xe máy đang trên đường về quê, dự kiến khoảng 19 giờ tối nay (2.8 - PV) sẽ tới chốt Quảng Bình. Anh chị hình dung họ không thể ghé đâu mua được, mà có trẻ nhỏ, đường thì còn quá xa sẽ không ổn chút nào… Anh chị cho em xin, để cho bà con kẻo tội họ quá anh chị ơi. Xin đa tạ anh chị!”.
Lời kêu gọi thống thiết và hợp tình hợp lý ấy thấu cảm trái tim nhân ái của nhiều người. Trong mấy tiếng đồng hồ, cộng đồng ủng hộ được gần 17 triệu đồng; tương đương 200 cái áo mưa loại tốt.
Nào áo mưa, nào sữa, nước, nào là xăng chia sẵn trong từng chai nhỏ. Chuẩn bị đủ hàng, những chiếc SUV có dán băng rôn ghi dòng chữ “Đội xe tình nguyện, chuyên chở hàng hóa phục vụ phòng, chống đại dịch Covid-19” và “Phát xăng miễn phí, ai cần cứ lấy” rời TP.Đồng Hới, lao đi trong đêm, trực chỉ cửa ngõ phía nam tỉnh Quảng Bình. Đến gần 2 giờ sáng 3.8, khi phát hàng, quà xong xuôi, đoàn người về quê qua hết, thì nhóm mới thu dọn, trở về nhà.
Hay như anh Phan Cường, một thành viên của đội, còn nghĩ ra được sáng kiến gom thùng phuy cũ rồi cắt ra làm thùng đựng rác thải tại khu vực chốt kiểm soát để tiêu hủy, tránh gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đi thu thập tư liệu để viết bài này, tôi hình dung được khi vượt chặng đường rất dài bằng xe máy trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như thế thì một ngụm nước lọc thôi cũng tiếp thêm sức lực cho người về quê. Tôi tin những con người ngồi trên dòng xe ấy, sẽ rất ấm lòng, mát dạ khi gặp những cánh tay vẫy gọi, những yêu thương dọc đường đến từ những con người xa lạ. Và đường về ấy, biết đâu sẽ gần hơn nhiều.
Và trong khuôn khổ bài viết, còn nhiều lắm những câu chuyện đẹp mà tôi được nghe, được thấy trong những ngày chống dịch, nhưng chưa thể chuyển tải. Tất cả những câu chuyện đó củng cố thêm niềm tin chiến thắng dịch bệnh trong tôi, bởi quanh ta luôn ngập tràn sự đoàn kết và yêu thương.
Tổ chức tương trợ dịch bệnh Covid-19 hoàn toàn khác với những lần nhóm đi cứu trợ thiên tai, bão lũ vì yếu tố lây nhiễm. Nên đội phải xây dựng kịch bản đi đứng, bảo hộ, cấp phát, khử khuẩn kỹ càng. Mỗi lần đi về, anh em không dám cho con ngồi lên xe, không dám hôn con và phải ngủ riêng để đảm bảo phòng dịch.
Anh Trần Cường xác định giúp người thì phải kịp thời và nếu không may bị lây nhiễm thì phải chịu trách nhiệm trước địa phương. “Thậm chí, nếu xã hội không thấy đó là việc làm ý nghĩa, lúc ấy áp lực sẽ dồn lên gia đình mỗi thành viên trong đội. Vì vậy, chúng tôi mong được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về thủ tục, pháp lý trong một số tình huống khẩn cấp để đội mạnh dạn hơn, quá trình giúp người khó khăn sẽ nhanh hơn. Và được xét nghiệm, tiêm vắc xin để anh em yên tâm làm nhiệm vụ; an toàn cho bản thân thì sẽ an toàn cho gia đình và cho xã hội”, anh Trần Cường bày tỏ. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.