Tìm lối đưa vải thiều tiến sâu thị trường Nhật

26/06/2023 08:32 GMT+7

Vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản chủ yếu được tiêu thụ trong cộng đồng người Việt Nam, Trung Quốc. Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, các doanh nghiệp cũng như địa phương đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm đưa qua vải thâm nhập sâu vào cộng đồng người dân Nhật Bản.

Đa dạng sản phẩm từ quả vải

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết sau nhiều tháng ấp ủ, ngày 15.6 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Công ty TOMO (doanh nghiệp tại Nhật Bản chuyên nhập khẩu nông sản từ Việt Nam - PV) đã tổ chức thành công chuyến đi đưa 30 người là đại diện doanh nghiệp, tổ chức tại Nhật Bản trực tiếp đến tham quan, khảo sát vùng trồng vải thiều tại H.Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) và H.Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang).

Tìm lối đưa vải thiều tiến sâu thị trường Nhật - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp tham quan quy trình xử lý, đóng gói vải xuất khẩu sang Nhật Bản tại Hải Dương

PHAN HẬU

Chuyến đi này có sức lan tỏa, hiệu ứng tốt khi một số thành viên quay lại Nhật Bản đã tổ chức các buổi nói chuyện trực tuyến đến nhiều bạn bè, đối tác về những gì mắt thấy, tai nghe khi lần đầu tiên được trải nghiệm ở 2 vùng trồng vải thiều lớn nhất Việt Nam. Trong chuyến đi, các doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra nhiều gợi ý để quả vải và các sản phẩm chế biến có thể tiếp cận đa dạng hơn, đi sâu vào thị trường này.

Có niềm đam mê với quả vải Việt Nam, bà Sadahiro Mari, Giám đốc, Thư ký Dự án A-world (dự án chuyên nghiên cứu, phát triển sản phẩm chế biến từ rau quả tại Nhật Bản - PV), cho biết cá nhân bà đã có vài chục lần đến Việt Nam công tác. Tại Hà Nội, bà Sadahiro Mari nhiều lần tự mua vải để thưởng thức. Mê mẩn loại quả thơm ngon này, bà Sadahiro Mari nhiều lần kiến nghị, góp tiếng nói với cơ quan chức năng Nhật Bản để cấp phép nhập khẩu vải thiều tươi từ Việt Nam.

"Tôi đã ăn vải ở Việt Nam và Nhật Bản trong nhiều năm rồi nhưng chưa khi nào thấy nó tươi ngon như khi trực tiếp hái ở vườn. Quả vải mọng nước, vị ngọt đậm, vỏ màu sắc đỏ tươi, rất đẹp mắt", bà Sadahiro Mari thốt lên khi trực tiếp thưởng thức vải tại nhà vườn ở H.Thanh Hà.

Tại Nhật Bản, bà Sadahiro Mari và các đồng nghiệp trong Dự án A-world đã thử nghiệm thành công quy trình, công nghệ lên men vải thiều khi kết hợp sử dụng men vi sinh của Nhật Bản. "Giống như một số sản phẩm đồ uống lên men trái cây của Nhật Bản đang bán tại Mỹ và châu Âu, vải thiều có thể chế biến thành nước lên men để xuất khẩu sang Nhật Bản, thậm chí là đi khắp thế giới", bà Sadahiro Mari nói.

Chia sẻ với chính quyền, doanh nghiệp của Bắc Giang, Hải Dương, bà Takei Ayako, Phó giám đốc Công ty Happy (tỉnh Yamanashi, Nhật Bản), đại diện doanh nghiệp có gần 2.000 cửa hàng bán hoa quả sấy rộng khắp Nhật Bản, cho rằng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trái cây chế biến ở Nhật Bản rất lớn.

Qua chuyến đi này, bà Takei Ayako sẽ tìm kiếm thêm nguồn hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, bà Takei Ayako đưa ra lời khuyên, các doanh nghiệp nên đầu tư vào công nghệ chế biến, đa dạng sản phẩm để xuất khẩu sang Nhật Bản. Điều này không chỉ giúp các địa phương, nông dân giảm được áp lực tiêu thụ trong mùa vụ ngắn mà sản phẩm chế biến có thể bảo quản, lưu trữ xuất khẩu quanh năm.

"Xuất khẩu vải tươi phải đáp ứng quy trình bảo quản phức tạp, trong khi làm sản phẩm sấy khô thì dễ hơn rất nhiều. Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá chất lượng vải sấy khô để xúc tiến nhập khẩu", bà Takei Ayako nói.

Xuất khẩu số lượng nhỏ, thu lợi ích lớn

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật Bản năm nay có những tín hiệu tăng trưởng khá tích cực. Trong nửa đầu tháng 6, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được hơn 82 tấn vải tươi sang thị trường Nhật Bản. Những lô vải đầu tiên nhập khẩu từ Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng tại Nhật Bản. Giá bán lẻ tại các cửa hàng, siêu thị lên tới 400.000 đồng/kg.

Tuy vậy, bà Lê Thị Phương Thảo, Phó giám đốc Công ty TOMO, chia sẻ tại Nhật Bản, người ăn vải nhiều nhất là cộng đồng người Việt Nam, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Người dân Nhật Bản tiêu dùng quả vải chủ yếu là những người từng có thời gian sinh sống, làm việc, từng đi du lịch hoặc có bạn bè là người Việt Nam, nhưng số lượng này không nhiều.

"Đối với người Nhật Bản nói chung, quả vải Việt Nam vẫn là loại trái cây mới, chưa thực sự thuyết phục họ tiêu dùng. Đó chính là lý do chúng tôi tổ chức đưa doanh nghiệp đối tác Nhật Bản đến vùng trồng vải ở Việt Nam, thông qua họ để lan tỏa, quảng bá quả vải trong các cộng đồng người Nhật Bản.

Nếu thành công trong việc tiếp cận cộng đồng người Nhật Bản thì tương lai, tiềm năng xuất khẩu quả vải tươi cũng như các sản phẩm chế biến là rất lớn. Chúng tôi sẽ liên kết với Hiệp hội Trái cây Nhật Bản và doanh nghiệp logistics của Nhật Bản để đưa quả vải đến khắp các tỉnh, thành phố, thâm nhập sâu hơn vào thị trường này", bà Thảo nói.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), nhìn nhận xuất khẩu quả vải tươi vào thị trường Nhật Bản dù chỉ với số lượng nhỏ nhưng mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho ngành nông nghiệp.

Theo ông Đạt, thị trường Nhật Bản có khả năng trả giá cao cho các sản phẩm chất lượng cao; xuất khẩu quả vải tươi vào thị trường này có thể mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp, người nông dân.

Ngoài ra, Nhật Bản đặt mức tiêu chuẩn rất cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Việc xuất khẩu quả vải tươi vào thị trường này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sản xuất, vệ sinh và chất lượng. Khi đáp ứng được những yêu cầu của thị trường Nhật Bản, vải thiều Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng và an toàn, qua đó tạo thương hiệu, uy tín cho loại trái cây này; tạo cơ hội mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác.

"Xuất khẩu quả vải tươi vào thị trường Nhật Bản đòi hỏi các doanh nghiệp phải áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến. Điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển của ngành nông nghiệp VN", ông Đạt nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.