Tìm lối cho phim hoạt hình Việt chiếu rạp

Ngọc An
Ngọc An
06/02/2021 06:29 GMT+7

Trong khi những siêu phẩm hoạt hình ngoại rộn ràng ra rạp vào dịp đầu năm mới, vẫn không hề thấy bóng dáng của phim hoạt hình Việt nào như suốt bao năm qua.

“Khát” nhà đầu tư

Hình ảnh chú nghê thần có tên Karma hiện lên sinh động. Chuyển động của các nhân vật khá cuốn hút. Những khung hình có cảnh thiên nhiên Việt Nam như vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng đẹp mắt. Câu chuyện về cuộc phiêu lưu của Karma và 2 nhân vật đến từ thế giới con người khiến nhiều người tò mò. Những yếu tố hội tụ trong teaser trailer (đoạn giới thiệu ngắn) dù chỉ dài hơn 1 phút của dự án phim hoạt hình Hành trình nhân quả (do Red Cat Motion thực hiện) được giới thiệu hồi năm 2018 khiến nhiều khán giả khi ấy hy vọng: điện ảnh Việt sẽ sớm có một phim hoạt hình dài chiếu rạp.
Sau 3 năm kể từ đó, dự án Hành trình nhân quả vẫn đang được tiếp tục, tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở phim ngắn. “Khoảng giữa tháng 3 phim sẽ xong, chúng tôi sẽ gửi phim dự thi giải thưởng quốc tế, nên khoảng tháng 5 - 6 mới trình chiếu được. Phim dài khoảng 8 - 10 phút, sẽ được phát trên YouTube”, Leo Đinh (Đinh Kiều Anh Tuấn) - đạo diễn của bộ phim, đồng thời là CEO và người sáng lập Red Cat Motion, nói. Hiện tại, Red Cat Motion vẫn tự bỏ kinh phí để làm phim. “Khó khăn chính là ở việc tìm kinh phí. Việc này với phim hoạt hình còn khó hơn phim có người đóng”, Leo Đinh bày tỏ, và lý giải những phim có người đóng còn dễ gặp thất bại, nên nhiều nhà đầu tư chưa làm phim hoạt hình bao giờ lại càng đắn đo hơn khi bỏ vốn ra cho phim hoạt hình.
Đạo diễn Đặng Hải Quang, Giám đốc DeeDee Animation Studio (đơn vị sản xuất hàng loạt phim hoạt hình ngắn, trong đó có dự án Tàn thể tiền truyện với tập đầu tiên đã giành giải thưởng của nhiều liên hoan phim trong nước và quốc tế - PV), cũng cho hay để làm một phim hoạt hình dài cần kinh phí rất lớn. Tập đầu tiên của dự án Tàn thể tiền truyện chỉ dài 15 phút nhưng mất tới 2 năm để chuẩn bị và sản xuất. “Chúng tôi mất 1 năm đến 1 năm rưỡi cho ý tưởng, chọn ra hình mẫu nhân vật, thế giới câu chuyện… Khi đã lên được câu chuyện, có kịch bản, sẽ tiến hành sản xuất. Việc sản xuất thực mất khoảng 4 tháng/1 tập phim. 30 người cùng tham gia thực hiện, chưa kể phần âm nhạc, lồng tiếng phim… Nhìn vào có thể hình dung số tiền chi ra để “nuôi” từng đó nhân sự trong nhiều tháng như thế nào”, anh phân tích. DeeDee Animation Studio vẫn thực hiện nhiều dự án khác để “nuôi” những dự án làm phim hoạt hình. Còn với Leo Đinh, anh chọn cách làm phim ngắn trước mắt với hy vọng các nhà đầu tư nhìn vào đó sẽ có lòng tin, để mạnh dạn bỏ kinh phí cho việc sản xuất phim hoạt hình dài.

Hình ảnh trong chuỗi phim hoạt hình Monta trong dải ngân hà kỳ cục của VinTaTa

Ảnh: T.L

Tưởng dễ mà khó !

Công nghệ làm phim hoạt hình tại Việt Nam được cập nhật với khu vực và thế giới. Đạo diễn Đặng Hải Quang cho biết DeeDee Animation Studio vẫn làm phim bằng phần mềm mà những studio lớn như Sydney, Cartoon Network… sử dụng. Dự án Hành trình nhân quả cũng làm với chất lượng phim hoạt hình 2D theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. “Công nghệ, nhân lực không còn là vấn đề lớn với phim hoạt hình Việt. Ngay từ khi bắt đầu dự án Hành trình nhân quả, chúng tôi đã nghĩ đến việc làm một phim dài vì nhìn thấy những tiềm lực của hoạt hình Việt”, đạo diễn Leo Đinh nói.
Vấn đề lớn với phim hoạt hình Việt, bên cạnh yếu tố kinh phí, còn được cho nằm ở khâu ý tưởng kịch bản. “Làm hoạt hình tưởng dễ mà lại khó. Chẳng hạn, làm hoạt hình cho trẻ em không những cần hiểu cách trẻ em muốn gì, tư duy như thế nào, mà còn phải đặt mình trong việc thông cảm với những hành động của chúng. Còn làm phim để cả người lớn và trẻ con đều thấy hay như nhiều phim nước ngoài khác cần đưa vào những ý nghĩa sâu xa. Nói chung không phải dễ!”, đạo diễn Đặng Hải Quang nhìn nhận.
Được biết, hãng phim hoạt hình tư nhân VinTaTa từng tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng với giải thưởng lên tới tiền tỉ. Sau cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho hay dự kiến năm nay, Cục sẽ tiếp tục tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản cho phim hoạt hình. Theo ông Thành, lâu nay phần lớn phim hoạt hình được sản xuất (trong đó có sản phẩm của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) đều có thời lượng ngắn. “Chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản cho phim hoạt hình và độ dài phải trên 60 phút để có thể sản xuất chiếu rạp”, ông Thành nói.
Kịch bản Thiên mạc hùng ca (tác giả Nguyễn Thị Mai Phương), nhận giải nhì trong cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020, được Cục trưởng Cục Điện ảnh nhìn nhận là kịch bản rất phù hợp với phim hoạt hình. “Cục sẽ cố gắng đưa vào đặt hàng sản xuất”, ông Thành cho hay. Được biết, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đang lên kế hoạch sản xuất phim hoạt hình dài để chiếu rạp.
Khán giả hy vọng không phải chờ quá lâu để được xem phim hoạt hình chiếu rạp đúng nghĩa của điện ảnh Việt. Và từ đó, dần hình thành thị trường rạp chiếu cho phim hoạt hình Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.