Tìm đúng bệnh, bốc đúng thuốc

19/02/2009 09:53 GMT+7

Năm nay, số lao động về quê không trở lại là 10%, đây là lượng lao động mà TPHCM đang thiếu hụt Tại cuộc làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM sáng 17-2, ông ToshiYuki Fujita, Tổng Giám đốc Công ty Nissei VN (KCX Linh Trung – TPHCM), cho biết từ tháng 11-2008 đến nay, doanh thu của công ty liên tục giảm do đơn hàng giảm.

Tháng 12-2008, công ty kêu gọi công nhân (CN)  tự nguyện nghỉ việc và đã có 1.000 CN nộp đơn. Sau Tết, thêm 500 CN khác về quê không trở lại làm việc. Công ty cố gắng duy trì số lượng 2.900 CN hiện nay cho đến tháng 4-2009 (lúc cao điểm Nissei có 7.400 CN).

Cắt giảm hàng loạt

Tại Công ty Trường Lợi (KCN Bình Chiểu- TPHCM), ông Phạm Văn Nam, phó giám đốc công ty, cho biết công ty có 5 chuyền sản xuất giày dép xuất khẩu nhưng hiện tại chỉ hoạt động 3 chuyền. Sau Tết, gần 200 lao động không trở lại làm việc. Đơn hàng chỉ còn đến tháng 4-2009. Trong số 20 công ty khách hàng của Trường Lợi, đã có 3 công ty phá sản. Với tình hình sản xuất hiện nay, không được tăng ca, thu nhập không đủ sống, chắc chắn CN sẽ tiếp tục xin nghỉ việc. Một khó khăn khác là chi phí tăng trong khi khách hàng ép phải hạ giá sản phẩm. Theo ông Nam, từ tháng 5 đến cuối năm 2009, công ty chưa biết có đủ việc làm cho CN hay không. Điều chắc chắn là thu nhập của CN sẽ giảm so với năm 2008.

Ông Trần Du Lịch, phó đoàn đại biểu quốc hội TPHCM:
Cần điều tra, khảo sát toàn diện

Tình trạng mất việc sẽ ngày càng căng thẳng, kéo dài cả trong năm 2009 và 2010. Để ứng phó với tình hình, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM yêu cầu các ngành chức năng TPHCM cần có sự điều tra, khảo sát toàn diện tình hình CN mất việc, đánh giá tác động của mất việc làm đến đời sống xã hội để cuối tháng 3-2009 kiến nghị với Trung ương có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Từ sau Tết đến nay, hàng loạt doanh nghiệp (DN) ở các KCX-KCN TPHCM thông báo cắt giảm gần 10.000 lao động. Nhiều DN khác chỉ còn việc làm đến tháng 6-2009. Tình hình cắt giảm lao động sẽ còn gay gắt, trong khi những biện pháp hỗ trợ, tạo việc làm mới hầu như chưa được khởi động. 

Con số mất việc chưa chính xác

Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH TPHCM, tính đến đầu tháng 2-2009, đã có hơn 19.000 CN mất việc và 2.269 CN thiếu việc làm nhưng cũng có hơn 14.000 CN tìm được việc làm mới. Nhiều ý kiến cho rằng con số này quá “lý tưởng”, bởi với một TP có đến hơn 4,4 triệu lao động, mỗi năm tăng thêm 200.000 việc làm mới thì số mất việc như trên chẳng thấm vào đâu!

Nhưng nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề: Số liệu này đã chính xác chưa? E là chưa, bởi chỉ riêng báo cáo của Ban Quản lý KCX- KCN TPHCM, kết quả khảo sát 100 DN trong số gần 1.000 DN trong khu vực này, số CN mất việc đã gần 8.000 người. Tình hình ở các quận, huyện cũng tương tự. Số liệu mất việc, chờ việc là số liệu cục bộ ở một số DN chứ không mang tính toàn diện. TPHCM hiện có trên 43.000 DN công nghiệp và 340.000 cơ sở, hộ sản xuất cá thể đang hoạt động nên số người bị mất việc chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều.

Thật, giả chuyện thiếu hụt lao động

Một vấn đề làm các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm là hiện trạng CN mất việc hàng loạt trong khi nhiều DN ồ ạt rao tuyển lao động. Ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, chỉ rõ: Hầu hết các DN tuyển lao động không phải là mở rộng sản xuất, tạo việc làm mới mà do tình trạng biến động lao động. Trong năm 2008, suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến DN nên việc làm và thu nhập của người lao động giảm đáng kể. Từ đó, người lao động nghỉ việc để tìm việc làm khác thích hợp hơn khiến DN thiếu hụt lao động, buộc phải tuyển lao động mới. Đơn cử, tại Công ty Pungkook (KCX Tân Thuận – TPHCM) do đơn hàng giảm, trước Tết công ty phải cho CN hết hạn hợp đồng nghỉ việc. Thế nhưng, sau Tết, lại phải rao tuyển 500 lao động vì một số lớn CN không trở lại làm việc. Một DN khác ở KCX Linh Trung cũng đang tuyển hàng ngàn lao động, trong khi hằng tháng có vài trăm lao động nghỉ việc.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, phân tích: Những năm trước, sau Tết, lao động biến động từ 10% đến 15% do người lao động chuyển từ DN này sang DN khác có mức lương cao hơn. Thực chất thị trường TPHCM không mất lao động. Còn năm nay, lượng lao động về quê không trở lại TPHCM khoảng 10%. Đây chính là lượng lao động mà TP thiếu hụt. Ông Tuấn nói: “DN phải đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân, để xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn lao động một cách căn cơ. Không nên làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”: Khi ít hàng thì sa thải, ngược lại thì tuyển ồ ạt”.

Theo Phạm Hồ - Hồng Đào / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.