Tìm đến sự bình yên trong tâm hồn qua bức vẽ

07/08/2022 16:23 GMT+7

Thông qua những bức vẽ, các bạn trẻ thể hiện vấn đề xã hội như tổn thương tinh thần, bình đẳng giới và gia đình…

Chữa lành tâm hồn bằng tranh vẽ

Mới đây, nhiều bạn trẻ trên toàn quốc yêu thích hội họa, nghệ thuật và quan tâm đến tâm lý học xã hội đã gửi các tác phẩm đến cuộc thi vẽ tranh “Lặng” thuộc dự án phi lợi nhuận "Tôi, chúng ta" do một nhóm học sinh THPT tại TP.HCM thành lập vào tháng 8.2021.

Dự án "Tôi, chúng ta" mong muốn cung cấp một nơi lành mạnh có thể hỗ trợ, giúp đỡ mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, trên con đường tìm tòi và khám phá bản thân, hướng đến những suy nghĩ tích cực, tư duy đúng đắn.

Ban tổ chức đã chọn ra 16 tác phẩm tốt nhất trong số hàng chục bức vẽ để trưng bày trong cuộc triển lãm “Lặng” (từ ngày 1-7.8) tại Ngõ Art Gallery (P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức,TP.HCM). Chủ đề của các bức tranh hầu hết xoay quanh nhiều vấn đề xã hội như tổn thương tinh thần, bình đẳng giới và gia đình... Đa số các bức tranh đều được thể hiện qua những nét vẽ đơn giản.

Đề bài cho các bức tranh là “Lặng - sự bình yên đến từ trong tâm hồn”

PHƯƠNG THẢO

Trần Ngọc Minh Anh, học sinh lớp 12 Trường Quốc tế BIS (TP.HCM) - nhà đồng sáng lập dự án "Tôi, chúng ta", chia sẻ: “Trên hành trình phát triển bản thân, nhiều người trẻ miệt mài chạy theo những đích đến vô hình mà đôi khi đánh mất mình hay bị tổn thương về tâm lý. Thông qua triển lãm lần này, chúng tôi muốn tạo không gian để mọi người biết được ngoài kia vẫn có người gặp phải những tổn thương tâm lý tương tự, từ đó cảm nhận được sự đồng cảm và sẻ chia”.

“Bên cạnh đó, khi dịch Covid-19 dần lắng xuống, mọi người lại bị cuốn vào guồng quay tấp nập. Do đó, chúng tôi kỳ vọng cuộc thi và triển lãm tranh vẽ lần này sẽ giúp các bạn trẻ có chút thời gian lắng nghe và chiêm nghiệm bản thân nhiều hơn”, Minh Anh nói.

Bạn trẻ chăm chú xem tranh trong buổi triển lãm

PHƯƠNG THẢO

Theo Minh Anh, các bức tranh không cần phải quá đẹp, mà quan trọng là thể hiện được thông điệp dành cho giới trẻ.

Ôm lấy đứa trẻ bên trong mình

Tình cờ biết được cuộc thi trên Facebook, Diệp Anh Khoa (sinh viên Trường ĐH RMIT, TP.HCM) đã gửi đến tác phẩm “Mình trong mình” vì anh từng trải qua thời gian khó khăn về mặt cảm xúc.

“Bức vẽ của tôi thể hiện sự hỗn loạn về cảm xúc vốn luôn tồn tại trong mỗi chúng ta nhưng khó diễn tả bằng lời. Tôi thực hiện bức tranh này trong nửa ngày và đó cũng là lúc mà tôi muốn lắng lại để cảm nhận từng loại cảm xúc trong mớ hỗn độn đó. Từ đó, tôi hiểu và biết cách điều chỉnh cảm xúc của mình hơn”, Anh Khoa chia sẻ.

Tác phẩm “Mình trong mình” của tác giả Diệp Anh Khoa

PHƯƠNG THẢO

Đối mặt áp lực về điểm số, Vũ Hải Anh, học sinh Trường THPT Bình Phú (Q.6, TP.HCM) rơi vào khủng hoảng nên nữ sinh này tìm đến tranh vẽ như một liều thuốc để giúp chữa lành. “Tôi muốn chạy trốn tất cả mọi thứ để tìm lại chính bản thân và tìm kiếm lý do để mình nỗ lực. Bức tranh tôi gửi đến cuộc thi cũng chính là cách để tôi kể câu chuyện của mình và cái tên ‘Một khoảng lặng’ bắt nguồn từ đó”, Hải Anh thổ lộ.

“Khi cảm thấy bản thân quá mệt mỏi, xin hãy dành ít thời gian cho bản thân” là thông điệp mà Hải Anh gửi gắm qua bức tranh (số 2 từ phải qua)

PHƯƠNG THẢO

Đến tham dự triển lãm, người xem tranh có thể soi mình vào bức tranh để chiêm nghiệm, lắng đọng và chữa lành cho chính mình.

Chị Mai Thị Thu Châu (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) bộc bạch: “Thông qua những bức vẽ, tôi phần nào cảm nhận được những suy nghĩ, tâm tư của các bạn trẻ. Đó cũng là lý do tôi đưa hai con nhỏ đi cùng để các cháu có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật, thông điệp đằng sau đó và cảm nhận một cách sâu sắc về thế giới xung quanh”.

Đang gặp phải vấn đề về tâm lý, Phương Lam (sinh viên Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM) đến triển lãm với hy vọng tìm được một khoảng lặng bình yên.

“Ôm” là bức tranh mà Phương Lam ấn tượng nhất

PHƯƠNG THẢO

“Tôi nghĩ rằng mỗi người đều có một đứa trẻ ở bên trong. Vì thế, tôi cố gắng học cách ôm lấy đứa trẻ, tuy đôi lúc nó hơi nghịch ngợm, hơi tiêu cực nhưng vẫn là của mình”, Phương Lam chia sẻ sau một hồi lâu ngắm nhìn những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm.

Bạn trẻ trải nghiệm một trong số các hoạt động trong “Gian sáng tạo”

PHƯƠNG THẢO

Sau gần một tuần mở cửa, mỗi ngày triển lãm đón khoảng 70-80 người tham gia. Bên cạnh không gian tranh, triển lãm “Lặng” có gian sáng tạo, gian bánh nước và khu vực trưng bày tác phẩm do ban tổ chức thiết kế. Tại gian sáng tạo, mọi người có thể viết ra tâm tư tình cảm, tự tay trang trí từng chiếc cassette hay gói hoa tulip. Ban tổ chức sẽ trích 70% số tiền thu được từ hoạt động trải nghiệm để đóng góp cho quỹ Ngày mai nhằm hỗ trợ người bị trầm cảm nhưng gặp khó khăn về tài chính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.