Tìm cô bộ đội 37 năm về trước

16/02/2016 08:15 GMT+7

Đã 37 năm trôi qua kể từ ngày 17.2.1979 - ngày lính Trung Quốc bất ngờ tấn công xâm lược đồng loạt 6 tỉnh biên giới phía bắc nước ta, chị Hoàng Thị Thu Hiền ở xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng vẫn mong mỏi gặp lại những người lính bộ đội Cụ Hồ đã cứu mẹ con chị...

Đã 37 năm trôi qua kể từ ngày 17.2.1979 - ngày lính Trung Quốc bất ngờ tấn công xâm lược đồng loạt 6 tỉnh biên giới phía bắc nước ta, chị Hoàng Thị Thu Hiền ở xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng vẫn mong mỏi gặp lại những người lính bộ đội Cụ Hồ đã cứu mẹ con chị...

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mạnh Thường bên tấm hình ông đã chụp 37 năm trước - Ảnh: M.T.HNghệ sĩ nhiếp ảnh Mạnh Thường bên tấm hình ông đã chụp 37 năm trước - Ảnh: M.T.H
Chị Hoàng Thị Thu Hiền (hiện 40 tuổi, là cán bộ UBND xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng), nước mắt lưng tròng khi chúng tôi đưa ra tấm hình đen trắng chụp cô bộ đội khoác ba lô, đeo súng AK bế đứa bé chừng 2 tuổi, rồi òa khóc nức nở: “Tôi đây! Hồi ấy là tháng 2.1979!”.
Bị đạn giữa đường chạy giặc
Hồi ấy, bố mẹ chị là ông Hoàng Quang Thái và bà Hoàng Thị Phiến cùng công tác ở mỏ thiếc Tĩnh Túc (H.Nguyên Bình, Cao Bằng) nên gửi hai chị em Hiền cho ông bà nội ở thôn Ngọc Quyến (nay là xóm 3, Ngọc Quyến, Hưng Đạo, TP.Cao Bằng) trông nom.
Giữa tháng 2.1979, bà Phiến nghỉ phép về thăm 2 con gái. Ngày 16.2, bà cõng Hiền đi bộ về thăm quê ngoại ở Đức Long (Hòa An, Cao Bằng). Khi mới đi được nửa đường, sau 1 đêm ngủ trọ ven đường thì rạng sáng 17.2, pháo từ phía Trung Quốc ào ạt nã sang đất Cao Bằng, mở đường cho xe tăng và bộ binh tràn sang đánh chiếm, đốt phá các bản làng của ta dọc biên giới.
Bà Phiến và con gái hòa vào dòng người chạy súng đạn, bỏ đường lớn vòng lên rừng tìm đường mòn. Suốt 1 đêm sợ hãi, đói khát, rét mướt, bà Phiến liều mình cõng Hiền quay xuống Hoàng Tung để ra Bản Tấn (Hòa An, Cao Bằng) thì bị nạn. Chị Hiền kể: “Lúc đó tôi gần 2 tuổi, không nhớ nhưng mẹ kể buổi tối 18.2, khi vừa cõng tôi đến khu vực Bản Tấn thì bị lính Trung Quốc bắn và mẹ ngất đi, còn tôi loanh quanh gào khóc bên mẹ cả đêm!”.
Sáng 19.2.1979, đoàn xe quân sự của ta chạy qua và những người lính phát hiện, dừng lại đưa hai mẹ con bà Phiến lên xe về tuyến sau cấp cứu. “Mẹ tôi kể, đến ngã ba Phố Thông (Bắc Kạn), tôi được người nhà ra đón, còn mẹ được bộ đội đưa về chữa trị tại Quân y viện 91 ở Phổ Yên, Thái Nguyên”, chị Hiền nhớ lại và ngân ngấn nước mắt: “Nếu không có các cô chú bộ đội cứu giúp, chắc chắn mẹ con em đã chết”.
Khoảnh khắc chiến tranh
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường (ở Hà Nội) năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng ký ức về những ngày tháng 2.1979 vẫn còn nguyên vẹn trong ông.
Chị Hoàng Thị Thu Hiền (bìa trái) nay đã 40 tuổi, nhìn lại hình ảnh mình của 37 năm về trước
Chị Hoàng Thị Thu Hiền (bìa trái) nay đã 40 tuổi, nhìn lại hình ảnh mình của 37 năm về trước
Giữa tháng 2.1979, ông được TTXVN cử đi Cao Bằng và ngay đêm đầu tiên ngủ tại Huyện đội Hòa An, ông đã có những bức ảnh về cuộc chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược.
Ông Thường kể: “Rạng sáng 17.2.1979, đạn pháo dồn dập ở phía biên giới, anh em bộ đội thông báo vắn tắt tin chiến sự và nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu, phụ giúp người dân sơ tán. Tôi quyết định di chuyển về TX.Cao Bằng, bởi ở hướng đó chiến sự đang diễn ra ác liệt”. Ròng rã mấy ngày từ Hòa An về thị xã, ống kính của ông đã ghi lại nhiều tư liệu về việc sẵn sàng chiến đấu của quân và dân Cao Bằng và khoảnh khắc đáng nhớ nhất là hình ảnh những người lính đi trên đoàn xe chuyển quân, dừng lại cứu giúp mẹ con cô bé Hoàng Thị Thu Hiền lúc bấy giờ...
“Buổi sáng hôm ấy, tôi đi đến ngã ba và chứng kiến ngay cảnh những người lính lỉnh kỉnh ba lô, tăng võng, súng AK khoác trên vai, nhảy từ trên xe xuống, đưa bà mẹ máu chảy bê bết đang nằm ven đường cùng đứa con lên xe. Lúc ấy, bà mẹ có vẻ như đã chết, trong khi cô con gái rất nhỏ khóc khản đặc cả tiếng và cô bé chỉ nín khóc khi một nữ chiến sĩ ôm cháu vào lòng, bế lên thùng xe, cạnh bên bà mẹ và xe lại nổ máy chạy tiếp. Sự việc xảy ra quá nhanh, tôi chỉ kịp chụp tấm hình bởi cả đoàn xe và tôi phải nhanh chóng rời khỏi nơi ấy, không để thám báo Trung Quốc gọi pháo bắn tiêu diệt”, ông kể.
Sau khi đã lăn lộn khắp các trận địa ở Cao Bằng, những cuộn phim của ông Thường mới được gửi về Hà Nội in tráng và đăng trên nhiều báo trong nước. Tấm hình cô bộ đội bế bé Hoàng Thị Thu Hiền được đăng trên Báo Quân đội nhân dân với chú thích ngắn gọn: “Mẹ của em bé? Không phải. Mẹ của em bị quân Trung Quốc xâm lược giết hại tại ngã ba Khâu Đồn ngày 24.2.1979 và đây là cô bộ đội đã cứu em”.
Mong chờ hội ngộ
Tháng 2.2014, từ bức ảnh của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường, PV Thanh Niên đã lên Cao Bằng tìm lại các nhân vật và may mắn thay tìm thấy cô bé trong tấm ảnh, giờ đã là cán bộ của UBND xã Hưng Đạo (TP.Cao Bằng). Ngồi với chúng tôi, chị Hiền nghẹn giọng: “Mẹ tôi thoát chết, được bộ đội đưa ngay về Quân Y viện 91 - Thái Nguyên để cứu chữa. Năm 2012, mẹ tôi mất và trước khi mất, bà vẫn ao ước được gặp lại các cô chú bộ đội đã cứu hai mẹ con tôi những ngày giữa tháng 2.1979”.
Suốt 2 năm qua, chúng tôi và chị Hiền đã nhiều lần lặn lội khắp Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Ninh để tìm lại cô bộ đội năm xưa. Các cựu chiến binh chiến tranh biên giới cho biết: Cô bộ đội trong ảnh có thể là nữ chiến sĩ nhập ngũ tháng 3.1978, quê ở Hà Bắc và thuộc quân số của Sư đoàn 346, trực tiếp bảo vệ Cao Bằng tháng 2.1979...
37 năm đã trôi qua, nhiều chứng tích chiến tranh trên địa đầu biên giới phía bắc có thể không còn, nhưng nỗi đau hậu chiến thì còn đó, vẫn cháy đỏ như những bát hương ở hàng vạn gia đình ngày 17.2.
Những ngày này, trong căn nhà nhỏ tại xã Hưng Đạo (TP.Cao Bằng), Hoàng Thị Thu Hiền cũng thắp hương lên bàn thờ, vừa để tưởng nhớ những người thân đã mất trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, vừa cầu ước: “Sẽ tìm gặp lại được ân nhân đã cứu mạng hai mẹ con và nhất là cô bộ đội đã bế mình, 37 năm trước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.