TikToker đa tài kể chuyện lịch sử qua từng nét vẽ

21/04/2022 17:00 GMT+7

Mong muốn trao và lưu giữ giá trị truyền thống dân tộc, nữ TikToker với tài năng ‘cầm - kỳ - thi - họa’ đã truyền tải lịch sử qua hình thức vẽ kể chuyện thu hút người xem.

Với hơn 500.000 lượt theo dõi trên TikTok, mỗi câu chuyện mà Phạm Thị Thủy Tiên (32 tuổi, làm việc tại TP.HCM) kể không dừng lại ở giải trí mà còn có sức ảnh hưởng. Mỗi câu chữ, giai thoại lịch sử đều được cô cân nhắc kỹ trước khi đăng tải lên mạng xã hội.

Kể chuyện lịch sử qua nét vẽ

Công việc vẽ trang sức phong thủy trở thành chất xúc tác giúp Tiên đam mê tìm hiểu về văn hóa, lịch sử. Những quyển sách như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Nam sử lược… đều được cô nghiền ngẫm. Dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021 khiến Tiên kẹt lại ở quê, từ đó bắt đầu hành trình vẽ kể chuyện lịch sử chỉ với hộp màu nhỏ và vài cây bút.

Buổi sáng, Tiên làm việc tại công ty trang sức phong thủy

Thanh Dung

Chọn kênh TikTok vì thời điểm này còn khá mới mẻ và lấy lịch sử hay chuyện xưa làm chủ đề chính vì sự yêu thích, Tiên vừa vẽ, vừa lồng ghép câu chuyện của nhân vật trong tranh dựa theo sử sách. Những video đầu tiên kể về cuộc đời của vũ nữ Cẩm Nhung, giai nhân Ba Trà, Tư Nhị… nhanh chóng được người xem ủng hộ.

Tự thực hiện tất cả công đoạn từ lên ý tưởng, tìm hiểu và kiểm chứng lịch sử, dựng điện thoại vừa vẽ vừa quay, tối “trùm mền” ghi âm để tránh tạp âm và dựng thành video hoàn chỉnh, Tiên nhớ có những đêm thức đến gần sáng nhưng đổi lại, video thu về hàng triệu lượt xem khiến cô hạnh phúc.

“Tùy tranh có độ khó và nhân vật lịch sử có tư liệu nhiều để kiểm chứng hay không mà một video mất khoảng một buổi hoặc cả ngày. Với nhân vật, tôi dựa vào những bức tượng tạc từ xưa, hình ảnh còn sót lại và hình dung thêm nếu mặc trang phục theo từng thời kỳ sẽ có họa tiết, mão đội đầu và màu sắc ra sao để phù hợp nhất”, cô kể.

Tiên thường mở sách nói để nghe, câu chuyện nào hay sẽ ghi lại và tìm hiểu để tối về vẽ tranh. Đằng sau những câu chuyện được kể sẽ là bài học nhân sinh lồng ghép nhẹ nhàng, cũng là cách gợi nhớ ký ức tuổi thơ nếu là chuyện cổ tích hay học thêm được lịch sử nếu là nhân vật sử sách.

Bố làm thơ hay, mẹ có khiếu vẽ nên Tiên cũng thừa hưởng tài năng từ gia đình

THANH DUNG

“Kênh của tôi vẫn mang tính giải trí nhưng trong nó mang thêm giá trị truyền thống dân tộc. Kênh trao giá trị về những thứ hoài cổ, văn hóa lịch sử. Nó đi chậm chứ không bùng nổ như các xu hướng khác nhưng sẽ có chỗ đứng riêng”, Tiên chia sẻ.

Vượt lên giới hạn bản thân

Tiên mở rộng phát triển nội dung trên Facebook và Youtube, để giúp mọi người hiểu và biết thêm về sử sách nước nhà. Cô ưu tiên chủ đề về thân phận phụ nữ thời phong kiến, những câu chuyện hồng nhan bạc mệnh… Bên cạnh đó, nữ TikToker bắt “trend” bằng cách kết hợp chuyện xưa để nói ngày nay một cách tế nhị càng khiến các kênh của cô có chỗ đứng trong lòng người xem.

Một số ảnh chân dung nhân vật lịch sử mà Tiên đã thực hiện

THỦY TIÊN

“Tôi từng nhút nhát và sống khép kín, không thích giọng nói này nhưng nhờ TikTok, bản thân trân trọng hơn với điều mình có. Những mối quan hệ, lời động viên giúp tôi cởi mở và vượt lên giới hạn của bản thân”, cô tâm sự.

Đam mê hội họa từ nhỏ nhưng gia đình không cho phép, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành văn học, Tiên tìm đến với thư pháp để học bài bản. Tết đến, cô lại ra phố để cho chữ.

“Nét chữ trong thư pháp phải bình yên, thảnh thơi, người viết phải đặt tâm trí thì chữ mới có hồn. Rèn chữ là rèn tính nết. Nếu tranh thư pháp chỉ có chữ sẽ đơn điệu, thế là tôi trang trí thêm họa tiết hoa lá. Từ đó, tình yêu hội họa được rèn giũa nhiều hơn”, Tiên kể.

Vẽ kể chuyện lịch sử trở thành niềm yêu thích của Tiên

thanh dung

Hiện tại, Tiên vừa làm sản xuất nội dung cho một công ty, vẽ trang sức phong thủy, làm chủ các kênh mạng xã hội. Mọi thứ bổ trợ cho nhau: tìm hiểu họa tiết, hoa văn cổ để vẽ trang sức giúp phục trang trong tranh vẽ có thêm chi tiết phù hợp hay nhạy bén trong ý tưởng, biên tập nội dung.

Tuổi trẻ khó khăn giúp cô thích nghi nhanh với áp lực và cường độ công việc lớn. Những ngày ôn thi Đại học (ĐH), cô phải vừa kết cườm, thêu thùa, may vá phụ giúp công việc của mẹ, vừa ôn bài. Khi ra trường, Tiên làm bất động sản, thu âm sách nói với thu nhập 1 trang sách/1.000 đồng, làm biên tập viên sản xuất chương trình truyền hình, viết truyện thuê…

“Tôi trưởng thành, mạnh mẽ hơn sau những trải nghiệm này. Bản thân vẫn ấp ủ thực hiện dự án vẽ tranh cho những mảnh đời khó khăn vì muốn trao đi điều nhân văn, góp sức cho cuộc sống tích cực hơn. Tôi không mong hơn người, chỉ mong hơn chính mình hôm qua để có giá trị cho cộng đồng”, Tiên tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.