Tiêu thụ thịt thú rừng: Những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe con người

15/12/2022 19:00 GMT+7

Hơn 70% các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, hai phần ba trong số này từ động vật hoang dã (ĐVHD). Việc tiêu thụ thịt ĐVHD là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ phát sinh và lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người.

Tiêu thụ thịt thú rừng: Từ thực trạng đáng buồn tại Việt Nam...

Sử dụng ĐVHD làm thực phẩm gắn liền với lịch sử phát triển của con người. Ngày nay, nguồn thực phẩm của con người không còn phụ thuộc vào ĐVHD, thay vào đó, chúng lại trở thành món ăn xa xỉ phục vụ nhu cầu hưởng thụ của một bộ phận người dân.

Tê tê là loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, tê tê bị săn bắt với mục đích tiêu thụ trong nước và buôn bán quốc tế

Việt Nam, Lào và Campuchia là những quốc gia tiêu thụ thịt ĐVHD phổ biến. Các loài thú và chim hoang dã được bày bán nhiều ngoài chợ và tiêu thụ tại các nhà hàng. Theo nghiên cứu của Milica Sandaji và cộng sự, trung bình, có khoảng 4.000 tấn thịt ĐVHD được buôn bán bất hợp pháp qua thị trường Việt Nam hàng năm, trong đó khoảng 2.000 tấn phục vụ nhu cầu trong nước. 80% số này được đưa vào phục vụ tại các nhà hàng đặc sản thú rừng.

Đáng nói, nhu cầu tiêu thụ thịt ĐVHD gia tăng ở thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) và rơi vào nhóm người có thu nhập, địa vị, trình độ học vấn cao. Đây là tầng lớp những người có tài chính tốt, họ cho rằng thịt thú rừng giúp bồi bổ sức khỏe và đặc biệt là thể hiện đẳng cấp cá nhân.

Tiêu thụ thịt ĐVHD là một thực trạng đáng báo động, bởi đằng sau một món ăn khoái khẩu lại ẩn chứa rất nhiều tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ tới cá nhân mà tới toàn xã hội.

… đến những hệ lụy khôn lường về sức khỏe

Hiện nay, hầu hết người tiêu dùng không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải gánh chịu khi tiêu thụ thịt rừng. Theo thống kê trong 30 năm trở lại đây, khoảng 75% các bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật. Lịch sử cũng đã ghi nhận hàng loạt những đợt bùng dịch nghiêm trọng như hội chứng suy hô hấp cấp tính (SARS), hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), EBOLA, hay các trường hợp gần đây như Covid-19 và bệnh đậu mùa ở khỉ đều có nguồn gốc từ động vật và lây truyền từ động vật sang người.

Ẩn sau các món thịt rừng là mầm bệnh khó lường. Ảnh: WWF

Trao đổi với TS.BS.Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy về những nguyên nhân gây tăng khả năng bùng phát dịch bệnh, Bác sĩ cho biết yếu tố làm tăng nguy cơ bùng dịch gồm hai nhóm chính: Thứ nhất là sự đột biến của các mầm bệnh và thứ hai là sự phát triển của xã hội loài người gây ảnh hưởng tới khả năng đột biến của mầm bệnh và gia tăng khả năng lây lan của bệnh dịch.

“Trong tự nhiên các mầm bệnh ở động vật thường không gây bệnh cho con người, sự thay đổi khí hậu và môi trường sống của động vật mới chính là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh ở động vật đột biến và mang khả năng gây bệnh cho con người. Đại đa số các dịch bệnh mới xảy ra khi mầm bệnh của động vật có khả năng lây truyền cho con người.” - Bác sĩ Hùng chia sẻ. "Khi xã hội phát triển, môi trường tự nhiên cũng thay đổi nhanh chóng dưới sự can thiệp của con người. Điều này càng dễ tạo điều kiện đột biến cho các mầm bệnh. Bên cạnh đó, gia tăng dân số dẫn đến nhu cầu thực phẩm và nhu cầu mở rộng vùng sinh sống tăng theo. Điều này làm tăng tần suất tiếp xúc giữa con người với động vật, đặc biệt là ĐVHD, từ đó làm gia tăng khả năng lây lan của mầm bệnh từ động vật sang con người. Sau cùng, giao thương toàn cầu phát triển là điều kiện rất thuận lợi để mầm bệnh lan rộng và trở thành các đại dịch”.

Mỗi mắt xích trong quá trình tiếp xúc với ĐVHD đều có nguy cơ phát sinh và lây truyền các tác nhân gây bệnh. Để có món thịt rừng trên bàn ăn, con người phải trải qua một chuỗi các hoạt động như săn bắt, đánh bẫy, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, chế biến thịt ĐVHD. Những người tham gia trong chuỗi này đều có nguy cơ cao mắc bệnh trực tiếp.

Ngừng tiêu thụ thịt thú rừng: Vì tương lai của chính con người

Thực trạng tiêu thụ thịt ĐVHD buộc chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến mối liên quan mật thiết giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường sinh thái. Theo WWF, việc tiêu thụ thịt ĐVHD đã làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã trong tự nhiên, phá vỡ sự cân bằng của các hệ sinh thái, khiến cho dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều và nghiêm trọng, mùa màng thất bát, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững trong tương lai. Thế hệ mai sau sẽ là những “nạn nhân” trực tiếp khi thiên nhiên bị tàn phá, hệ sinh thái tự nhiên bị hủy hoại.

Chương trình họp báo phát động “Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của nhóm người tiêu dùng thành thị” ngày 21.10.2022.

Để giảm thiểu rủi ro sức khỏe cộng đồng và mất đa dạng sinh học, WWF đã triển khai “Chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng" tại 3 quốc gia gồm Việt Nam, Lào và Campuchia. Tại Việt Nam, từ cuối tháng 10.2022, WWF-Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (Vụ Hợp Tác Quốc Tế và Báo Nông Nghiệp Việt Nam) đồng thực hiện chiến dịch truyền thông nhằm kêu gọi và khuyến khích cộng đồng cùng hành động, chấm dứt vấn nạn ăn thịt ĐVHD. Nhiều tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp cũng đồng loạt chia sẻ các thông điệp truyền thông kêu gọi công chúng KHÔNG ĂN THỊT RỪNG, cùng xây dựng những tiêu chuẩn xã hội văn minh mới vì sức khỏe của chính chúng ta.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.