Tiêu thụ nghêu, sò nội địa Việt Nam gấp 5 lần xuất khẩu

06/04/2022 19:43 GMT+7

Quý I/2022, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của cả nước tăng 24%, đạt trên 30 triệu USD, trong đó riêng mặt hàng nghêu ước đạt gần 20 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Chiều 6.4, tại thành phố Nam Định, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Phát triển ngành hàng nhuyễn thể bền vững”.

Nhu cầu tiêu thụ nghêu, sò, ốc ở thị trường nội địa và xuất khẩu đều rất lớn, tiềm năng mở rộng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nghề nuôi trồng, xuất khẩu

quang thuần

Theo Tổng cục Thủy sản, các tỉnh sản xuất giống và nuôi nhuyễn thể như nghêu (ngao), sò huyết, ốc hương, trai ngọc, điệp, bào ngư, hàu tập trung nhiều ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, TP.HCM. Việt Nam hiện là cường quốc xuất khẩu nhuyễn thể sang 52 thị trường trên thế giới. Hiện nay cả nước có khoảng gần 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống nhuyễn thể, trong đó chủ yếu sản xuất giống nghêu.

Tống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản có vỏ năm qua, nghêu là sản phẩm chủ lực, chiếm 73% với gần 103 triệu USD, tăng 52% so với năm 2020. Sản phẩm xuất khẩu nhiều thứ 2 là ốc chiếm 10% với trên 14 triệu USD, tăng 3%. Tiếp đến là sản phẩm điệp, sò điệp chiếm 8% với 11,4 triệu USD, tăng 13%. Còn lại là các sản phẩm hàu, sò, hến, bào ngư và các loại hỗn hợp…

Tây Ban Nha là thị trường đơn lẻ lớn nhất đối với nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam (chiếm 18%), Ý và Mỹ đứng thứ 2 chiếm tỷ trọng tương đương 17% và Bồ Đào Nha chiếm 15%. Nhật Bản đứng thứ 5 (chiếm 8%). Thời gian gần đây xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng trưởng 2 con số. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh nhất (93%), tiếp đến là EU, Nhật Bản...

Năm 2021 có 20 địa phương trên cả nước có nghêu xuất khẩu, trong đó lớn nhất là tỉnh Thanh Hóa (chiếm trên 30%), tiếp đến là Bến Tre, Nam Định. Quý I/2022, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của cả nước tăng 24%, đạt trên 30 triệu USD, trong đó riêng nghêu ước đạt gần 20 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Trong đó xuất khẩu nhuyễn thể trong tháng 4.2022 dự kiến đạt trên 12 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh thị trường xuất khẩu, tiêu thụ nội địa cũng đóng góp vào sự phát triển của nghề nuôi nhuyễn thể. Trong tổng sản lượng nhuyễn thể nuôi tại Việt Nam khoảng 300.000 tấn thì tiêu thụ nội địa thông qua các kênh cảng cá, chợ truyền thống, siêu thị, nhà hàng…chiếm đến 250.000 tấn, gấp 5 lần sản lượng xuất khẩu.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Thị trường tiêu thụ nhuyễn thể xuất khẩu hiện vẫn còn tiềm năng rất lớn, rất thuận lợi để ngành thủy sản gia tăng kim ngạch. Để ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu nhuyễn thể phát triển bền vững, các Viện, trường, các nhà khoa học nhanh chóng phối hợp cùng các doanh nghiệp xây dựng mô hình chuẩn, kiểm soát dịch bệnh, chất lượng con giống, mật độ nuôi…để từ đó nhân rộng mô hình này cho các vùng nuôi khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.