Tiểu học ban trưa ở Sài Gòn ngay giờ ngáp trẹo quai hàm: 11 đến 14 giờ 45!

12/04/2020 13:17 GMT+7

Sài Gòn từng có thời kỳ học trò tiểu học phải đi học buổi trưa. Học vào cái giờ rất là ngáp trẹo quai hàm: 11 giờ đến 14 giờ 45!

Từ sau tết tới giờ, đi ngang Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (góc Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) không còn thấy cảnh cha mẹ lũ lượt đưa con đi học mỗi buổi sáng, đậu xe trước cổng trường, nhìn cho đến khi con bước qua khỏi cổng hay đút cho con từng muỗng cơm tấm ăn vội. Vắng đến nỗi nhìn vào phía cổng trường thấy như ngôi trường không còn nữa!
Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm hoành tráng đang nằm trên khu đất ngày xưa là một ngôi trường nhỏ - ngôi trường được xây dựng dã chiến để góp phần giải tỏa những lớp học buổi trưa vào năm 1965 - 1966. Sài Gòn ngày xưa đã từng có những lớp học buổi trưa sao?

Một thời đi học 3 ca

Trả lời câu hỏi này chúng ta cần phải đi ngược về thời kỳ gần 1 triệu đồng bào miền Bắc vào miền Nam sau Hiệp định Genève. Chưa có con số thống kê có bao nhiêu học sinh tiểu học di cư theo sự chọn lựa của cha mẹ nhưng cộng với số học sinh tiểu học toàn miền Nam vào niên khóa 1958 - 1959 có 738.299 học sinh.
Với 3 nguyên tắc Nhân bản, Giáo dục và Khai phóng được đại hội giáo dục quốc gia (lần thứ nhất - 1958) thông qua và theo quy định giáo dục tiểu học là cưỡng bách (bắt buộc) nên số học sinh tiểu học ngày càng tăng lên. Từ năm 1955 đã có luật quy định trẻ em phải đi học ít nhất ba năm tiểu học, các trường công lập đều hoàn toàn miễn phí, không thu học phí và các khoản lệ phí khác.
Tôi còn nhớ hình ảnh ông liên gia trưởng xóm tôi ở ngày xưa trong Chợ Lớn đi đến từng nhà có con đến tuổi đi học tiểu học, vận động, kêu gọi cha mẹ đưa con đến trường tiểu học nào họ thích (thường là gần nhà) ghi danh cho con của họ.
Nhiều gia đình nghèo, muốn cho con theo nghiệp buôn gánh bán bưng, nhanh kiếm tiền hơn nhưng cũng không thoát được khi ông liên gia trưởng hăm dọa “chính phủ bắt buộc nhe anh, chị”. Nghe nói tới chính phủ là dân sợ vãi cả linh hồn, tăm tắp tuân lệnh.
Chính sách này thì hay thật là hay, vô cùng nhân bản nhưng với ngân sách eo hẹp chi cho giáo dục mà số học sinh tiểu học ngày càng gia tăng nên đẻ ra tình trạng thiếu trường. Dù đã xây cất thêm trường mới, cơi thêm lầu nhưng trường vẫn thiếu. Bàn đủ lẽ, cơ quan hữu trách thấy có cách hay nhất để giải quyết tình trạng thiếu trường là cho học sinh học làm ba đợt sáng, trưa và chiều. Học sinh nào mà nhà ăn ở “vô phúc” thì sẽ được học vào cái giờ rất là ngáp trẹo quai hàm: 11 giờ đến 14 giờ 45.
Báo chí la quá cỡ. Tạp chí Bông Lúa (1958) đã đăng một bài viết của bác sĩ Thiện Ý phân tích về cái hại của việc cho học sinh học giờ buổi trưa như sau:
“Ta hãy thử bàn đến giờ ăn của các học sinh này. Các em vào học 11 giờ trưa, thì phải sửa soạn đi học từ 10 giờ rưỡi hay muộn thì cũng 10 giờ 45. Như vậy các em ăn cơm vào lúc nào? Trưa thì đang buổi học, tan học về ăn thì muộn quá rồi, và cũng nhỡ bữa... Ăn đã như vậy, thế còn nghỉ ngơi ra sao?
Lẽ dĩ nhiên đã thiếu cả giờ học thì nghỉ ngơi hay nói đúng hơn “ngủ trưa” là cả một sự phù phiếm. Nhưng than ôi! Cái phù phiếm này lại là một điều kiện cần phải có cho sức khỏe các em nhỏ đó, một điều kiện thiết yếu với tuổi các em, trong tuổi đang trưởng thành các em cần phải được nghỉ ngơi nhiều, ngủ mỗi ngày 9 tiếng trong đó phải kể tới 1 giờ ngủ trưa coi là cần thiết, để các em bù đắp lại sức lực đã mất vào buổi sáng...”.
Đến năm 1966, theo Tạp chí Thế Giới Tự Do: “Nhận thấy các lớp học buổi trưa không thích hợp cho cả các giáo viên lẫn học sinh bậc tiểu học, nhất là vào mùa nắng, nên Bộ Văn hóa - Giáo dục đã đề ra chương trình giải tỏa các lớp buổi trưa, để tránh cho các học sinh khỏi mất sức khỏe. Muốn giải tỏa các lớp buổi trưa, cần phải xây cất nhiều trường sở mới. Công cuộc xây cất các trường sở mới đã được khởi phát từ niên học 1965 - 1966 tại nhiều địa điểm trong đô thành Sài Gòn”.

“Công trình tình nguyện”

Và khu đất hiện nay có ngôi trường Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là địa điểm được xây dựng ngôi trường dã chiến để giải quyết lớp học ban trưa. Bây giờ trường to, đẹp vững chắc chứ ngày xưa nó chỉ có 12 phòng học, chia làm 3 dãy, tường gạch, sườn nhà bằng cây, lợp tôn trên diện tích 2.800 m2. Những ngày đó, tôi nhớ anh Khanh, một người chung xóm, là sinh viên trường công chánh.
Từ sáng sớm anh đã leo lên mobylette (một kiểu xe máy), chở theo mấy cây bay tráng xi măng, cuốc, xẻng. Không lẽ lúc này nhà thiếu thốn, anh phải đi làm thợ hồ? Nhưng cả nhà anh hãnh diện cho biết là anh đang đi xây trường tiểu học ở sở thú. Té ra, sau này tôi được biết chính sinh viên Trường đại học Sư phạm và Cao đẳng Công chánh đã làm công tác xây trường.
Một cây làm chẳng lên non/Toàn dân chung sức chẳng còn lớp trưa/Thiếu trường phải học lớp trưa/Vừa không tiến bộ, lại vừa ốm đau” là khẩu hiệu nêu quyết tâm giăng ngang khu “công trường” giải tỏa lớp học trưa của các chàng trai sinh viên sư phạm và công chánh hồi đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.