Tiêu chí nào để TP.HCM làm dự án BOT trên đường hiện hữu?

12/08/2023 10:07 GMT+7

Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP đề xuất danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM của Nghị quyết 98.

Tiêu chí nào để TP.HCM làm dự án BOT trên đường hiện hữu? - Ảnh 1.

TP.HCM đang dồn lực hoàn thiện mạng lưới giao thông với lợi thế là những cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98

T.N

5 tiêu chí

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế của thành phố. TP.HCM đã triển khai nhiều dự án phát triển giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có việc sử dụng các hợp đồng BOT như một phương thức cấp vốn và phát triển các dự án.

Dự án BOT có thể giải quyết được yêu cầu về vốn đầu tư trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế để thực hiện các dự án đầu tư công. Ngân sách thành phố hiện chỉ đáp ứng 28% nhu cầu đầu tư ngành giao thông. Vì vậy, nhu cầu thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BOT cho công trình giao thông đường bộ hiện hữu, phù hợp quy hoạch được duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao thật sự cấp thiết.

Tuy nhiên, để hạn chế việc đầu tư dàn trải ảnh hưởng đến chi phí xã hội của người dân và doanh nghiệp, Sở GTVT đã xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư theo hợp đồng BOT trên đường hiện hữu gồm 5 tiêu chí:

Tính chất và vai trò quan trọng của tuyến đường: Tuyến đường là trục cửa ngõ, kết nối vùng (kết nối trực tiếp đường vành đai, quốc lộ, cao tốc) và kết nối các đầu mối kinh tế lớn (cảng biển, đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, công trình đầu mối giao thông).

- Giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Cơ quan chuyên môn sẽ chọn các dự án mà hiện trạng giao thông có mức độ phục vụ (LOS) ở mức E, F nhưng sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, dự kiến có mức độ LOS cải thiện lên mức B, C.

- Đánh giá sơ bộ tính khả thi về phương án tài chính dự án.

- Khả năng huy động nguồn vốn đầu tư từ nhà đầu tư tham gia vào dự án BOT.

- Khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách tham gia dự án.

Tiêu chí nào để TP.HCM làm dự án BOT trên đường hiện hữu? - Ảnh 2.

QL13 đoạn Thủ Đức là một trong năm tuyến đường TP.HCM xin chính sách đặc thù làm BOT

NGỌC DƯƠNG

Ưu tiên 5 dự án, tổng vốn hơn 37.000 tỉ đồng

Trên cơ sở kết quả đánh giá dựa theo 5 tiêu chí nêu trên, Sở GTVT lựa chọn 5 dự án khơi thông các cửa ngõ với tổng vốn hơn 37.000 tỉ đồng được đề xuất ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2023 - 2030, được sắp xếp lần lượt gồm:

Mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6 km từ 4 lên 8 làn xe, tổng gần gần 12.900 tỉ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 tỉ đồng). Dự án được đề xuất ngân sách Nhà nước tham gia với tỉ lệ 50% (khoảng 6.438 tỉ đồng) và doanh nghiệp 50%.

Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3) dài 9,1 km mở rộng thêm gần 40m, kinh phí khoảng 3.609 tỉ đồng. Ngân sách TP.HCM tham gia đầu tư với tỉ lệ 67% để giải phóng mặt bằng 2.409 tỉ đồng, doanh nghiệp tham gia 33% xây lắp (1.200 tỉ đồng).

Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu) dài gần 5 km sẽ được mở rộng lên 53 - 60m với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 8.600 tỉ đồng). Sở GTVT TPHCM đề xuất bố trí ngân sách thực hiện với tỉ lệ 50% vốn đầu tư (khoảng 4.996 tỉ đồng) và doanh nghiệp 50%.

Trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) dài 7,5 km được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe, tổng vốn gần 4.500 tỉ đồng. Ngân sách thành phố tham gia thực hiện với tỉ lệ 70% (hơn 3.131 tỉ đồng) và doanh nghiệp tham gia 30% (hơn 1.342 tỉ đồng).

Cầu đường Bình Tiên (đi qua quận 6, 8 và huyện Bình Chánh) dài 3,2 km, mở rộng 30 - 40m, tổng vốn hơn 6.200 tỉ đồng. Dự án này được đề xuất ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ 54% (hơn 3.300 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng) và doanh nghiệp tham gia 46% (gần 2.900 tỉ đồng xây lắp).

5 dự án trên nếu được UBND TP thông qua sẽ trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp trong tháng 9 tới. Sở GTVT đề xuất UBDN TP xem xét, thông qua và trình HĐND TP ban hành danh mục dự án và bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công năm 2024 để thực hiện chuẩn bị đầu tư (dự kiến 5 tỉ đồng). Đồng thời, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi cho các dự án.

Trên cơ sở tiêu chí đánh giá lựa chọn dự án được cấp thẩm quyền thông qua, trong thời gian thực hiện Nghị quyết 98, Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP chấp thuận giao chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở ngành liên quan tiếp tục rà soát đề xuất danh mục dự án đầu tư. Đồng thời, tiếp nhận đề xuất dự án của các doanh nghiệp đảm bảo theo tiêu chí, để định kỳ 6 tháng tổng hợp báo cáo UBND TP xem xét, trình HĐND TP ban hành danh mục dự án để làm cơ sở thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.