Tiết lộ mới về ghế đại sứ Mỹ tại Moscow giữa tranh cãi dự luật 'dán nhãn' Nga

15/09/2022 10:11 GMT+7

Thông tin về người được chính quyền Tổng thống Biden lựa chọn xuất hiện cùng lúc các thượng nghị sĩ Mỹ trình dự luật liệt Nga vào danh sách "nhà nước bảo trợ khủng bố".

CNN ngày 14.9 tiết lộ chính quyền Tổng thống Joe Biden dự định đề cử nhà ngoại giao chuyên nghiệp Lynne Tracy làm đại sứ tiếp theo của Mỹ tại Nga. Thông tin này do 3 nguồn tin nắm rõ vấn đề này nói với đài CNN.

Bà Lynne Tracy

bộ ngoại giao mỹ

Bà Tracy hiện là đại sứ Mỹ tại Armenia, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ hiện cũng đang vướng vào xung đột quân sự với nước láng giềng. Bà biết nói tiếng Nga và từng là nhân vật số 2 tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow từ năm 2014 đến năm 2017. Trước khi nhận nhiệm vụ tại Armenia năm 2019, bà là cố vấn cấp cao về Nga tại Vụ Châu Âu và Á-Âu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nếu được đề cử và phê duyệt, bà sẽ là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vai trò đứng đầu phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Nga.

Theo CNN, chính quyền Biden hy vọng sẽ có thể nhanh chóng để bà thay thế vị trí của ông John Sullivan, người vừa kết thúc nhiệm kỳ tại Moscow hôm 4.9. Thời điểm bà được đề cử chính thức sẽ phụ thuộc vào việc Nga có chấp nhận bà làm đại sứ hay không, giữa lúc quan hệ hai nước đã xấu đi đáng kể vì xung đột ở Ukraine.

Thông thường, nước chủ nhà sẽ phải chấp thuận người được nước ngoài chọn làm đại sứ trước khi người này chính thức được đề cử, thông qua một quá trình được gọi là "agrément" (tạm hiểu là phê chuẩn đại diện ngoại giao). Hai nguồn tin cho biết Mỹ đã đề xuất bà Tracy với phía Nga để bắt đầu quá trình này.

Các quan chức Mỹ cho rằng Nga muốn duy trì quan hệ ngoại giao với Mỹ và có thể có động cơ để chấp nhận bà Tracy mà không làm chậm quá trình "agrément" nhằm đảm bảo đại sứ của họ tại Washington duy trì quyền tiếp cận.

Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận.

Trong khi đó, các thượng nghị sĩ lưỡng đảng tại Mỹ ngày 14.9 đã trình một dự luật qua đó sẽ xem Nga là "nhà nước bảo trợ khủng bố", hành động mà Ukraine thúc đẩy nhưng bị chính quyền Biden phản đối. Hiện chưa rõ dự luật có thể được đem ra biểu quyết không và nếu có thì khi nào.

Nga nói sẽ không tổng động viên bất chấp bước lùi ở Kharkiv

Theo Reuters, thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal, một trong những người bảo trợ dự luật, cho rằng việc này "đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết". Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói việc này sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ đối với Ukraine tới Kyiv và cả các đồng minh của Mỹ, đồng thời cho phép áp đặt các hình phạt cứng rắn đối với Nga như kiện nước này ra tòa án Mỹ. Hai nhà lập pháp đã thúc đẩy việc dán nhãn Nga "bảo trợ khủng bố" trong nhiều tháng qua, và từng đến Kyiv hồi tháng 7 để quảng bá ý định này.

Một số nhà lập pháp khác đã lên tiếng ủng hộ ông Blumenthal và ông Graham. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi từng cho rằng việc này đã "bị trì hoãn quá lâu".

Tổng thống Biden đã tuyên bố ông không có kế hoạch "dán nhãn" Nga như vậy. Các quan chức chính quyền nói rằng họ cảm thấy đây không phải là cách hiệu quả nhất để buộc Nga phải chịu trách nhiệm và việc này có thể cản trở nỗ lực cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine.

Trong một cuộc họp báo ngày 14.9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết chính quyền Biden đang thảo luận với giới lập pháp về các biện pháp "tương tự" những gì sẽ áp đặt lên nền kinh tế Nga trong trường hợp Washington tuyên bố Nga là "nhà nước bảo trợ khủng bố".

Moscow đã cảnh báo với Washington rằng quan hệ ngoại giao sẽ bị tổn hại nặng nề và thậm chí có thể bị cắt đứt nếu Nga được liệt vào danh sách đen của Mỹ, hiện bao gồm Iran, Triều Tiên, Cuba và Syria.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.