Tiết lộ chấn động về ông Trump và tình báo Liên Xô

Bảo Vinh
Bảo Vinh
03/02/2021 17:31 GMT+7

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là “mục tiêu hoàn hảo” do tình báo Liên Xô và Nga theo dõi và “chăm chút” trong hơn 4 thập niên.

Trong cuốn sách mới xuất bản American Kompromat (tạm dịch: Tài liệu gây hại Mỹ), nhà báo Mỹ Craig Unger kể về những mối quan hệ dích dắc giữa đế chế kinh doanh của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với người Nga, theo tờ The Guardian.
Cuốn sách dựa trên nội dung phỏng vấn với nhiều nguồn tin, gồm những người từng đào tẩu khỏi Liên Xô và cựu điệp viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Trong đó, ông Unger cho rằng mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Nga có liên quan trực tiếp đến nỗ lực chăm chút của Nga đối với ông trong nhiều năm.

Con mồi hấp dẫn

Theo lời kể của cựu thiếu tá tình báo thuộc Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) Yuri Shvets, ông Trump được xem là “con mồi hấp dẫn” vì có cá tính nhưng cũng cực kỳ dễ bị khai thác. “Ông ta rất dễ bị chi phối bởi những lời tâng bốc”, ông Shvets mô tả.
Ông Shvets cho biết ông Trump lọt vào tầm ngắm của Liên Xô vào năm 1977 khi cưới người vợ đầu là người mẫu Tiệp Khắc Ivana Zelnickova. Theo đó, ông Trump đã trở thành mục tiêu của chiến dịch gián điệp do lực lượng tình báo Tiệp Khắc đảm nhiệm, phối hợp với KGB.
KGB tiếp cận ông Trump vào năm 1980 khi ông khai trương dự án phát triển bất động sản lớn đầu tiên là khách sạn Grand Hyatt New York. Thời điểm đó, ông Trump mua 200 chiếc ti vi từ hãng điện máy Joy-Lud nằm trên Đại lộ 5 ở New York, công ty thuộc sở hữu của doanh nhân lưu vong từ Liên Xô Semyon Kislin.
Theo ông Shvets, Joy-Lud nằm dưới sự kiểm soát của KGB và ông Kislin thực tế là “chuyên gia săn đầu người” của KGB dù ông Kislin đã phủ nhận mối quan hệ này. Theo lời ông Shvets, ông Kislin thời đó xác định ông Trump là doanh nhân trẻ đang lên và là công cụ tiềm năng cho hoạt động tình báo.
Năm 1987, ông Trump và bà Ivana lần đầu đến thăm Moscow và St. Petersburg. Tại đây, ông Trump tiếp xúc với các đặc vụ của KGB nhưng không hề hay biết và “bị gieo” vào đầu ý tưởng về việc nên tham gia chính trị. “Họ đã nhập vai như thể họ cực kỳ ấn tượng bởi cá tính của ông ấy và tin rằng ông nên trở thành tổng thống Mỹ vào một ngày nào đó và chính người như ông ấy có thể thay đổi thế giới”, ông Shvets kể lại.

Ông Trump và bà Ivana tại quảng trường ở St. Petersburg vào năm 1987

Ảnh chụp màn hình Daily Mail

Chiến công của KGB

Sau chuyến đi, ông Trump quay về Mỹ và bắt đầu tìm hiểu về việc tranh cử dưới tư cách ứng cử viên của đảng Cộng hòa và có một cuộc vận động tại TP.Portsmouth, bang New Hampshire. Ngày 1.9.1987, ông chi tổng cộng gần 95.000 USD để đăng bài quảng cáo nguyên trang trên 3 tờ báo lớn gồm The New York Times, The Washington PostThe Boston Globe chỉ trích việc Mỹ lãng phí ngân sách trong hàng thập niên để bảo vệ các đồng minh nhưng không nhận lại được lợi ích đáng kể. Luận điểm này cũng được nhắc đi nhắc lại suốt nhiệm kỳ vừa qua của ông Trump.
“Vì sao những nước này không trả gì cho tính mạng người Mỹ và hàng tỉ đô la mà chúng ta đang mất đi để bảo vệ lợi ích của họ? Thế giới đang cười vào mặt giới chính trị gia Mỹ khi chúng ta bảo vệ những con tàu chúng ta không sở hữu, nhận những thùng dầu chúng ta không cần, đến với những đồng minh không cần sự giúp đỡ”, bài viết nêu.
Bài viết của ông Trump được coi là chiến công vang dội của tình báo Nga. “Điều đó chưa từng có tiền lệ. Nó giống như việc bạn tuyển dụng một sinh viên và rồi một ngày họ leo lên vị trí quan trọng”, ông Shvets nói.

Cựu điệp viên KGB Yuri Shvets

Ảnh chụp màn hình Gordonua.com

Nhà báo Unger mô tả ông Trump là tài sản giá trị của tình báo Nga, nhưng cho rằng vào thời điểm ban đầu, ông cũng chỉ được coi là một trong số rất nhiều mục tiêu. “Ông Trump là mục tiêu hoàn hảo theo nhiều cách: tính kiêu căng, sự ái kỷ khiến ông ta trở thành mục tiêu tự nhiên. Ông ta được săn sóc trong hơn 40 năm cho đến tận lúc đắc cử”, ông Unger cho biết.

Nghị sĩ bang Ohio đề xuất ngày vinh danh Tổng thống Trump

Các bên liên quan chưa bình luận gì về nội dung cuốn sách. Giới chức Mỹ từ lâu nghi ngờ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 giúp ông Trump đắc cử. Công tố viên đặc biệt Robert Mueller sau quá trình điều tra kết luận rằng Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử nhưng không đưa ra cáo buộc nào về quan hệ giữa đội ngũ thực hiện chiến dịch tranh cử của ông Trump với người Nga.
Mặc dù thái độ của ông Trump trong nhiệm kỳ đối với Nga bị nhiều người chỉ trích nhưng chính quyền của ông cũng đã có những hành động quyết liệt bậc nhất so với những người tiền nhiệm đối với Nga, như trục xuất các nhà ngoại giao, đóng cửa cơ quan ngoại giao, chấm dứt hiệp ước kiểm soát vũ khí, bán vũ khí cho Ukraine.
Ông Yuri Shvets là cựu thiếu tá của KGB, từng hoạt động tại Washington D.C dưới vỏ bọc là phóng viên của Hãng thông tấn TASS vào thập niên 1980. Năm 1993, ông chuyển đến Mỹ sinh sống và được nhập quốc tịch, hiện sống tại Virginia. Ông Shvets làm tư vấn cho các doanh nghiệp về các vấn đề an ninh và từng là đối tác của cựu điệp viên Liên Xô Alexander Litvinenko, người bị ám sát tại Anh vào năm 2006.

Trong khi đó, ông Craig Unger từng làm việc cho nhiều tờ báo lớn và là cựu tổng biên tập Boston Magazine. Ông từng xuất bản các cuốn sách viết về mối liên hệ giữa gia tộc cựu Tổng thống George W. Bush với gia tộc Saud của Ả Rập Xê Út hay về mối liên hệ giữa ông Trump và người Nga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.