Tiết học trên đỉnh núi ở Võ Nhai với giáo sư Ngô Bảo Châu

06/09/2016 17:05 GMT+7

Dự lễ khai giảng và khánh thành trường mới ở một ngôi trường nằm trên đỉnh núi huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, giáo sư Ngô Bảo Châu đã chuyển tải đến các em thông điệp về tình yêu thương.

1 + 1 lớn hơn 2
Khai giảng năm nay của cô trò Trường Tiểu học Lũng Luông, Võ Nhai, Thái Nguyên là một sự kiện đặc biệt. Ngày khai giảng cũng là ngày khánh thành trường mới, với sự tham dự của một thầy giáo đặc biệt: giáo sư Ngô Bảo Châu.
Tại lớp 1A, cùng với sự trợ giúp của cô giáo Hoàng Thị Thanh Hà, giáo sư Ngô Bảo Châu bắt đầu câu chuyện của mình với các em nhỏ (với sự quan sát của đông đảo phụ huynh, giáo viên và các nhà hảo tâm từ mọi miền đất nước kéo về) bằng bài học tập đếm. Sau đó ông đưa ra một bài toán đố 1 + 1 = (?).
Cũng chỉ một số em mạnh dạn đưa ra đáp số. Tuy nhiên, giáo sư Châu chỉ vào kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào (giảng viên Trường ĐH Xây dựng và là kiến trúc sư trưởng của Công ty kiến trúc 1 + 1 > 2), người thiết kế thiện nguyện ngôi trường mà các em đang học, rồi nói: “Thầy Châu dạy các em 1+ 1 = 2. Nhưng thầy Hào lại nói 1 + 1 lớn hơn 2. Vậy theo các em thầy Hào nói đúng hay thầy Châu nói đúng?”.
Đến đây, ngay cả kiến trúc sư Hào cũng chỉ biết mỉm cười thì giáo sư Ngô Bảo Châu bất ngờ dùng phấn vẽ hình trái tim bao phủ ngoài dấu cộng. Tất cả những ai chứng kiến “tiết học” đều ồ lên thích thú trước cách giải thích quá đơn giản mà lại rất dễ hiểu ấy.
Thực ra với thầy trò Trường Tiểu học Lũng Luông thì giáo sư Ngô Bảo Châu là “người nhà” từ hai năm nay. Hồi đó, trường mới được tách ra từ Trường Tiểu học Thượng Nung (trước đó chỉ là một điểm lẻ) với điều kiện cơ sở vật chất tạm bợ, phòng học là mấy cái lán gỗ dựng tạm bợ trên nền đất.
"Cõng tình thương" lên đỉnh núi xây trường
Giáo sư Ngô Bảo Châu (trái) và kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào (phải) tại tiết học đầu tiên sau lễ khai giảng ở Trường Tiểu học Lũng Luông Ảnh Quý Hiên
Theo ông Nịnh Văn Hào, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Võ Nhai thì Lũng Luông là trường học nằm trên đỉnh núi duy nhất của huyện. Vì thế, dù cách trung tâm huyện chỉ 40 km nhưng đường đến trường khá cheo leo, hiểm trở, ô tô không lên được đến nơi (gần đây mới có đường bê tông dẫn từ trung tâm xã lên đến cổng trường).
Vào những ngày mưa, do trên đường đến trường phải vượt qua hai con suối, các thầy cô phải lội bộ nhiều cây số trong tình trạng đường trơn trượt, nhiều đá lở. Người dân 100% là người Mông nên đời sống rất khó khăn, trẻ con không được chăm sóc đầy đủ. Trong điều kiện như vậy, các thầy cô của trường phải rất cố gắng để đưa hoạt động dạy học đi vào nề nếp.
Ban đầu, giáo sư Châu lên Lũng Luông theo các chương trình từ thiện thông thường. Về sau, nhờ tấm lòng thiện nguyện của bạn bè (quỹ Phượng Hoàng, Công ty Kiến trúc 1 + 1 >2…), quỹ Trò nghèo vùng cao mà giáo sư Ngô Bảo Châu là chủ tịch danh dự trở thành chủ đầu tư của dự án xây mới ngôi trường.
Nhờ có bàn tay của kiến trúc sư tài ba (kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào là chủ nhân của nhiều giải thưởng kiến trúc danh giá trong và ngoài nước), ngôi trường khi hoàn thiện trở nên một sản phẩm rất đặc biệt. Trường có đầy đủ phòng học, phòng chức năng, phòng đa năng, thư viện, bếp nấu, nhà nội trú, khu vệ sinh với những đường nét thiết kế đơn giản mà vẫn khá điệu đà, nội thất sử dụng nhiều vật liệu truyền thống như tre, gỗ, gạch mộc…, tạo nên một không gian hài hòa với cảnh quan núi rừng.
Đứng ở bất kỳ góc nào trong trường, học sinh cũng nhìn thấy rừng và các khe núi. Ông Nịnh Văn Hào nhận xét: “Tôi đã đến nhiều nơi trong tỉnh nhưng chưa thấy một ngôi trường nào đặc biệt thế này. Ngôi trường đẹp, kiến trúc lạ so với hệ thống trường học thông thường. Tôi nghĩ được học ở một không gian như thế này hẳn các em học sinh rất thích thú, từ đó tạo ra nhiều hứng khởi trong học tập”.
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Hà cũng chia sẻ, trước đây do trường học còn tạm bợ, nhà nhiều em ở xa mà trường lại không có điều kiện tổ chức dạy học bán trú  nên các em đi học rất thất thường. Từ 2 năm nay, nhờ sự hỗ trợ thiết thực của các tổ chức từ thiện mà các em chăm đến trường hơn. “Giờ có trường mới đẹp và tiện nghi thế này, giáo viên chúng tôi còn mong cho trời chóng sáng để đến ngắm trường nữa là các em!”, cô Hà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.