Tiếp tục đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện

23/09/2022 07:15 GMT+7

Theo dõi của PV Thanh Niên cho thấy, nhiều năm gần đây, năm nào cử tri của các địa phương cũng gửi tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT băn khoăn, kiến nghị liên quan dạy thêm, học thêm.

Đồng thời năm nào Bộ cũng hứa sẽ chấn chỉnh, sẽ có giải pháp ngăn chặn tình trạng dạy thêm học thêm.

Đầu năm nay, trả lời ý kiến của cử tri tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết thời gian tới Bộ GD-ĐT tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau đó, Bộ sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động này trong và ngoài nhà trường.

Trước đó, năm 2019 và 2020, Bộ GD-ĐT đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ KH-ĐT đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua nhưng bất thành. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thông tư quy định về dạy thêm không được quy định các điều kiện về hoạt động, nên không có căn cứ để cấp phép mới cho hoạt động này cũng như xử lý khi có sai phạm trong thời gian qua.

Bộ GD-ĐT đã nhiều lần kiến nghị đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

NGUYỄN LOAN

Ở góc độ đầu tư cho giáo dục, báo cáo nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng chỉ ra rằng, mức đầu tư cho giáo dục có xu hướng tăng đều trong từng năm của giai đoạn 2011 - 2020, trung bình đạt khoảng 17 - 18%, có năm gần 19%. So với Mỹ (13%), Indonesia (17,5%), Singapore (19,9%) và nhiều quốc gia khác, mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục của Việt Nam không thấp.

Tính theo tỷ lệ GDP, mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,9% GDP, chỉ kém Malaysia (5%), còn cao hơn các nước khác trong ASEAN gồm Campuchia (1,9%), Singapore (2,9%), Lào (3,3%). “Dù vậy, mức chi cho giáo dục chưa đạt 20% tổng chi ngân sách mà luật Giáo dục 2019 đã đề ra. Bên cạnh đó, con số phần trăm nghe thì cao, nhưng khi quy về số tuyệt đối thì thấp”, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh nói.

Việc phân bổ ngân sách nhà nước chi thường xuyên tại địa phương dựa trên dân số trong độ tuổi đến trường từ 1 - 18 tuổi và định mức phân bổ theo khu vực địa lý và phải đảm bảo tỷ lệ chi thường xuyên cho hoạt động chuyên môn là 18% và chi lương là 82%. Tuy nhiên, theo báo cáo, trong thực tiễn chỉ khoảng 50% địa phương bảo đảm tỷ lệ chi này cho hoạt động chuyên môn. Thậm chí, một số địa phương còn ở mức dưới 10% (Hà Giang 4%, Tuyên Quang 3%, Sơn La 9%, Hòa Bình 6%, Sóc Trăng 6%).

GS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, cho rằng với mức đầu tư như hiện nay mà giáo dục có kết quả như vậy đã là “rất tốt trong điều kiện nước nghèo như Việt Nam, học phí bậc ĐH thấp nhất thế giới”.

Ông Trung lấy dẫn chứng thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của Việt Nam là 2.785 USD, đứng thứ 6 ASEAN và hơn 100 của thế giới. Trong khi đó, Philippines là 3.193 USD, Thái Lan 7.900 USD và Malaysia 10.402 USD, gấp 2 - 3 lần thu nhập của người Việt Nam. Theo ông Trung, VN muốn GD-ĐT phát triển mạnh hơn nữa nhưng phải mạnh một cách khả thi. “Việc đặt mục tiêu 1 - 2 năm nữa bằng Singapore, tôi nói luôn là không làm được. Nói 15 - 20 năm nữa Việt Nam phấn đấu bằng Singapore bây giờ thì có thể”, ông Trung nói và cho rằng “phải “có thực mới vực được đạo”, nếu không các mục tiêu về giáo dục sẽ chỉ là ước mơ đẹp, rất đẹp mà thôi”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.