Tiếp tục đề nghị truy tố Phạm Công Danh và 45 đồng phạm tội 'cố ý làm trái'

Ngọc Lê
Ngọc Lê
27/04/2018 11:27 GMT+7

Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố Phạm Công Danh và 45 đồng phạm về tội cố ý làm trái xảy ra tại 4 ngân hàng, gây thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng

Sáng 27.4, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và 45 đồng phạm về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và VNCB.
Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: nguyên Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng phó phòng VNCB, VNCB các chi nhánh và nguyên các lãnh đạo 18 công ty sân sau của ông Danh.
Trước đó, trong quá trình điều tra vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái và vi phạm quy định cho vay, ngày 11.3.2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định tách vụ án hình sự nội dung liên quan đến sai phạm xảy ra tại 4 ngân hàng trên để tiến hành điều tra ở giai đoạn 2 vụ án.
Tháng 7.2017, Cơ quan CSĐT hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 46 bị can. Ngay sau đó, tháng 3.2018 Viện KSND Tối cao trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung để điều tra làm rõ hành vi các nghi can liên quan trong vụ án chưa khởi tố, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm.
Tại kết luận điều tra bổ sung lần này, CQĐT xác định kết quả điều tra bổ sung vụ án không phát sinh tình tiết mới nên CQĐT giữ nguyên quan điểm xử lý hành vi của 46 bị can trong vụ án như trước đây.
Theo kết luận điều tra bổ sung, tháng 9.2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank - tháng 5.2013 được đổi tên thành VNCB), ông Danh với vị trí là Chủ tịch HĐQT VNCB đã tuyển chọn và đưa người của mình vào tiếp quản và điều hành mọi hoạt động của ngân hàng.
Ông Danh chỉ đạo Hội đồng quản trị, ban điều hành và ban kiểm soát của VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện lập các hồ sơ khống vay vốn để rút tiền sử dụng mà không bận tâm đến việc VNCB đang bị NHNN đưa vào diện kiểm soát, mọi giao dịch trị giá 5 tỉ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát NHNN.
Theo kết luận điều tra bổ sung, ông Phạm Công Danh và đồng phạm thông đồng lấy tiền của VNCB gửi qua Sacombank làm tài sản bảo lãnh, nhằm mục đích trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng. Ông Danh vay được tiền nhờ Trầm Bê chỉ đạo tiếp nhận hồ sơ vay.
Ngoài ra, ông Danh và đồng phạm còn dùng tiền gửi của VNCB tại TPBank và BIDV bảo lãnh và trả nợ thay cho 23 công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn TPBank và BIDV gây thiệt hại 3.200 tỉ đồng.
Theo kết luận điều tra bổ sung, hành vi trên của ông Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỉ đồng, phạm tội cố ý làm trái.
Ở giai đoạn 1 của vụ án, ngày 24.1.2017, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh 30 năm tù về hai tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” vì đã gây thiệt hại cho VNCB trên 9.000 tỉ đồng.
Cũng với tội danh trên, 35 đồng phạm khác bị tuyên án từ 3 năm đến 22 năm tù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.