Tiếp sức mùa thi 'đúng, trúng, hay'

05/11/2021 08:03 GMT+7

20 năm, chương trình Tiếp sức mùa thi đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để làm sao tiếp cận được đông đảo học sinh nhất, theo hướng hiệu quả nhất.

Mỗi địa phương có những cách làm mới, sáng tạo trong Tiếp sức mùa thi, làm sao để phù hợp với tình hình thực tế và hỗ trợ được nhiều nhất cho thí sinh (TS).

Nhiều đội hình hỗ trợ thí sinh và phụ huynh mỗi mùa thi đến

Lê Thanh

Anh Lâm Văn Tân, Phó bí thư Thành đoàn TP.Cần Thơ, cho biết trước năm 2015, khi TS chưa thi kỳ thi THPT quốc gia, mỗi kỳ thi tuyển sinh ĐH thì TP đều đón khoảng 50.000 lượt TS và người nhà. Để hỗ trợ hiệu quả kỳ thi của học sinh, Thành đoàn thành lập các tiểu ban tiếp sức mùa thi, thiết kế các poster, thông tin tuyên truyền tới TS.

Những năm qua, đặc thù ở chương trình Tiếp sức mùa thi ở Cần Thơ có mô hình “Liên chi hội sinh viên vùng miền”, nhờ sức mạnh của công nghệ, nền tảng mạng xã hội, mô hình này cho phép kết nối sinh viên từ Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Hậu Giang… Từ đó, các sinh viên có thể hỗ trợ các TS từ công tác ôn luyện thi, chọn trường chọn ngành, tâm lý, sức khỏe mùa thi cho tới các hoạt động tiếp sức trong những ngày kỳ thi diễn ra.

Anh Nguyễn Quốc Huy, ủy viên BCH T.Ư Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận, cho biết trước năm 2020 về trước, học sinh từ đảo Phú Quý phải vào đất liền để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh CĐ, ĐH. Khi đó, đội hình tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi triển khai các mô hình như taxi miễn phí, vận chuyển TS miễn phí từ bến cảng vào địa điểm thi, tổ chức nấu những suất ăn miễn phí đầy đủ dinh dưỡng cho TS, động viên tinh thần TS thi tốt.

Năm nay có kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên mà TS ở trên đảo Phú Quý được thi ngay tại trường của mình ở trên đảo, đúng với tâm tư, nguyện vọng của các phụ huynh, TS. Do đó, lần đầu tiên Tỉnh đoàn Bình Thuận tổ chức tập huấn, hướng dẫn để đội hình 30 tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi tự tin làm nhiệm vụ trên đảo Phú Quý. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, đội tình nguyện viên hoạt động luân phiên, làm sao để hỗ trợ tốt nhất cho các TS ở ngoài đảo.

Anh Thái Minh Sỹ, Phó bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An, Chủ tịch Hội Sinh viên Nghệ An, chia sẻ mô hình “Gia sư áo xanh”, “Mỗi giảng viên, giáo viên trẻ, sinh viên hỗ trợ 1 TS” trong chương trình Tiếp sức mùa thi, hỗ trợ TS tối đa ở Nghệ An thời gian qua. Hay chương trình “Em tôi đi thi”, vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ TS có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Sỹ cho biết trong mùa dịch, học sinh phải ôn tập từ xa, cần hệ thống internet, máy tính, điện thoại, đội hình này cũng hỗ trợ các em, đặc biệt là các em con của đồng bào thiểu số, con em có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, trong mùa dịch, tại Nghệ An còn có đội hình hỗ trợ xe đưa đón TS diện F1, F2 nằm trong vùng cách ly đi thi…

Anh Ngô Trọng Nguyễn, Phó chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, đề xuất tăng cường những báo cáo viên, cán bộ Hội làm việc hiệu quả, chia sẻ câu chuyện hay để có thể lan tỏa kinh nghiệm thực tế của bản thân, chia sẻ kiến thức cho các bạn. Đồng thời theo anh Nguyễn, chuyển đổi số trong Tiếp sức mùa thi là tất yếu. Có thể lấy ví dụ từ việc trang bị kỹ năng số hóa cho tình nguyện viên, nhờ công nghệ, việc quản lý công việc, kiểm tra tiến độ công việc của tình nguyện viên dễ dàng, hiệu quả hơn…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.