Sách hay:

Tiếng máu khóc than từ trong lòng đất

Tuấn Duy
Tuấn Duy
28/10/2023 08:25 GMT+7

Qua Vầng trăng máu (Saigon Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ liên kết ấn hành) tác giả David Grann đã thêm lần nữa làm sống lại bi kịch của tham tàn và quyền lực.

Một bộ tộc bị tàn sát

Ra mắt từ năm 2017, Vầng trăng máu là tác phẩm phi hư cấu lấy bối cảnh thập niên 1920, xoay quanh một loạt cái chết bí ẩn trong khu định cư của người da đỏ Osage, thuộc bang Oklahoma, Mỹ. Gia đình Burkhart bản địa thuần chủng gồm mẹ, con rể và 3 chị em gái liên tục qua đời trong thời gian ngắn, bởi những nguyên nhân khác nhau, từ bị suy nhược, giết hại cho đến một vụ đánh bom.

Tiếng máu khóc than từ trong lòng đất  - Ảnh 1.

Sau những cái chết đầu tiên, Mollie - thành viên sót lại cuối cùng, giờ đây cùng chồng - Ernest, mong muốn tìm ra thủ phạm. Được thương nhân da trắng và cũng đồng thời là cậu của Ernest - W.K.Hale, giúp đỡ, thế nhưng mọi chuyện vẫn không khá hơn, khi nhiều cái chết tiếp tục xảy ra. Liệu ai đang đứng sau bi kịch lớn này, và hành trình tìm ra sự thật có khiến những vụ án mạng ngừng lại?

5 năm sau khi ra mắt, tác phẩm bỗng "hot" trở lại nhờ phim chuyển thể cùng tên của đạo diễn Martin Scorsese. Thế nhưng bộ phim chỉ là một góc nhìn nhỏ, có phần cục bộ tập trung vào nhà Burkhart, còn trên thực tế bi kịch đã từng xảy ra lớn hơn và nghiêm trọng hơn. Trong cuốn sách gốc, qua những tài liệu như hàng nghìn trang hồ sơ của FBI, bản chép tay nội dung phiên luận tội kín của bồi thẩm đoàn, nhật trình của các thám tử tư, hồ sơ ân xá, thư tín cá nhân… cũng như những buổi phỏng vấn trực tiếp các hậu duệ Osage, Grann đã viết nên tác phẩm hấp dẫn, mang tính toàn diện về những xung đột văn hóa trong lòng nước Mỹ.

Theo đó tác giả đã lướt qua lịch sử của người Osage, và gắn nó với quá trình đàn áp tàn bạo của thứ gọi là "văn minh". Vào năm 1870, bộ tộc Osage bị buộc rời khỏi lãnh thổ của mình bởi người da trắng và di cư tới vùng đất đầy sỏi và đá tưởng chừng như vô giá trị ở phía đông bắc Oklahoma. Sau vài thập niên, họ phát hiện nó chứa đầy vỉa dầu lớn nhất nước Mỹ. Với "nỗi ám ảnh về dầu" mà tác giả Daniel Yergin đã từng đề cập trong tác phẩm đoạt giải Pulitzer - Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực, người da trắng bắt đầu đổ dồn về đây, biến các mỏ dầu thành một bầu đoàn "thiên thần chết chóc trỗi dậy", như Grann so sánh.

Và đây cũng chính là khi tội ác bắt đầu. Chính nguồn lợi này đã biến Osage thành "nơi chứa đựng mọi sự phóng đãng và trụy lạc", với "bài bạc, rượu chè, gái gú, lừa lọc, trộm cắp, giết người" như trong báo cáo của quan chức chính phủ. Không dừng ở đó, người da trắng cũng bắt đầu thực hiện chính sách đàn áp, mà như Louis F.Burns - một nhà sử học Osage, viết "cả bộ tộc như thả trôi lênh đênh trong một thế giới kỳ lạ, chẳng còn gì thân thuộc để bấu víu hay giữ cho mình để không bị chìm trong thế giới phong lưu của người da trắng".

Tiếng máu khóc than từ trong lòng đất  - Ảnh 2.

Tác giả David Grann và tác phẩm Vầng trăng máu

The Wall Street Journal và Saigon Books

Tham tàn ẩn sau bộ máy

Trong phim chuyển thể, Scorsese dường như "ngó lơ" chính sách sai lầm của chính phủ đương thời với người da đỏ bản địa. Bộ phim đã không tái hiện quá trình chuyển từ ngăn chặn sang ép buộc và rồi đồng hóa gắt gao bộ lạc Osage theo hướng "văn minh", biến thổ dân thành con chiên đi nhà thờ, nói tiếng Anh và ăn mặc "đủ vải". 2 chính sách lớn dẫn đến bi kịch là phân lô đất - khiến bất động sản có thể chuyển nhượng, tự do mua bán; và bị quản lý tài sản chỉ vì quan điểm nhiều người Osage không biết chi tiêu, cũng bị lược bớt. Trong khi chính vì chịu sự bảo hộ của người da trắng mà bộ tộc có thu nhập cao nhất tính trên đầu người bị bòn rút dần và chết dần mòn.

Được lấy cảm hứng từ chuỗi những vụ án mạng và cũng đồng thời là một tác giả nổi tiếng trong mảng viết về tội phạm, nên Grann biết cách sắp xếp dữ kiện sao cho vẫn luôn hấp dẫn đến trang cuối cùng. Theo đó cuốn sách đã được sắp xếp một cách logic, hàm chứa cả sự hồi hộp, gay cấn, dẫn đến mạch phim của Scorsese gần như trung thành với tình tiết gốc. Trình bày lần lượt diễn biến, cuốn sách đạt đỉnh tại phiên điều trần và quá trình nhận tội của W.K.Hale, người chịu trách nhiệm cho những cái chết của nhà Burkhart.

Tuy thế Grann không ngừng lại, bởi ông biết rằng hơn 150 cái chết trong thời "khủng hoảng" không chỉ gây ra bởi Hale - người như đại diện cho những thương nhân da trắng bạo tàn, mà còn chìm khuất trong một hệ thống ẩn đằng sau đó, với sự hậu thuẫn về mặt pháp chế và các định kiến về mặt sắc tộc. Trong những cuộc phỏng vấn về sau với con cháu còn lại của người Osage bản địa, ông đã tìm kiếm thêm những cái tên và những sự kiện, để khẳng định đây là âm mưu chung của cả mạng lưới những người da trắng có tổ chức, móc nối, quy củ và không mang tính cá nhân.

Điều này gần như đã bị bỏ qua ở phim chuyển thể, dù cũng dễ hiểu khi tác phẩm ấy chỉ tập trung vào gia đình Burkhart. Trên thực tế sự tham tàn cũng như tư duy thượng đẳng mới chính là thứ gây ra bi kịch. Grann đã khắc họa điều đó trong phiên điều trần, nhưng không phải từ việc nhận tội của Ernest như Scorsese miêu tả, mà là trạng thái khó khăn của các bồi thẩm đoàn gồm 12 người da trắng khi phải quyết định liệu một người da trắng giết người Osage "có được coi là giết người không, hay chỉ là tàn nhẫn đối với súc vật".

Một nhánh khác nữa cũng được Grann tập trung khai thác là sự ra đời của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Ông đã đi từ hiện trạng lực lượng cảnh sát có quyền hành pháp vô cùng hạn chế, đến tính quan liêu và nỗ lực thay đổi hình tượng của tổ chức này, qua cuộc điều tra về vụ thảm sát Osage. Điều này thêm một lần nữa càng nhấn mạnh thêm sự vô tâm của chính quyền đương thời với vấn đề của các sắc dân bản địa, từ đó phản ánh tình trạng bị gạt ra rìa của những người này trước ưu thế "văn minh".

Như Grann đã viết ở phần cuối sách, sau gần một thế kỷ trôi qua, bi kịch của người Osage đang dần bị lãng quên. Với phim chuyển thể và tác phẩm gốc đã được chấp bút một cách chi tiết và đầy sắc bén, có thể tin rằng "trang sử đẫm máu nhất trong lịch sử tội phạm nước Mỹ" sẽ luôn còn được nhớ đến, từ đó mang đến bài học về cách đối xử nhân văn, nhân đạo cho các sắc dân bản địa trong ngày hiện tại. 

David Grann sinh năm 1967, là nhà báo và tác giả viết sách người Mỹ. Ông hiện cộng tác với tờ The New Yorker, và là tác giả của nhiều cuốn sách phi hư cấu bán chạy, trong đó có nhiều tác phẩm đã và đang được chuyển thể thành phim, như The Lost City of Z (Thành phố vàng đã mất), The White Darkness. Sau Vầng trăng máu, Martin Scorsese cũng đang cân nhắc chuyển thể tác phẩm mới nhất của Grann về bi kịch sinh tử của một hạm đội hải quân Anh trên hòn đảo hoang vắng thành phim.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.