Tiếng khóc diệu kỳ: Giữa lằn ranh sinh tử

Lê Vân
Lê Vân
04/01/2023 06:59 GMT+7

Như người mẹ thứ hai của trẻ sinh non (còn gọi là trẻ Kangaroo), các y bác sĩ luôn tất bật đêm ngày. Tất cả vì những bé con trong lồng ấp hoặc trên ngực mẹ theo phương pháp Kangaroo đang chiến đấu để giành sự sống.

Các con chỉ dựa vào mình thôi…

Những ngày cuối tháng 11.2022, chúng tôi chứng kiến cảnh tất bật của các nhân viên y tế tại khu điều trị, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP.HCM). Ở đây có 12 phòng gồm hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu và chăm sóc trước xuất viện. Mỗi nhân viên trong ca trực phải chăm sóc trên dưới 20 bé sơ sinh mang nhiều bệnh lý do non tháng. Cả 12 phòng bệnh không có giường mà chỉ có những chiếc lồng ấp được sắp xếp sát các vách ngăn. Bên trong lồng ấp là những bệnh nhi bé xíu, có bé chỉ nặng khoảng 600 gr. Bé nào cũng đeo trên mình nhiều dây truyền, thở ô xy bên cạnh những chiếc máy đo sinh hiệu liên tục kêu tít tít.

NHS Hồ Ngọc Dung ở khu điều trị hồi sức tích cực bé sinh non có bệnh lý

Nữ hộ sinh (NHS) Hồ Ngọc Dung trực phòng số 12, người có 15 năm làm việc tại đây. Tua trực của chị Dung thường kéo dài 8 giờ. Mỗi ngày Khoa Sơ sinh có 3 ca trực chia đều 24 giờ. Tuy vậy, khi vào ca, họ muốn thay phiên nhau chợp mắt cũng rất khó chứ chưa nói tới việc được ăn đúng bữa.

Chị Dung chia sẻ: “Thường xuyên không ăn trưa, vì làm không kịp, quay qua thấy con yếu, con tím là đâu có đi được. Các con vô đây mình như mẹ, con chỉ dựa vào mình thôi, lơ đễnh chút là con tím ngắt, không thở được. Có khi đang chăm con ăn, thay tã thì thấy con tím tím phải đưa con đi bác sĩ (BS) cấp cứu. Gặp nhau là hỏi “Con em hôm nay sao rồi? Sao con em tới nay chưa ra được vậy, phải trình BS xem lại”. Bé nào đang chưa tốt mà ngày sau ổn hơn tự nhiên thấy vui, có khi quên ăn vì cứ đi qua đi lại ngắm con thôi”.

Với các NHS và điều dưỡng ở khu lồng ấp, họ sợ nhất là khi gặp em bé bị ngưng tim, ngưng thở. “Dù đã làm rất nhiều cho con mà bất lực, không cứu được con. Buồn lắm, cứ tự hỏi mình đã làm không tốt điều gì, mình bỏ sót gì mà tình trạng của con lại xấu đi như thế?”, NHS Ngọc Dung nói.

Đêm trực trước của chị Dung, có một ca bé chuyển nặng. Các BS tư vấn cha mẹ chuyển con sang BV nhi, nhưng khi sắp chuyển đi thì bé tím tái và không qua khỏi. “Cả đêm trực ai cũng buồn, tự bảo nếu đi kịp thì con có cơ hội rồi”, chị Dung tiếc nuối.

Ở khu lồng ấp này, nhân viên y tế phải lưu tâm về việc các em bé dễ nhiễm trùng, suy hô hấp. Nên xung quanh đâu cũng là cồn, họ sát trùng liên tục trước khi thăm khám cho các bé. “Da tay khô nứt nẻ, chai cứng hơn mấy ông chồng ở nhà. Tuy vậy, phải ráng vì con sinh non nhiều nguy cơ. Cực nhưng mình chỉ mong BV sẽ có nhiều thiết bị lồng ấp hơn. Hiện nay quá tải, một lồng đang phải cho nằm 2 - 3 bé, nếu đủ thì mỗi lồng một bé thôi sẽ giảm nhiễm trùng. Hay máy SPO2, nếu bé nào cũng có, NHS chỉ việc bắt sẵn máy, bé tái là máy báo. Giờ không đủ nên cứ phải đi vòng vòng, đêm trực đi miết mà sáng ra ca không bước đi nổi luôn”, chị Dung bộc bạch.

NHS Trần Thị Thu Hiền chăm sóc 1 bé trong lồng ấp

Trong một phòng lồng ấp ở khu điều trị, chị Hà Thị Thọ (37 tuổi, quê Tiền Giang) đang ấp Kangaroo bé gái đầu lòng. Chị Thọ sinh khi có thai mới 27 tuần, vì bị tiền sản giật phải cấp cứu cả mẹ lẫn con. Lúc chào đời, bé gái chỉ nặng 850 gr. Suốt 2 tháng chị Thọ nằm viện chăm con ở Khoa Sơ sinh, tình trạng của bé lúc ổn, lúc lại trở nặng. Chị lo lắng: “Hôm bữa ổn, nay con lại viêm phổi, bé thở gấp, còn mệt lắm, nên phải vào phòng chăm sóc đặc biệt. Hằng ngày, sáng từ 7 - 8 giờ 30, chiều 1 - 4 giờ, tôi vào ấp con… Thời gian còn lại đều nhờ vào các cô ở đây hết”.

NHS Nguyễn Thị Diễm My (33 tuổi, Khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ) là người hướng dẫn các gia đình nuôi con theo phương pháp Kangaroo. Chị chia sẻ: “Khi mình tiếp xúc với cha mẹ mới lên nhận con, bé non tháng có khi chỉ nặng 500 gr, 800 gr, 1 kg… họ bỡ ngỡ không dám đụng vào con, kể cả nắm tay con cũng run, nên mình phải hướng dẫn họ từ từ. Xúc động nhất là gặp ba mẹ nào nhìn thấy con cũng nước mắt trào ra, làm mình nghẹn lòng theo. Có khi mẹ không biết làm gì từ mặc áo, tã cho con vì con bé quá. Do đó, BV dành mỗi buổi chiều dạy cho ba mẹ cách chăm sóc con, phát hiện con tím tái do suy hô hấp hay cho ăn qua ống xông…”.

Từ bỡ ngỡ, sợ sệt ban đầu, những ông bố, bà mẹ ở các phòng Kangaroo của BV Từ Dũ bây giờ đã thuần thục hơn với các thao tác chăm con, ấp con nhờ sự hướng dẫn tận tình của NHS, điều dưỡng tại khoa.

Điều dưỡng Diễm My hướng dẫn cha mẹ cách chăm trẻ Kangaroo

Ngọc Dương

Chạy đua với “1 giờ vàng”

BS CKII Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa Sơ sinh, đang thăm khám ca bệnh nhi nặng ở khu điều trị. Bé sinh non ở tuần 30, nặng 1,4 kg, suy hô hấp phải thở NCPAP (thở ô xy áp lực dương liên tục qua mũi). Đã nửa tháng nay, bé bị cách ly mẹ vì mẹ bị sốt xuất huyết nặng, phải điều trị ở BV Bệnh nhiệt đới.

BS Từ Anh vừa khám vừa nói: “Bạn này còn phải thở ô xy lâu quá, chưa ngưng được nên phải xem lại phổi cho con. Có mẹ vô ấp là khỏe nhanh rồi”.

Thường xuyên không ăn trưa, vì làm không kịp, quay qua thấy con yếu, con tím là đâu có đi được. Các con vô đây mình như mẹ, con chỉ dựa vào mình thôi, lơ đễnh chút là con tím ngắt, không thở được…

NHS Hồ Ngọc Dung
BV Từ Dũ

Khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ có 21 BS và 127 NHS, điều dưỡng. Tổng số bệnh nhân tại khoa luôn trên 200 người, trong đó có khoảng 170 ca sinh non. Điều đặc biệt là dù gặp nhiều áp lực nhưng chưa có nhân viên nào vì thế mà nghỉ việc hoặc rời đi nơi khác. “Có lẽ tình thương với các bé quá lớn nên ai cũng ráng thêm chút”, BS Từ Anh bộc bạch.

Ở khu hồi sức tích cực, BS Nguyễn Đỗ Thanh Thảo với 7 năm công tác tại đây đang chạy đôn đáo hết coi bé này lại thăm khám bé khác. Phòng 12 là nơi có những bé suy hô hấp nặng. Chị Thảo giãi bày: “Áp lực là lúc nào cũng phải chạy trước, vì nếu đợi em bé nặng mới xử trí thì tiên lượng sẽ xấu đi. Ở đây, chúng tôi có nguyên tắc chạy đua với 1 giờ vàng. Bởi trong 1 giờ kể từ lúc em bé được sinh ra, bé phải được thở máy, bơm surfactant hỗ trợ phổi, dịch truyền, chích ven… Nếu làm kịp, các bé sẽ có tỷ lệ được cứu cao hơn khi sinh non dưới 30 tuần tuổi”.

Do việc hồi sức cần phải tranh thủ tích cực, nên lúc nào các BS ở đây cũng phải tất bật. Có người nhà do hoàn cảnh không muốn giữ em bé thì phải thuyết phục lâu khiến thời gian cứu bé càng co lại. BS luôn trong tư thế sẵn sàng, dù chưa hoàn thành thủ tục hành chính cũng phải chuẩn bị cấp cứu ngay khi được người nhà đồng ý can thiệp.

“Thời gian đầu phải nói là mình khóc nhiều, quá thương các bạn nhỏ, không biết nghịch cảnh hay sao mà bạn nào càng non tháng, nguy cơ cao thì mẹ càng hiếm con. Gần như mỗi ngày đều phải khóc khi chứng kiến cả những hy vọng và thất vọng của người nhà. Nhưng động lực của tụi mình là thấy các con khỏe lên mỗi ngày và được xuất viện. Mình không cứu được 100% nhưng cứu được bé nào là vui, có thêm hy vọng làm tiếp”, BS Thảo tâm tình.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.