Tiền rẻ vẫn chảy ì ạch

Thanh Xuân
Thanh Xuân
13/01/2024 07:25 GMT+7

Lãi suất cho vay hiện nay đã thấp nhất trong 20 năm qua, nhưng nguồn tiền vẫn khó chảy ra thị trường, nhất là cho vay tiêu dùng.

Lãi suất cho vay tiêu dùng xuống thấp

Ngay từ đầu năm, các ngân hàng (NH) đã tăng tốc đẩy các chương trình để tăng trưởng tín dụng, cụ thể là giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. NH TMCP Bản Việt (BVBank) vừa tung ra gói cho vay mua, sửa chữa nhà đất, tiêu dùng cá nhân, bổ sung vốn cho sản xuất kinh doanh… với lãi suất từ 5%/năm. Đồng thời biên độ điều chỉnh lãi suất cho vay giữa mức lãi suất cố định và thả nổi giảm chỉ còn 2%/năm. ShinhanBank giảm lãi suất cho vay nhà ở từ 0,3 - 0,7%/năm so với quý 4/2023. Khách hàng vay có thể lựa chọn vay lãi suất còn 6,8%/năm cố định trong 12 tháng đầu, hay 7,4%/năm cố định trong 24 tháng đầu, hay 8%/năm cố định trong 36 tháng…

Vietcombank giảm lãi suất  tiết kiệm xuống còn 1,7%/năm Ảnh: NGỌC THẮNG

Vietcombank giảm lãi suất tiết kiệm xuống còn 1,7%/năm

NGỌC THẮNG

Nhóm NH có vốn nhà nước cũng đã giảm lãi suất cho vay từ 1 - 1,5% so với cuối năm ngoái. Lãi suất cho vay của BIDV hiện xuống quanh 6,5%/năm; VietinBank ở mức 6,4%/năm; Vietcombank còn 6,7%/năm cố định trong 18 tháng vay đầu tiên, còn nếu cố định trong 2 năm là 6,8%/năm; Agribank còn 7%/năm ưu đãi từ 12 - 24 tháng... Hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay sẽ thả nổi được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 3,5%.

Mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà, tiêu dùng trên thị trường hiện nay nhỉnh hơn lãi huy động của các nhà băng từ 1 - 2%/năm. Lãi suất cho vay mua nhà dao động 5 - 10,5%/năm và đang được xem là mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Lãnh đạo một số nhà băng thừa nhận nhiều gói lãi suất cho vay ưu đãi những tháng đầu gần như huề vốn so với huy động vào. Dù vậy, việc giải ngân vẫn không hề dễ dàng do nhu cầu vay mua bất động sản chưa được nhiều.

Theo Hiệp hội NH, NH Nhà nước đã giao chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm cho các NH để các nhà băng chủ động trong việc cấp tín dụng ra nền kinh tế. Thế nhưng tăng trưởng tín dụng có đạt được hay không còn phụ thuộc vào sức hấp thụ vốn của cả nền kinh tế. Riêng đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, lãi suất hiện nay đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay nhưng NH và công ty tài chính đều sẽ cân nhắc cho vay trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Tín dụng cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 21,2% trên tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, vào khoảng 2,5 triệu tỉ đồng. Trong năm 2023, tăng trưởng cho vay tiêu dùng ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm.

Cần có giải pháp cho nguồn vốn huy động trung và dài hạn của các NH thì mới giải quyết được vấn đề này.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu

Cung - cầu vay tiêu dùng chưa gặp nhau

Chẳng mấy khi mà lãi suất thấp như hiện nay nhưng thanh khoản thị trường thậm chí còn thấp hơn. Kinh tế khó khăn không có nguồn trả; lo ngại lãi vay bị điều chỉnh; lo ngại thị trường bất động sản vẫn chìm trong băng giá... khiến người mua nhà chùn tay.

Anh Nguyễn Trung (Q.2, TP.HCM) đang có nhu cầu kiếm nhà gần công ty để thuận tiện cho công việc. Nghe thông tin giá bất động sản giảm nên anh cũng tận dụng cơ hội đi tìm kiếm khắp nơi. Nhưng sau 2 tháng, anh Trung nhận xét thời điểm này có nhiều lựa chọn khi thanh khoản thị trường không cao. Tuy nhiên giá nhà đất một số khu vực vẫn không giảm bao nhiêu. 

"Vừa rồi, gia đình có chọn được một căn nhà trên địa bàn Q.10, trị giá hơn 12 tỉ đồng. Nếu mua căn nhà này thì phải vay thêm NH hơn 2 tỉ đồng mới đủ. Qua tư vấn của nhân viên NH, nếu tính lãi suất vay ưu đãi khoảng 7%/năm trong thời gian đầu thì những tháng đầu đóng tiền gần 50 triệu đồng cả gốc và lãi. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ được tính theo lãi suất cơ sở cộng với biên độ từ 3 - 5%. 

Đây là điều tôi lo lắng nhất bởi vào cuối năm 2022, đầu năm 2023, lãi suất huy động của các nhà băng tăng vọt kéo theo lãi vay cũng lên 15 - 16%/năm. Nhiều khách hàng điêu đứng vì không trả nổi lãi. Lãi suất ưu đãi mà NH dành cho khách chỉ vài tháng lên đến 1 - 2 năm là nhiều, sau đó thả nổi thì người vay không thể tính được những năm sau đó sẽ như thế nào, đặc biệt những khoản vay mua nhà có thời hạn kéo dài 10 - 25 năm", anh Trung giãi bày.

Đây cũng là tâm trạng của rất nhiều người. Muốn vay nhưng sợ.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng đây là vấn đề của thị trường VN. NH cho vay 10, 20, 30 năm nhưng lãi suất chỉ ưu đãi vài tháng đầu tiên, sau đó thả nổi và nguy cơ lãi vay vọt lên trong giai đoạn sau đó là rất lớn, thậm chí có khi gấp đôi. Lúc này, người vay phải trả lãi khá cao, việc trả nợ vay thành gánh nặng cho cuộc sống. Ở Mỹ, người mua nhà có thể trả một mức lãi suất cố định cho 30 năm và thậm chí còn lâu hơn. "Cần có giải pháp cho nguồn vốn huy động trung và dài hạn của các NH thì mới giải quyết được vấn đề này", ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH, cho rằng NH thừa vốn, room tín dụng dồi dào nhưng cho vay tiêu dùng năm nay sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là nhu cầu vay không có. Trước đây, thị trường bất động sản thanh khoản tốt, nhiều người mua bán nhanh kiếm lời. Trường hợp chưa bán, có thể cho thuê. Thế nhưng tình hình hiện nay hoàn toàn thay đổi, thanh khoản thị trường bất động sản thấp, cho thuê nhà thì khó khăn, giá giảm… dẫn đến giao dịch bất động sản thấp thì nhu cầu vay cũng đi xuống. 

"Hiện nay NH đã giảm lãi suất xuống rồi thì các công ty bất động sản cũng nên tính toán sao cho giá thành nhà đất hợp lý hơn. Thêm vào đó, muốn kích thích vay tiêu dùng thì người dân phải có thu nhập, trong khi hiện nay tâm lý người dân không những trong nước mà cả thế giới đang tiết kiệm chi tiêu. Một nguyên nhân khác đó là tỷ lệ nợ xấu tăng cao, lên 4%, nên NH cũng như công ty tài chính cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định cho vay. Người cho vay cũng sẽ xem nguồn tiền trả nợ của khách hàng như thế nào mới cho vay, chứ không sợ nợ xấu gia tăng. Việc thu hồi nợ của các NH gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng rủ nhau "bùng nợ" trong cho vay tiêu dùng cũng khiến NH chùn tay trong cho vay", ông Hùng nêu thực trạng.

Vốn rẻ vẫn ế là vì những lý do như vậy.

Lãi suất tiết kiệm xuống thấp

Các NH tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm trong những ngày đầu tháng 1, xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Ngày 12.1, NH TMCP Ngoại thương (VCB) giảm lãi suất huy động thêm 0,1 - 0,2% so với trước đó, xuống mức thấp nhất trên thị trường, ở mức 1,7%/năm. Kỳ hạn 1 - 2 tháng, lãi suất tiền gửi của nhà băng này giảm từ 1,9%/năm xuống còn 1,7%/năm; kỳ hạn 3 tháng cũng giảm 0,2% xuống 2%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng giảm từ 3,2%/năm xuống 3%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 4,7%. 

Tương tự, NH TMCP Việt Á (Viet A Bank) cũng vừa giảm lãi suất từ 1 - 5 tháng còn 4,2%/năm, kỳ hạn 6 - 11 tháng là 5,2%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 5,5%/năm. Trong 2 tuần trở lại đây, hơn 10 NH giảm lãi suất huy động và mức 6%/năm gần như khá hiếm hoi. Dù mặt bằng lãi suất tiết kiệm đi xuống đáy nhưng lượng tiền gửi tiết kiệm vẫn đổ vào các nhà băng. Theo NHNN, lượng tiền gửi vào hệ thống NH trong năm 2023 đạt mức cao nhất từ trước tới nay với hơn 13,5 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2023, tăng 14% so với năm 2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.