Tiền Chính phủ hỗ trợ đến tay người dân

01/05/2020 05:49 GMT+7

Ngay trong dịp lễ 30.4 - 1.5, một số tỉnh thành vẫn tiến hành chi trả tiền từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ cho một số nhóm đối tượng được ưu tiên nhận trước.

Tại Hà Nội, từ 8 giờ ngày 30.4, các địa phương đồng loạt thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, cho biết TP có khoảng 1,4 triệu người dân trong diện nhận hỗ trợ, trong đó số lao động tự do chiếm đông nhất với 850.000 người, người nhận bảo trợ xã hội hơn 182.000 người, hộ nghèo và cận nghèo hơn 155.000 người, hơn 137.000 người lao động bị tạm dừng hợp đồng lao động...

Đưa tiền sớm đến với người khó khăn

TP.Hải Phòng đã bố trí gần 180 tỉ đồng phân bổ về các quận, huyện. Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, cho biết từ 15.4, đã bố trí 179,5 tỉ đồng để phân bổ về các quận, huyện thực hiện hỗ trợ cho 142.096 người có công, người nghèo, cận nghèo và trong diện bảo trợ xã hội gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Nơi triển khai chi trả sớm nhất ở Hải Phòng là Q.Lê Chân. Ông Phạm Việt Anh, Chánh văn phòng UBND Q.Lê Chân, cho biết trong sáng 26.4, đồng loạt 15 phường của quận này đã tổ chức trao tiền hỗ trợ người dân. Trên địa bàn quận có khoảng 6.000 người có công với cách mạng, người trong diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo.

Các nhóm đối tượng được hỗ trợ

 
(Theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ)
Người lao động phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên: 1,8 triệu đồng/người/tháng từ 1.4, tối đa không quá 3 tháng.
Người sử dụng lao động khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian 4 - 6.2020: được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%.
Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1.4: 1 triệu đồng/hộ/tháng, tối đa không quá 3 tháng.
Người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm: 1 triệu đồng/người/tháng từ tháng 4 - 6, tối đa không quá 3 tháng.
Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng: 500.000 đồng/người/tháng từ tháng 4 - 6, được chi trả một lần.
Đối tượng bảo trợ đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng: 500.000 đồng/người/tháng từ tháng 4 - 6, được chi trả một lần.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo tính đến 31.12.2019: hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng từ tháng 4 - 6, được chi trả một lần.
Còn theo bà Phan Thị Thúy Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng, TP bắt đầu thực hiện chi gói hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19 đến các nhóm đối tượng đầu tiên (người có công; đối tượng được hưởng bảo trợ xã hội; người nghèo, cận nghèo), lên đến gần 116.000 trường hợp, với tổng số tiền chi trả gần 112 tỉ đồng. Nhóm được hỗ trợ tiếp theo là người lao động mất việc (lao động tự do), lao động không có giao kết hợp đồng, những hộ tạm ngừng kinh doanh, với các điều kiện đã được ghi rõ theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg. Ngay sau kỳ nghỉ lễ, nhóm này sẽ được cán bộ quận, huyện hướng dẫn làm các thủ tục xác nhận.
Tại TP.HCM, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết các quận, huyện đã triển khai chi hỗ trợ cho 3 nhóm theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, bao gồm các nhóm: đối tượng chính sách, người có công 35.699 người, với khoảng 53,5 tỉ đồng; bảo trợ xã hội 128.900 người, với hơn 193 tỉ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo 32.527 hộ với 95,8 tỉ đồng. Việc chi hỗ trợ ngay từ giữa tháng 4 và đã cơ bản hoàn tất trong ngày 30.4. Bên cạnh đó, các quận, huyện ở TP.HCM cũng đang chi hỗ trợ cho giáo viên ngừng việc, mất việc và hoàn tất thủ tục chi cho người lao động hoãn việc, ngừng việc trong đầu tháng 5. Đối với nhóm lao động tự do, như xe ôm, xích lô, bán hàng rong…, các quận, huyện đang điều tra, khảo sát “kỹ lưỡng và thận trọng” để không ai bị sót mà cũng không bị trùng.
Ngoài gói an sinh của Chính phủ, TP.HCM còn có gói 2.700 tỉ đồng theo Nghị quyết 02/2020 của HĐND TP về hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trả lời câu hỏi liệu người dân ở TP.HCM có được nhận 2 lần hay không, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Lê Minh Tấn khẳng định người dân chỉ được nhận 1 suất có giá trị cao nhất, nếu gói của TP thấp hơn gói của Chính phủ thì sẽ bổ sung thêm.
Tiền Chính phủ hỗ trợ đến tay người dân

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ kiểm tra tại một điểm cấp phát tiền hỗ trợ ở TP.Huế, chiều 29.4

Ảnh: Phan Ngọc Minh

Rà soát, chi tiền ngay sau lễ

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 30.4, bà Huỳnh Thị Thùy Trang, quyền Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Phước, cho biết qua thống kê trên địa bàn có khoảng 44.600 người có công, thuộc diện khó khăn, bảo trợ xã hội và hộ nghèo bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, đủ điều kiện nhận hỗ trợ với số tiền khoảng 72 tỉ đồng. “Việc chi hỗ trợ được triển khai thực hiện từ ngày 4.5, tại H.Chơn Thành, TX.Bình Long, TX.Phước Long và TP.Đồng Xoài; sau đó tiếp tục thực hiện tại các địa phương còn lại”, bà Trang nói.

Tiến độ chi trả nhóm đối tượng ưu tiên tại một số địa phương

 
Hà Nam: Chi trả cho người có công, hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội từ ngày 26.4, tổng kinh phí khoảng 250 tỉ đồng. Trong đợt đầu, tỉnh tạm ứng từ ngân sách khoảng 106 tỉ đồng để chi trả.
Hà Tĩnh: Từ 30.4 TP.Hà Tĩnh chi trả đợt đầu cho 4/7 nhóm đối tượng, gồm: người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo.
Thừa Thiên-Huế: Từ 29.4, chi trả cho 13.706 người có công (hơn 20 tỉ đồng); 50.292 đối tượng bảo trợ xã hội (hơn 75 tỉ đồng); 27.638 người hộ nghèo (gần 21 tỉ đồng) và 43.271 người hộ cận nghèo (hơn 32 tỉ đồng).
Ninh Thuận: Trong 2 ngày 29 và 30.4 đã chi trả cho hơn 160.500 đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo, tổng kinh phí hơn 106 tỉ đồng.
Cần Thơ: Từ 27.4 bắt đầu chi trả và đã cơ bản hoàn thành chi hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng: người có công, bảo trợ xã hội và nhóm hộ nghèo,
cận nghèo; tổng dự chi 143 tỉ đồng.
Kiên Giang: Tạm ứng ngân sách hơn 183 tỉ đồng hỗ trợ các đối tượng: người có công, bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện sau lễ 30.4 - 1.5.
Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai thống kê bước đầu đến cuối tháng 4.2020 có hơn 284.000 người thuộc 7 nhóm đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Cụ thể, nhóm đối tượng bảo trợ xã hội 83.000 người; nhóm hộ nghèo, cận nghèo 38.500 người; nhóm đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng: 13.300 người; 4 nhóm còn lại liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng là 149.000 người. Tổng số tiền cần để hỗ trợ gần 700 tỉ đồng. “Công tác hỗ trợ được tiến hành và hoàn thành trong tháng 5.2020”, ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai, nói.
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh cũng cho biết đang rà soát các đối tượng, tham mưu UBND tỉnh để trình sau thời gian nghỉ lễ sẽ chi trả cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo... “Chúng tôi đang trình ứng trước nguồn kinh phí 127 tỉ đồng để cấp trước cho các đối tượng người có công, hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội được trợ cấp hằng tháng; những đối tượng này các địa phương có danh sách. Còn các đối tượng lao động tự do đang xác minh...”, ông Thanh thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.