Tiễn biệt thầy Hồ Thi, nhà phê bình, lý luận sắc sảo của sân khấu Việt Nam

24/09/2022 10:37 GMT+7

Hôm nay thân xác thầy Hồ Thi trở về cát bụi nhưng có lẽ linh hồn thầy Hồ Thi vẫn còn bịn rịn cõi trần thế, nơi ông dành gần cả cuộc đời cho bục giảng, sân khấu, cho trang viết, cho những giáo trình về sân khấu…

Thầy Hồ Thi được đồng nghiệp đàn em, nhà phê bình Ngô Thảo viết dòng chữ báo tin ông từ giã cõi đời, “Hồ Thi, nhà phê bình, lý luận sắc sảo của sân khấu Việt Nam”. Hồ Thi viết và biên soạn hơn 10 đầu sách về sân khấu. Một số đầu sách được in nhiều lần (Nghệ thuật viết kịch, Xây dựng cốt truyện kịch, Sân khấu và cuộc đời). Hồ Thi, bút danh Hồ Ngọc là tác giả nhận giải thưởng Nhà nước ở lĩnh vực phê bình lý luận sân khấu.

Bìa cuốn sách Tìm hiểu nghệ thuật viết kịch của nhà phê bình, lý luận sắc sảo của sân khấu Việt Nam Hồ Thi

BÍCH NGÂN

Muốn viết đôi dòng thay nén hương tiễn biệt thầy Hồ Thi, tôi tìm kiếm hình ảnh ông, thông tin về ông trên Google, trên nhiều trang mạng và trên cả những trang cá nhân của những người từng là đồng nghiệp của ông, học trò của ông… thì cái tên “Nhà phê bình sân khấu Hồ Thi (Hồ Ngọc)" không thấy hiện ra, như thể ông không hiện diện được trong thế giới kỹ thuật số, như thể ông đã rời xa thế giới nhộn nhạo này từ lâu rồi.

Chỉ một trang cá nhân có hình ảnh của ông. Đó là trang Facebook của NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Tuy nhiên đó là hai tấm ảnh được ghi lại trong những ngày cuối cùng của thầy Hồ Thi trên giường bệnh. Trông ảnh, thầy Hồ Thi chỉ còn là một cái xác còm cõi, vô hồn.

Những kỷ niệm không thể nào quên

Tôi đã từng có bài viết Giữ hình ảnh đẹp nơi ký ức in trên Thời nay cuối tuần. Tôi luôn ái ngại và chạnh lòng khi nhìn nhiều hình ảnh thảm thương của những người từng ít nhiều đóng góp tài năng, tâm lực cho văn học nghệ thuật, cho cộng đồng, cho xã hội, lại được “phơi bày” một cách hồn nhiên dù người đăng tải trên trang cá nhân chỉ với mục đích tốt đẹp là muốn thông tin, chia sẻ với bè bạn gần xa về một người bạn, một người thân sắp lìa xa cõi trần.

Vì vậy, tôi gọi cho một người bạn đang làm việc ở lĩnh vực sân khấu, nhờ bạn tìm xem có tấm ảnh chân dung nào của thầy Hồ Thi lúc ông còn phong độ không? Bạn ấy nói, chắc đợi đến ngày hôm nay, sẽ có ảnh chân dung của ông đặt nơi tổ chức tang lễ. Thế là, tôi không thể tìm được chân dung đẹp đẽ của thầy Hồ Thi khi viết những dòng tiễn biệt này. Tuy nhiên, trong tủ sách của tôi có đến hai quyển sách của ông với dòng chữ đề tặng của tác giả. Nhìn hai quyển sách, vài hình ảnh về thầy Hồ Thi chầm chậm quay về như những thước phim cũ. Rời rạc và chậm chạp. Những hình ảnh đó lại cho thấy thật rõ tấm lòng của một người thầy.

Giờ thì, thầy Hồ Thi có thể hồn nhiên lang thang gặp gỡ những linh hồn cũng hồn nhiên sống và hồn nhiên chết, không chỉ của nền sân khấu Việt Nam

T.L

Tôi được gặp thầy và được thầy “phụ đạo” về kỹ năng viết kịch ở vài lần cùng các đồng nghiệp dự trại sáng tác kịch bản sân khấu do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Tôi nhớ, có lẽ là một học trò hay hỏi, nên sau khi bế mạc trại sáng tác chừng nửa tháng, tôi được nhân viên bưu cục mang lại một phong bì dày, mà người gởi là thầy Hồ Thi. Đó là hai quyển giáo trình dày cộm được photocopy từ quyển sách của thầy Tìm hiểu nghệ thuật viết kịch. Cầm hai tập sách trên tay, tôi xúc động vô cùng.

Với tôi, những giáo trình về nghề là rất cần cho nghề. Tuy nhiên, tôi luôn tiếp cận với một cự ly nào đó. Bởi, với mỗi người sáng tạo (dù sáng tạo ở loại hình nghệ thuật nào đi nữa), cũng còn là người làm nên “giáo trình” cho riêng mình. Tuy vậy, giáo trình mà thầy Hồ Thi biên soạn, đã khơi gợi cho tôi nhiều ý tưởng, nhiều thôi thúc và tôi gọi để được nói lời cảm ơn chân thành của mình.

Sau đó, sách giáo trình được tái bản, thầy Hồ Thi lại gởi qua bưu điện tặng cho học trò chịu nghe, chịu đọc. Và, lần sau cùng tôi gặp thầy ở trại sáng tác sân khấu, cũng do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức tại Nhà sáng tác Đà Lạt, thầy được mời làm người “phụ đạo” như những lần trước. Lần này, thầy cũng mang theo sách để tặng học trò. Và lần này, tôi nhớ mãi, sự hồn nhiên lạ thường của một ông lão đã hơn tám chục xuân xanh.

Lần đó, vào chiều. Đà Lạt lạnh mà hửng nắng. Hội trường tràn nắng. Lòng người cũng nắng. Bất ngờ nhà lý luận sân khấu Hồ Thi không “lên lớp” theo giáo án như kế hoạch. Thầy hùng hồn đề nghị các trại viên dành ít phút nghe ông được đọc một bài viết không dính gì với sân khấu, một bài ca tụng một bộ phận sinh dục của đàn bà, bộ phận nhạy cảm, mê hoặc con người nhưng luôn được giấu kín dưới ánh nắng ngày. Thầy đọc và diễn cảm. Gương mặt thầy rạng rỡ, hồn nhiên và như trẻ lại.

Sách thầy Hồ Thi ký gởi tặng nhà văn Bích Ngân

Nữ văn sĩ Bích Ngân có rất nhiều kỷ niệm với thầy Hồ Thi

NVCC

Và dường như, chính cái giây phút hăm hở hồn nhiên không đúng chỗ không đúng lúc đó, mà sau này, những trại viết kịch bản tiếp theo, vắng mặt thầy.

Giờ thì, thầy Hồ Thi có thể hồn nhiên lang thang gặp gỡ những linh hồn cũng hồn nhiên sống và hồn nhiên chết, không chỉ của nền sân khấu Việt Nam.

Xin cúi đầu tiễn biệt thầy Hồ Thi, người hồn nhiên sống và lặng lẽ ra đi…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.