Tía má tui trong hồi ức thuở thiếu thời

02/11/2022 18:00 GMT+7

Vì duyên mà đến, vì yêu mà gắn bó và vì thương mà ở lại đến cùng đời!

Ở chốn hoang sơ mà tuyệt đối trong veo này, cái tiền cái bạc sánh thế nào được bằng cái nghĩa cái tình, cái vị mặn chát của châu thổ sao bằng cái ngọt ngào của điệu hò lý dân ca.

Không phải là chốn đô thị phồn hoa, cũng không phải nơi bạt ngàn rừng thông, nơi sương mù bủa giăng kín lối. Mà đây chỉ là nơi miệt vườn sông nước với câu hò vọng cổ mùi mẫn được cất lên từ giọng hát dung dị, thấm đẫm nghĩa tình. Đây cũng là nơi mà tía tui chọn làm điểm dừng chân của cuộc đời mình. Tía nói, ở cái tuổi 17 từ Quảng Trị vô Nam tha phương cầu thực, đi nhiều nơi gặp nhiều người rồi mà chỉ mến cái mảnh đất này, rồi chọn ở lại và gắn bó. Nghĩ nó cũng lạ kỳ thiệt!

Cái níu chân con người ta ở lại không chỉ là cảnh vật mộc mạc mà còn là tấm lòng dung dị của người quê nơi đây

thiên anh

Không phải là nơi chôn nhau, cắt rốn, nhưng lại là nơi mài giũa và nuôi dưỡng tâm hồn của tía. Hình hài từng cành cây, ngọn cỏ, từng triền đê con nước ngập tràn trong ký ức xưa cũ. Hồi đó nghèo lắm, phải tằn tiện chịu khó nhưng được cái thiên nhiên ưu ái ban tặng cho sản vật trù phú, là tôm cá quanh năm, là hoa thơm cỏ lạ. Tất cả được nuôi dưỡng bởi nguồn phù sa màu mỡ, trôi theo dòng nước ngọt mát lành mà bồi đắp cho đất mẹ thân thương. Sự trù phú của đất đai, hào phóng của sản vật nơi đây làm vơi đi gánh nặng mưu sinh của tía và những người dân quê nương mình theo dòng chảy bạc.

Cái níu chân con người ta ở lại không chỉ là cảnh vật mộc mạc mà còn là tấm lòng dung dị của người quê nơi đây. Lúc đó, tía mới vô Nam lập nghiệp hổng có quen biết ai, vậy mà chèn đét ơi, họ coi như gia đình, thấy thương là cưu mang, thầy quý là chia sẻ. Không có nhiều tiền bạc, nhưng lại san sẻ với nhau bữa ăn, con cá, bó rau trong vườn. Nghĩ mà ngộ, có gì cũng mang cho mà cho như “trút hết cả ruột gan” vậy. Hỏi sao mà tía hổng thương, hổng mến cho được.

Cái xứ gì mà dễ thương quá đỗi, giàu nghèo gì cũng đối đãi với nhau bằng nghĩa bằng tình. Sướng khổ gì không biết, ngày mai ra sao không quan trọng, cứ cười trước đã. Mà nụ cười nơi đây, phải nói là đặc sản. Cũng chính nụ cười này đã bén duyên cho tía má sau này.

Thuở tui đang còn "sanh diên", tía tui mới vô Nam, do là khách phương xa được quý lắm, một phần theo nghiệp chữa bệnh, cứu người nên ai cũng mến. Nhiều gia đình muốn gả con gái cho, nhưng tía chỉ ưng một mình má thôi. Còn cô nàng cha sanh mẹ đẻ miền Tây Nam bộ thì “bên trong đã tỏ bên ngoài còn e”, mặc dầu là đã “chịu đèn” mà thiệt bụng má nghĩ có anh chàng nào ăn rau liệt, lá trơn lại đi trồng cây si cô nàng mê rau nhút, rau cua. Tình cảm trai gái của người miền Tây đơn giản vô cùng, tất cả gói gọn trong một chữ “thương”, thương như tía má thương cho con, như anh hai chị ba thương em út vậy.

Vậy mà có khi tía đi công tác xa, điều kiện đi lại đâu có ngon lành như bận giờ nên đi lâu lắc lâu lơ làm má giận “Tưởng bỏ xứ đi nữa ha gì, nói thương tui mà vậy đó”. "Răng mà em nói rứa, anh thương em thiệt bụng, không tin anh đốt nhang thề liền". “Thương gì mà để người ta chờ, người ta đợi, thương kiểu bạn bè hay anh em kết nghĩa mà đi biền biệt vậy ha?”. Có chút xíu giận hờn nhỏ như con cá lia thia, vậy mà làm tía phải mấy ngày năn nỉ má mới chịu làm hòa. Đôi khi gặp cơn mưa sa gió lạnh má lại nhắc chuyện cũ “Anh hổng có thương em”. Rồi cũng từ dạo đó, cứ mỗi lần tía đi công tác là phải nắn nót mực tím mực xanh dăm ba vần thơ rồi lọt tọt gửi bưu điện về cho má.

Mà nhắc đến biên thơ mới nhớ, thời con gái má học không có nhiều cứ rãnh là ra đồng tát cá, gặt lúa, lượm đậu bị bà ngoại chửi quài mà có chừa mấy. Bởi mấy lời thơ tía biên má đọc chữ hiểu chữ không, đành dặn bụng có thơ về là an tâm phần nào. Rồi cứ có thời gian là tía dạy má học, rồi trồng cho má một hàng dành dành trước hiên nhà. Hoa trắng muốt toả hương thơm lừng ai ai cũng thích, hồi đó trong xóm nhà nào cũng một hàng dâm bụt phía trước, có nhà ngoại của má là nổi nhất thôi.

Năm tui 6 tuổi thì phải, cái tuổi mà tui đã nhận thức được trí nhớ của mình. Tui sanh thời trong này, quê má trong Nam, quê cha thì ngoài Trung xa xôi nhưng hai người vô Sài Gòn mưu sinh khi tui được dăm ba tuổi đầu, đành để cho ông bà ngoại trông nom. Một đêm trời Nam xa xôi, ông ngoại bệnh phải nằm ở trạm xá. Bà ngoại lo toan, chạy lên chạy xuống. Lúc đó ông ngoại thủ thỉ với bà ngoại: “Bà coi đem bán cái bình thủy mua ít bánh về cho tụi nhỏ ở nhà nó mừng”. Mà cái thuở đó, bình thủy quý giá vô cùng, phải chắt chiu dành dụm lắm mới mua được. Ấy vậy mà ông ngoại cũng bán, chỉ mong cho con cháu ở nhà nó vui.

Uống nước cơm chắt, ăn cơm sắn trộn mà lớn lên, tui còn lạ gì cái cảnh ngoại ngồi trệu trạo nhai từng lát khoai khô, đôi khi nhường cho tui chén cơm trắng đẫy đà. Thương ngoại, tui nói “hay ngoại ăn giùm con đi, con ăn cơm độn quen rồi, phải có này có kia sựt sựt mới ngon”. Ở đằng xa ngoại ngoắc ngoắc cái tay kêu “Đưa đây ngoại ăn, đừng mang bỏ tội lắm”. Phải vậy ngoại mới chịu ăn, chứ tính hy sinh cho con cháu thiệt bụng không có bỏ được.

Hồi đó đất mới khai hoang nên trồng dưa hấu nhiều lắm, nghĩ cũng lạ, dưa ngọt trên đất phèn, trái nào trái nấy to tròn, căng mọng. Mà ăn ruột bỏ vỏ nghĩ cũng uổng nên nhà nào nhà nấy cũng có một hũ dưa muối chua, bà ngoại làm món này ngon lắm rồi chỉ lại cho má. Tận dụng cái lõi xanh giòn rụm để tạo thành thứ thức ăn thanh mát, đưa cơm đã cái nư.

Cũng nhờ hũ dưa muối này giải vây cho tía mỗi khi má giận. Tía kể với tui cứ hễ mỗi lần má giận thì tía sẽ vặn thật chặt hũ dưa món, để đến khi má không mở được phải nhờ tía từ đó mới chịu mở miệng nói chuyện trước. Vậy là tía tui cười rổn rảng, nụ cười rộng tới mang tai. Vậy đó, thương má, thương cái chốn này biết bao nhiêu mà tía đã chọn gắn bó rồi ở lại.

Bây giờ hũ dưa muối ngoại làm chỉ còn lại trong ký ức vì ngoại cũng đã về với đất, mỗi lần ăn lại dưa muối lại thấy thương bao chăm bẵm của ngoại, lo từng miếng ăn cho đến giấc ngủ để đứa cháu lớn khôn ra đời. Trải qua ngần ấy tháng năm, thử biết bao đồ ăn thức uống mà quên bẵng đi những món xưa của ngoại. Rồi một ngày vô tình gặp lại, vừa lạ vừa quen, hình ảnh thân thuộc trong tiềm thức ấy hiện về, có ngoại và má đang cặm cụi trong căn bếp cũ.

Lớn lên như mọi đứa trẻ khác, tui cũng lên “Xì” Gòn học rồi ở lại làm, một ngày về quê, bất chợt thấy hàng dành dành lung lay trong gió, mái nhà tranh vách lá xiêu vẹo vậy mà tui vui sướng như vỡ òa. Cần chi những lời nói hoa mỹ, chỉ bằng những thứ đang hiện hữu, để kể ta nghe về những hồi ức đẹp của năm tháng xa xưa. Phía bên kia, mặt sông loáng ánh chiều vàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.