Tỉ phú Chuck Feeney: ‘Tấm vải liệm không có túi’

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
06/09/2022 12:09 GMT+7

Đó là câu nói trở thành huyền thoại của tỉ phú Mỹ Chuck Feeney – người đã cho đi hơn 8 tỉ USD từ thiện nhưng sống rất cơ hàn.

Thế giới thán phục ông già Chuck Feeney nay đã bước sang tuổi 91, sống cùng vợ trong căn hộ bình dân thuê ở San Francisco (Mỹ) nhưng có tấm lòng thuộc hàng “xưa nay hiếm”.

Chuck Feeney tên thật là Charles Francis Feeney sinh ngày 23.4.1931, là doanh nhân và nhà từ thiện người Mỹ gốc Ireland. Ông là người đồng sáng lập Duty Free Shoppers Group có trụ sở tại Hồng Kông. Theo The Atlantic Philanthropies - một trong những quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất trên thế giới - Feeney đã bí mật cho đi tài sản của mình trị giá hơn 8 tỉ USD trong nhiều năm, cho đến khi một tranh chấp kinh doanh dẫn đến việc danh tính của ông bị tiết lộ vào năm 1997.

Tỉ phú Chuck Feeney

IRISH TIMES

Chuck Feeney sinh ra ở New Jersey trong thời kỳ Đại suy thoái kinh tế. Xuất thân khiêm tốn với cha mẹ là người Mỹ gốc Ireland thuộc thành phần “cổ xanh” (người làm việc tay chân-PV) ở Elizabeth, New Jersey. Feeney tốt nghiệp trung học tại trường Elizabeth's St.Mary of the Assumption năm 1949 nơi đến năm 2016 ông trao tặng 250.000 USD – số tiền quyên góp lớn nhất trong lịch sử của trường từ một người đóng góp duy nhất. Feeney tốt nghiệp khoa Quản trị Khách sạn của Đại học Cornell.

Ông từng là nhân viên điều hành không lưu của Không quân Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên, sau đó khởi nghiệp bằng nghề bán rượu miễn thuế cho nhân viên Hải quân Mỹ tại các cảng Địa Trung Hải vào những năm 1950.

Khái niệm “mua sắm miễn thuế” - cung cấp các ưu đãi cao cấp cho khách du lịch, miễn thuế nhập khẩu - đã có từ rất sơ khai khi Chuck Feeney và người bạn cùng lớp đại học Robert Warren Miller bắt đầu bán rượu miễn thuế cho quân nhân Mỹ ở châu Á vào những năm 1950. Sau đó, họ mở rộng sang bán ô tô và thuốc lá, thành lập Duty Free Shoppers – Những người mua hàng miễn thuế (DFS) vào ngày 7.11.1960. DFS bắt đầu hoạt động tại Hồng Kông, rồi mở rộng sang châu Âu và các lục địa khác. Bước đột phá lớn đầu tiên của DFS đến vào đầu những năm 1960, khi họ giành được ưu đãi độc quyền cho việc bán hàng miễn thuế ở bang Hawaii (Mỹ), cho phép tiếp thị sản phẩm của mình đến khách du lịch Nhật Bản.

Chuck Feeney và vợ Helga

IRISH TIMES

DFS cuối cùng đã mở rộng sang các cửa hàng miễn thuế ngoài sân bay và cửa hàng lớn ở trung tâm thành phố, trở thành nhà bán lẻ du lịch lớn nhất thế giới. Vào giữa những năm 1990, DFS phân phối lợi nhuận lên tới 300 triệu USD/năm cho Feeney, Miller và hai đối tác nhỏ hơn.

Từng đóng góp từ thiện cho Việt Nam

Năm 1982, Feeney thành lập Quỹ Từ thiện The Atlantic Philanthropies và vào năm 1984 chuyển toàn bộ 38,75% cổ phần của mình trong DFS, trị giá khoảng 500 triệu USD cho quỹ này. Ngay cả các đối tác kinh doanh của ông cũng không biết rằng Feeney không còn sở hữu bất kỳ cổ phần nào của DFS. Trong nhiều năm, The Atlantic Philanthropies bí mật gửi tiền, yêu cầu người nhận không được tiết lộ nguồn quyên góp của họ.

Chuck Feeney rất dè dặt về chuyện từ thiện của mình trong khi nhiều người khác đóng góp để được quyền gọi tên. Người hưởng lợi duy nhất, lớn nhất từ ​​việc Feeney trao tặng là trường cũ của ông - Đại học Cornell, nơi nhận được gần một tỉ USD quà tặng trực tiếp và từ The Atlantic Philanthropies bao gồm khoản tài trợ 350 triệu USD cho phép thành lập Cơ sở Công nghệ Thành phố New York của Đại học Cornell trên đảo Roosevelt. Thông qua The Atlantic Philanthropies, ông cũng quyên góp khoảng một tỉ USD cho giáo dục ở Ireland, chủ yếu là gửi đến Đại học Limerick và Đại học Dublin.

Theo tài liệu của Quỹ Từ thiện The Atlantic Philanthropies, tỉ phú Feeney từng có những chuyến thăm Việt Nam cuối thập niên 1990. Các dự án từ thiện của ông tại Việt Nam được tiến hành từ 1997, kết thúc năm 2015. Tổng cộng có 297 dự án với tổng số tiền là 381,6 triệu USD dành cho 97 cơ sở địa phương, chủ yếu cho các nỗ lực cải thiện công tác y tế, hiện đại hóa cơ cấu y tế công cộng và giáo dục đại học.

Vào tháng 2.2011, Feeney ký kết quỹ The Giving Pledge. Trong bức thư gửi hai tỉ phú Bill Gates và Warren Buffett - những người sáng lập The Giving Pledge - Feeney viết: “Tôi không thể nghĩ ra cách sử dụng của cải phù hợp và bổ ích cho cá nhân hơn là cho đi khi còn sống. Đó là những nỗ lực có ý nghĩa để cải thiện cuộc sống con người”.

Cuối năm 2016, Chuck Feeney tiếp tục gửi 7 triệu USD cho Đại học Cornell. Vào ngày 14.9.2020, Feeney đóng cửa tổ chức từ thiện The Atlantic Philanthropies sau khi tổ chức phi lợi nhuận này hoàn thành sứ mệnh cho đi tất cả số tiền của Feeney vào năm 2020.

“James Bond của lòng từ thiện”

Chuck Feeney được gọi là “James Bond của lòng từ thiện”, vì cho đi tài sản trong bí mật, không hề phô trương, ồn ào. Năm 1997, tờ Time viết: “Đóng góp của Feeney được xếp vào hàng vĩ đại nhất so với bất kỳ người Mỹ nào còn sống”. Ông luôn tránh xa công chúng, chỉ hợp tác để thực hiện cuốn sách tiểu sử của mình, xuất bản năm 2007 là The Billionaire Who Wasn't: How Chuck Feeney Made and Gave Away a Fortune Without Anyone Knowing.Feeney cũng là chủ đề của một bộ phim tài liệu của RTÉ Factual, có tựa đề Secret Billionaire: The Chuck Feeney Story.

Năm 2010, ông nhận được Giải thưởng Biểu tượng Công nghiệp Cornell. Vào năm 2012, tất cả các trường đại học của Ireland cùng trao bằng Tiến sĩ Luật danh dự cho Feeney. Trong năm 2012, ông được trao tặng Huân chương UCSF cho những đóng góp cá nhân xuất sắc vì sứ mệnh khoa học sức khỏe của Đại học California, San Francisco. Tháng 12.2020, Đại học Cornell thông báo đổi tên Đại lộ Đông - con đường đi qua trung tâm khuôn viên trường và nằm dọc theo trường cũ của Feeney là Trường Quản trị Khách sạn Đại học Cornell - thành “Feeney Way” để tôn vinh ông vì những đóng góp to lớn.

Chuck Feeney chụp ảnh cùng Bill Gates (phải)

Cicero News

Tỉ phú Warren Buffett từng nói về Feeney: “Anh ấy là người hùng của tôi và Bill Gates. Anh ấy là người hùng của mọi người”. Chuck Feeney nổi tiếng là người tiết kiệm. Theo một bài báo trên tờ The New York Times vào năm 2017: “Cho đến khi 75 tuổi, ông chỉ thích đi du lịch bằng xe buýt và mang tài liệu đọc trong một chiếc túi nhựa”. Feeney không sở hữu xe hơi hay biệt thự và đeo một chiếc đồng hồ Casio F-91W trị giá 15 USD.

Vợ đầu của ông, Danielle, là người Pháp gốc Algeria. Họ gặp nhau lần đầu khi cô đang là sinh viên Đại học Sorbonne. Cả hai kết hôn tại Paris vào tháng 10.1959, có bốn con gái: Caroleen A.Feeney, Diane V.Feeney, Juliette M.Feeney-Timsit, Leslie D.Feeney-Baily và một con trai Patrick A.Feeney. Ông ly hôn Danielle năm 1991. Người vợ hiện tại là Helga, kết hôn từ năm 1995, là thư ký cũ của ông.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thay mặt Quốc hội Mỹ gửi thư cám ơn tỉ phú Chuck Feeney vì sự đóng góp lặng thầm của ông trong suốt nhiều năm dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.