Thúy Kiều có chơi đàn tì bà?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
12/10/2020 06:28 GMT+7

Nhiều họa sĩ vẽ tranh minh họa cho thấy Thúy Kiều (nhân vật chính trong Truyện Kiều ) chơi một loại nhạc cụ có thân đàn hình quả lê với cần thẳng, đầu đàn hơi ngả về phía sau, nhưng một số lại cho thấy loại đàn đó có cần thẳng với đầu đàn cong vểnh ra phía sau.

Theo những miêu tả trên thì có thể thấy Thúy Kiều sử dụng đàn tì bà. Vì sao các họa sĩ lại vẽ loại đàn này?
Có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, trong Truyện Kiều có câu Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương (c.33). Thứ hai, Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân cho thấy Thúy Kiều chơi hồ cầm. Thứ ba, một số từ điển và tài liệu viết về Truyện Kiều lại giải thích: “Hồ cầm là một loại đàn tì bà”. Cách giải thích này có nguồn gốc từ triều đại Tần - Hán cho đến Tùy - Đường, tất cả nhạc cụ dây ở Trung Quốc đều được gọi là tì bà. Chính vì thế, họa sĩ mới vẽ cảnh Thúy Kiều sử dụng loại đàn này, và cứ thế, người đi sau đã dựa vào tranh của người đi trước để tiếp tục “sáng tạo” hình ảnh cây đàn tì bà. Tuy nhiên, ngày nay những nhạc cụ dây đều có tên gọi riêng.
Trong bài Âm nhạc trong Truyện Kiều, GS-TS Trần Văn Khê từng cho biết loại đàn Thúy Kiều sử dụng chính là “Nguyễn tì bà, tên thật là Nguyễn cầm do Nguyễn Hàm đời Tấn chế ra. Đàn có thùng hình tròn như mặt trăng, có 4 dây, cần dài hơn nguyệt cầm Trung Quốc”.
Theo chúng tôi, Thúy Kiều không sử dụng Nguyễn cầm và loại đàn này không do Nguyễn Hàm đời Tấn chế tạo ra. Nhà soạn nhạc Trầm Tinh Dương cho biết Nguyễn Hàm là đạo sĩ trong nhóm Trúc Lâm Thất Hiền, nổi tiếng với tài chơi loại đàn giống như Tần tì bà có từ đời nhà Tần trước đó. Vì thế, trong giai đoạn nữ hoàng Võ Tắc Thiên cai trị, người ta mới đặt tên khác cho Tần tì bà là Nguyễn Hàm, về sau gọi là Nguyễn cầm. Tóm lại, Nguyễn Hàm không phải là người chế tạo ra Nguyễn cầm, nhạc cụ này chính là Tần tì bà được gọi bằng cái tên mới là Nguyễn cầm. Chúng ta biết rằng, trong toàn bộ nội dung Truyện Kiều không hề có chữ Nguyễn, riêng chữ hàm thì xuất hiện 4 lần trong hàm sư tử (c.1350), hàm én (c.2167, 2274), hàm rồng (c.2672). Xét về chữ Nôm, chữ hàm trong Truyện Kiều được viết khác hẳn chữ hàm trong Nguyễn Hàm (chữ Hán). Vậy làm sao có cơ sở để liên tưởng cây đàn Thúy Kiều sử dụng là Nguyễn cầm (hay Nguyễn Hàm)?
Vậy Thúy Kiều chơi loại đàn gì? Xin thưa là nguyệt cầm. Điều này thể hiện qua 2 câu sau: Hiên sau treo sẵn cầm trăng (c.467) và Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ (c.640).
Bây giờ chúng ta xét số lượng dây của cây đàn Thúy Kiều sử dụng. Ví dụ đoạn Thúy Kiều đánh đàn cho Kim Trọng thưởng thức (c.471 - 472):
So dần dây vũ dây văn,
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
Hay đoạn Hoạn Thư buộc Thúy Kiều đánh đàn, phục vụ tiệc cho bà và Thúc Sinh. Lúc ấy tâm trạng của Kiều vô cùng đau đớn (c.1853 - 1854):
Bốn dây như khóc như than
Khiến người trong tiệc cũng tan nát lòng
Hoặc đoạn Hồ Tôn Hiến buộc Thúy Kiều đánh đàn sau khi Từ Hải vừa mới qua đời, chưa kịp chôn cất. Kiều buồn đến nỗi (c.2569 - 2570):
Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!
Có thể thấy rõ là Thúy Kiều sử dụng loại đàn 4 dây, bên cạnh đó cụm từ cầm trăng, cầm nguyệt cho thấy rất phù hợp với cây nguyệt cầm có thùng đàn tròn. Xin lưu ý, nguyệt cầm Trung Quốc có 4 dây, cần đàn ngắn; còn đàn nguyệt Việt Nam có 2 dây, cần đàn dài nên đây là hai loại đàn khác nhau. Tóm lại Thúy Kiều không chơi đàn tì bà mà sử dụng nguyệt cầm Trung Quốc mới đúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.