Thủy điện Trung Quốc tích nước, sông Mekong thêm khô hạn

Chí Nhân
Chí Nhân
28/02/2024 15:12 GMT+7

Thác Bạt (Tuoba) - đập thủy điện thứ 12 của Trung Quốc trên dòng chính sông Mekong - bắt đầu tích nước, ảnh hưởng đến lượng nước ở vùng hạ lưu trong mùa khô năm nay.

Ngày 28.2, Dự án Giám sát hoạt động của các đập thủy điện Mekong (MDM) cho biết: Khoảng ngày 1.2.2024, đập thủy điện Tuoba có công suất 1.400 MW ở Vân Nam (Trung Quốc) đã bắt đầu tích nước vào hồ chứa.

Thủy điện Trung Quốc tích nước, sông Mekong thêm khô hạn- Ảnh 1.

Đập thủy điện Touba, con đập thứ 12 của Trung Quốc trên dòng chính sông Mekong, bắt đầu tích nước

MDM

Thác Bạt là một trong những con đập lớn nhất trên sông Mekong. Trung Quốc không đưa ra bất kỳ thông báo nào về hoạt động tích nước hồ chứa hoặc hoàn thành đập dù nước này gần đây đề nghị tăng cường hợp tác với các nước hạ lưu sông Mekong.

Theo MDM, những hình ảnh từ vệ tinh cho thấy đập Tuoba đang xả nước qua lối thoát, nên có thể sẽ tích nước dần dần trong mùa khô và mùa mưa sắp tới.

Tuần qua, lượng xả nước trong mùa khô phục vụ cho hoạt động sản xuất thủy điện ở mức tối thiểu, chỉ lớn hơn 100 triệu mét khối. Cho đến nay, lượng xả nước của Trung Quốc tương đối ít, có thể liên quan đến việc đập Tuoba. Điều này đã khiến mực nước sông trên toàn lưu vực hiện ở mức thấp. Còn tại hồ Tonle Sap (Biển Hồ ở Campuchia), mực nước thấp hơn bình thường khoảng 0,7m vào thời điểm này trong năm. Trong khi mực nước sông thấp thì thời tiết vùng hạ lưu sông Mekong đang trong giai đoạn vô cùng nóng và khô hạn.

Hiện nay có 14 con đập đã hoàn thành dọc theo dòng chính sông Mekong trong đó 12 con đập ở Trung Quốc và 2 con đập ở Lào. Ngoài ra còn có một con đập đang khác đang được xây dựng ở Luang Prabang (Lào).

"Việc Trung Quốc đưa vào tích nước đập thủy điện Tuoba sẽ ảnh hưởng đến lượng nước ở vùng hạ lưu trong mùa khô năm nay. Sự thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp tục kéo dài vì một con đập như vậy thường mất 1 năm mới tích đủ nước", Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái học ĐBSCL dự báo.

Trong một bản tin được cập nhật vào ngày 27.2 từ Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) cho biết: Thể tích hồ Tonle Sap chỉ đạt xấp xỉ 76,15% so với trung bình nhiều năm do sự sụt giảm về lượng mưa. Từ tháng 1.2024 dẫn đến chỉ số hạn hán tổng hợp nghiêm trọng và cực đoan, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và có thể sẽ tiếp tục diễn ra trên hầu hết các khu vực trong tuần tới. Khu vực trung lưu vực hạ lưu sông Mekong dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất, trong khi vùng thượng nguồn phía bắc được dự báo sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn hán vừa phải.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.