Thụy Điển trục xuất một người Kurd vì sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ?

04/12/2022 07:10 GMT+7

Thụy Điển ngày 2.12 đã trục xuất một người đàn ông Kurd bị cáo buộc có liên hệ với nhóm PKK, giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gây áp lực buộc quốc gia Bắc Âu này đáp ứng các yêu cầu của Ankara để có thể gia nhập NATO.

Người đàn ông tên Mahmut Tat đã xin tị nạn ở Thụy Điển vào năm 2015 sau khi bị kết án án 6 năm 10 tháng ở Thổ Nhĩ Kỳ vì tòa án kết luận ông có liên hệ với tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Đơn xin tị nạn gần đây nhất của ông đã bị Cơ quan Di trú Thụy Điển từ chối vào năm ngoái, Reuters cho hay.

Ông Mahmut Tat

chụp màn hình express tribune

Bộ trưởng Di trú Thụy Điển Maria Malmer Stenergard cho biết chính phủ không tham gia vào quyết định này.

"Đây là trường hợp trục xuất trong đó một cá nhân bị bác đơn xin tị nạn. Chính phủ không có vai trò gì trong việc ra quyết định về các đơn xin tị nạn", bà nói với đài truyền hình nhà nước Thụy Điển SVT.

SVT cho biết người đàn ông này đã trốn sang Thụy Điển sau khi bị kết án, sống và làm việc trong một nhà hàng ở phía tây đất nước.

Đài truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ TRT cho biết ông Tat đã bị đưa đến một nhà tù ở Istanbul ngày 3.12, sau khi bị đưa về bằng máy bay từ Stockholm theo yêu cầu dẫn độ của Ankara.

Hồi tháng 5, Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ vị thế trung lập lâu năm để xin gia nhập NATO, viện dẫn những lo ngại xuất phát từ việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Song nỗ lực này đã vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara cho rằng hai quốc gia Bắc Âu chứa chấp các chiến binh của PKK và các nhóm khác.

Các tay súng Kurd ở Syria ngừng hoạt động chung với Mỹ vì bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công

PKK đã bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và EU xem là tổ chức khủng bố. Nhóm này đã dẫn dắt cuộc nổi dậy đòi ly khai kéo dài hàng thập niên ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ, một trong 30 thành viên hiện tại của NATO, hôm 30.11 cho biết Thụy Điển và Phần Lan đã đạt được một số tiến bộ để có thể gia nhập liên minh, nhưng họ vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của Ankara trong việc giải quyết các nhóm vũ trang tương tự.

Những người khác bị Ankara truy nã là những người bị cáo buộc có liên hệ với Fethullah Gulen, một giáo sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Mỹ. Ông Gulen bị cáo buộc đứng sau kế hoạch đảo chính bất thành chống lại Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào năm 2016.

Stockholm và Helsinki phủ nhận việc chứa chấp các tay súng nhưng đã cam kết hợp tác với Ankara để giải quyết đầy đủ các mối lo ngại về an ninh, cũng như để dỡ bỏ các lệnh cấm vận vũ khí.

NATO đưa ra quyết định của mình bằng sự đồng thuận, nghĩa là cả hai quốc gia Bắc Âu cần nhận được sự phê chuẩn của toàn bộ 30 thành viên hiện tại của NATO mới có thể gia nhập liên minh. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đặt điều kiện để gật đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.