Thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép: Chuyện vậy mà cũng xảy ra

Kim Lan
Kim Lan
17/11/2020 05:00 GMT+7

Với việc thủy điện Thượng Nhật phớt lờ công điện khẩn, cố tình tích nước trái phép, đa số bạn đọc Báo Thanh Niên cho rằng hành vi này không thể chỉ đơn giản xử phạt hành chính, mà cần có nhiều hình phạt nghiêm khắc hơn.

Liên quan vụ chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật (H.Nam Đông, Thừa Thiên-Huế) chưa thực hiện đúng quy định về tích nước và vận hành (Thanh Niên số ra ngày 15.11 phản ánh), Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật.

Quá xem thường pháp luật

Như Thanh Niên phản ánh, Nhà máy thủy điện Thượng Nhật do Công ty CP đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư đã 2 lần không chấp hành lệnh điều tiết lũ trong bão số 9 và bão số 13. Ngang ngược hơn, thủy điện này thậm chí còn “chờ” đoàn giám sát “vừa rút về là lợi dụng tích nước trái phép”.

Chỉ có một cái thủy điện mà lại rối tung lên trước bão. Ông giám đốc thủy điện là ai mà lại dám tích nước khi chưa được phép?

Trang Nguyễn Thị

Thái độ “coi trời bằng vung” của thủy điện Thượng Nhật khiến bạn đọc (BĐ) NPHONG đặt câu hỏi: “Sao lại để tình trạng nguy hiểm này xảy ra nhỉ? Lãnh đạo ở nhà máy thủy điện này thách thức luật pháp à?”.
Tán thành, BĐ Minh Nguyễn đề nghị “củng cố hồ sơ truy tố, có như thế mới an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du”, chứ chỉ phạt hay xử lý hành chính thì “chẳng khác nào nuôi dưỡng cho thái độ nhờn luật”.

Không lẽ chính quyền sở tại đành bó tay với những kẻ coi trời bằng vung?

le***@gmail.com

BĐ Nguyen Yen Phong không hiểu “có ai chống lưng mà xem thường pháp luật vậy ?” khi phân tích rằng việc “bất tuân” công lệnh khẩn từ chính quyền Thừa Thiên-Huế không thể là việc “vô ý”. Ngay cả trong trường hợp vì một lý do khẩn cấp nào đó, việc xả hay tích lũ đều phải được thông báo và thông qua chính quyền địa phương, chứ không thể hành xử theo kiểu “ông trời con”.
BĐ ly truong phân tích hành vi của thủy điện Thượng Nhật là kiểu “bất chấp sinh mạng, tài sản của công dân hạ du, chỉ chăm chăm vào lợi nhuận”. Cũng BĐ ly truong cho rằng việc “tuân thủ và minh bạch số liệu dòng chảy là yếu tố sống còn đối với các địa phương có đặt thủy điện”.

Sao để chuyện ngang ngược xảy ra

Liên quan đến vụ việc, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND H.Nam Đông, cho biết địa phương đã cử đoàn giám sát đến thủy điện Thượng Nhật để đảm bảo việc vận hành phải tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, thế nhưng “lợi dụng lúc đoàn giám sát rút đi, nhà máy thủy điện đã đóng van tích nước trở lại”.

Người lớn chứ đâu là con nít đâu mà phải luôn giám sát. Phải tự biết việc gì nên, việc gì không nên chứ .   

Tâm Ngụy
Sao chuyện ngang ngược như vậy lại xảy ra? Sao công lệnh của lãnh đạo Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu “giám sát 24/24” mà đoàn giám sát vẫn “rút đi”? Hàng loạt câu hỏi được BĐ đặt ra, thậm chí BĐ Đá Lệ còn nhận xét “chỉ có việc giám sát nhà máy thủy điện bé tẻo, bé teo mà không làm được thì chuyện lớn biết làm sao đây?”. Còn BĐ Pin thì “thua luôn với nhà máy này, mặc dù đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu thực hiện, nhưng vẫn tiếp tục chống lệnh”, đồng thời “để xem cơ quan chức năng xử lý vụ việc này như thế nào” sau khi địa phương đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản. BĐ Robin thậm chí đặt câu hỏi “tại sao không xử lý hình sự kẻ thách thức luật pháp?”.
Trên thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu rà soát lại các thủ tục cấp phép xây dựng Nhà máy thủy điện Thượng Nhật. Tán thành với hành động này, BĐ Diep Tran Trung đề nghị “những cơ sở, doanh nghiệp không chấp hành pháp luật thì cần xử lý thật nghiêm, cho đóng cửa” để “bảo vệ tinh thần thượng tôn pháp luật”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.