Thủy điện phải xả nước cho nông dân

03/05/2014 08:44 GMT+7

Ba thủy điện lớn trên thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn được Tổng cục Thủy lợi yêu cầu xả nước để đảm bảo đủ nguồn nước cho việc xuống giống vụ hè thu.

Thủy điện phải xả nước cho nông dân
Hồ thủy điện Sông Tranh 2 sẽ đóng góp lượng nước khá lớn cho vụ hè thu tại Quảng Nam - Ảnh: Hoàng Sơn

“Trông cậy” vào thủy điện

Trước tình hình cạn kiệt nguồn nước, Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có cuộc họp với Sở NN-PTNT Quảng Nam, Đà Nẵng và đại diện các nhà máy thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 để thống nhất lịch xả nước các hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất vụ hè thu.

Tại cuộc họp, ông Lê Duy Vọng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP.Đà Nẵng cho biết, theo kế hoạch vụ hè thu, địa phương có khoảng 4.000 ha cây trồng cần nước tưới và cần khoảng 200.000 m3/ngày đêm phục vụ sinh hoạt cho người dân. Ông Vọng đề nghị, thủy điện Đăk Mi 4 (thượng nguồn sông Vu Gia) phải trả nước ít nhất 25 m3/giây mới đáp ứng nhu cầu. Ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng cho biết, để đảm bảo cấp nước cho địa phương, hồ thủy điện thượng nguồn Vu Gia phải thực hiện lịch xả nước như năm 2013.

Ông Võ Văn Điềm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết thêm, hiện tại các hồ chứa thủy lợi tại địa phương đã lâm vào tình trạng cạn kiệt, thấp hơn 1 m so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mực nước tại các hồ thủy điện thì khả quan hơn và vẫn kiểm soát được. “Đây chính là những kho nước dự trữ để phục vụ sản xuất vụ hè thu”, ông Điềm nói. Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam khẳng định, khoảng 15.000 ha lúa và 10.000 ha hoa màu vụ hè thu tại Quảng Nam đang “trông cậy vào thủy điện”. “Từ nay (25.4), các thủy điện phải giữ nước, bắt đầu từ ngày 10.5 trở đi, các thủy điện xả nước để người dân hạ du tiến hành đổ ải vụ hè thu”, ông Quang nói. Ông Quang cũng đề nghị Bộ NN-PTNT nhanh chóng phân bổ kinh phí để tỉnh chống hạn.

Nghiêm túc xả nước theo lịch trình

Ông Đỗ Xuân Yến, Trưởng ban quản lý Thủy điện Đăk Mi 4 cho rằng, nguồn nước về hồ chứa năm nay vẫn khó khăn so với năm ngoái. Do vậy, trước đề nghị mở cống xả sâu của đập ngăn, ông Yến kiến nghị: cần phải hạn chế xả nước qua cống xả sâu và chỉ xả khi thật cần thiết để tránh lãng phí nguồn nước, đảm bảo sử dụng nước hiệu quả cho cả đôi bên. Đại diện thủy điện A Vương cũng cho biết, do thủy điện này nằm vị trí thượng nguồn của 2 thủy điện Sông Bung 5 và Sông Bung 6 nên ngành chức năng cần chú ý việc điều tiết nước từ 2 thủy điện đã nêu để sử dụng nguồn nước đúng thời điểm đề ra. “A Vương phát điện mà Sông Bung 5 và 6 không xả thì không có nước cho hạ du, do vậy thủy điện Sông Bung 5, 6 phải xả hợp lý”, đại diện thủy điện A Vương nói.

Ông Nguyễn Thanh Quang nêu ý kiến, cần phải có sự phối hợp và giám sát chặt chẽ giữa các đơn vị trong việc thủy điện xả nước. Ông Quang lo ngại sau khi đã có lịch xả nước nhưng trường hợp các thủy điện không tuân thủ sẽ gây khó khăn cho người nông dân. Sau khi thảo luận với đại diện EVN, ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi yêu cầu, các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn phải tiến hành xả nước liên tục từ ngày 10-31.5 để hạ du có nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Các thủy điện phải xả khối lượng nước ít nhất như sau: thủy điện A Vương xả với mức 39 m3/giây, Đắk Mi 4 xả 50 m3/giây, Sông Tranh 2 xả 110 m3/giây. Tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương, để đảm bảo nguồn nước, khi các địa phương có nhu cầu thì các thủy điện phải xả tiếp.

Ông Hùng cũng đề nghị lãnh đạo ngành nông nghiệp Quảng Nam và Đà Nẵng tập trung theo dõi lịch xả nước của các thủy điện, nếu các thủy điện không chấp hành thì phải báo cáo ngay với Tổng cục Thủy lợi để xử lý.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.